Khi nhà báo Lưu Đình Triều vừa ra sách, TP.HCM bắt đầu nới lỏng phong tỏa, mỗi ngày vẫn còn trên nghìn ca F0.
Trao đổi ngay khi sách vừa xuất bản, tác giả tâm sự: "Chẳng biết sách có hợp thời? Giữa mùa này mà nói chuyện du lịch e rằng sai sai".
Hợp thời
Tôi bác bỏ ngay: "Quá đúng lúc! Trên trăm ngày ngồi bó gối đến cuồng chân, ai mà chả muốn thoát đi đâu cho nhẹ đầu. Tôi vẫn phải lang thang qua tivi để bớt nỗi tù túng, nay lại được tung tăng tung tẩy trên sách đến tận trời Tây thì… đời còn chi nói nữa".
Tác phẩm mới nhất của nhà báo Lê Đình Triều. Ảnh: NVCC. |
Ngay cả trong tựa sách, bốn chữ "Tung tăng tung tẩy..." cũng là sự gợi mở, thu hút với nhiều người đang bị tù túng trong thời đại dịch.
Trả lời phỏng vấn báo chí sau đó, Lưu Đình Triều đã ngẫm lại, khi cho rằng Việt Nam đã rục rịch khởi động một số tour quốc nội và bàn tính chuyện đón khách du lịch nước ngoài, thì Tung tăng tung tẩy... Trời Tây của anh ít nhiều sẽ giúp ích cho độc giả mê xê dịch.
Anh nhấn thêm: "Với người từng đặt chân đến các thành phố, vùng đất được nêu trong sách, đọc sẽ là dịp để hồi tưởng, ôn lại kỷ niệm. Người chưa có cơ hội đến những khung trời xứ Âu, Á, Mỹ, Australia… và ấp ủ những chuyến đi sắp tới thì đọc như hình thức 'chuyến đi quá giang', ít nhiều thu tóm được một vài kinh nghiệm cho họ sau này. Với những ai yêu thích du lịch nói chung, đọc sách cũng như là du lịch online bù đắp trong tình hình 'bế quan tỏa cảng' vì Covid-19".
Chìa khóa nhỏ, mở tủ lớn
Riêng tôi, Tung tăng tung tẩy… trời Tây là món quà trên mức tình cảm. Đưa tôi dịch chuyển từ đông sang tây, từ Á sang Âu, tiện thể đẩy tôi tới tận đất Mỹ xa xôi, rồi cả Australia tít tắp. Tạo điều kiện cho tôi có dịp mở mang đầu óc thủ cựu đặc sệt ao làng. Tốn tiền chưa chắc dám mơ, lẽ nào đọc sách chỉ "mua vui cũng được một vài trống canh"? Phải hơn thế chứ!
Thế giới dưới con mắt của tác giả là cách nhìn của nhà báo. Đây là một thế giới hiện thực, không lung linh huyền ảo, chẳng hào nhoáng bóng bẩy. Nó đươc gọi đúng tên, ghi nhận như nó vốn có.
Tác giả Lưu Đình Triều có vẻ nghiêng về văn hóa - nghệ thuật, nhiều bài viết có liên quan bảo tàng, hội chợ sách, di tích lịch sử, truyền thuyết cổ xưa. Tất nhiên là cuộc sống hiện đại vẫn ngồn ngộn với những sân bay, bến cảng, trung tâm thương mại, môi trường học hành, nhà hàng, chợ chiền, bữa ăn đắt rẻ…
Cuộc sống, văn hóa tại nhiều đất nước được tác giả chuyển tải trong tác phẩm. Ảnh: NVCC. |
Tác giả kể bằng lối viết nhẹ nhàng, giản dị, không khoa trương cũng chẳng so sánh tự ti, nhưng luôn cuốn hút như đãi cát tìm vàng. Tôi rất thích bài anh viết về nước Nhật. Ở nơi ấy, giới trẻ đang Âu hóa mạnh mẽ mà vẫn giữ được cốt cách dân tộc.
Anh phác họa chân dung một cô gái làm việc cho Pepsi - Cola tại Okinawa, cúi rạp người chào đón khách trong bộ kimono truyền thống. Rồi anh kết luận: "Vâng, trong cái bề ngoài tưởng chừng như Âu hóa, giới trẻ Okinawa vẫn giữ trong lòng mình một cấm thành văn hóa riêng. Tựa như Okinawa này, nhà cao tầng có thể mọc san sát, nhưng cấm thành Shuru vẫn sừng sững trên đồi cao nhìn xuống và luôn được tu bổ như mới theo thời gian".
"Chìa khóa nhỏ có thể mở được chiếc tủ lớn", nhà thơ Liên Xô Raxun Gamzatop từng nhận xét như vậy trong cuốn "Dagestan của tôi". Cuốn sách của nhà báo Lưu Đình Triều đúng là một "chìa khóa nhỏ", nó mở ra cho tôi cả một khoảng nhân gian vời vợi.
Nào là hoa Anh Đào, nào là tuyết trắng mênh mông, là nàng Dae Jang-geum, là "giấc mơ Mỹ", là xứ sở Ả Rập đầy ấn tượng bởi Alibaba và 40 tên cướp... Tất cả đều như gieo hạt mầm, khiến tôi như muốn xé toang cái tù túng đặc quánh của mùa dịch dã, chọn ngày lành tháng tốt, khoác ba-lô lên đường để tung tẩy, tung tăng...