Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước phát triển vào 2045, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được coi là “chiếc chìa khóa vàng” cho kinh tế Việt Nam.
“6.000 ngày thần kỳ” là chủ đề câu chuyện mà GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản), nhiều lần chia sẻ khi về Việt Nam. Ông cho biết 6.000 ngày, tức khoảng 20 năm là quãng thời gian mà Nhật Bản đã phát triển thần kỳ, tăng trưởng liên tục 10%/năm, từ một nước thu nhập trung bình vươn lên thành nước phát triển hàng đầu thế giới.
Bài học đó được GS Trần Văn Thọ mong muốn Việt Nam học tập, vươn mình trở thành một nước phát triển vào 2045. Muốn phát triển nhanh, theo GS Trần Văn Thọ việc tiên quyết và quan trọng nhất là phải tăng năng suất lao động. Muốn vậy thì phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng nhanh và sâu rộng đến thế giới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết với mọi quốc gia nào trên thế giới.
Để đạt mục tiêu 2045, thu nhập bình quân của người Việt Nam đạt trên 12.000 USD/năm, thì khoa học công nghệ được đánh giá là “chiếc chìa khóa vàng”, động lực quan trọng để phát triển nhanh.
Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, những nghiên cứu đầu tiên về mô hình tăng trưởng kinh tế đã được công bố. Sớm nhất, nhà kinh tế người Anh David Ricardo (1772-1823) công bố học thuyết nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế dựa vào đất đai sản xuất nông nghiệp.
Sau đó, có nhiều công trình khác đưa ra nhiều mô hình khác nhau, với tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, lao động, tài nguyên, sau này là khoa học kỹ thuật và nguồn lực con người. Bài toán tìm động lực tăng trưởng được nhiều quốc gia xem xét dựa vào thế mạnh và bối cảnh riêng của mình.
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào khai khoáng và thâm dụng vốn, lao động từng là điểm yếu của kinh tế Việt Nam trong nhiều năm. Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2001-2005, dầu thô đóng góp 1/4 tổng thu ngân sách. Đến giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ giảm xuống còn 1/5. Tuy vậy, báo cáo của PVN năm 2018 cho thấy nguồn lực này đang dần suy giảm trữ lượng.
Điều kiện khai thác ở các mỏ dầu khí chủ lực đã chuyển sang giai đoạn suy giảm sản lượng hay có độ ngập nước cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, như mỏ Bạch Hổ, Tê Giác Trắng, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Rạng Đông...
Theo ThS Trần Bá Thọ, Đại học Kinh tế TP.HCM, có nhiều mô hình tăng trưởng kinh tế dựa theo các yếu tố đầu vào gồm: Vốn, lao động, tài nguyên thiên nhiên, khoa học, công nghệ.
Tăng trưởng dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên được coi là một trong những yếu tố thúc đẩy dễ dàng nhất, nhưng lại không bền vững, bởi tài nguyên thiên nhiên thì hữu hạn và dần cạn kiệt. Vốn cũng dần khó huy động và khó khăn.
Do đó, trong bối cảnh hiện nay, mô hình tăng trưởng phải dựa vào khoa học, công nghệ, nó được thể hiện thông qua sự phát triển của các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao như chế biến, chế tạo.
Tuy vậy, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đang có xu hướng chậm lại, từ trung bình 14,3%/năm của giai đoạn 2006-2010 xuống 10%/năm trong giai đoạn 2011-2015, và còn chưa đầy 8% trong giai đoạn 2016-2017. Việt Nam đứng thứ 101 trong tổng số 143 nước về chỉ số giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo bình quân đầu người. Báo cáo nhận định đây là những vấn đề đáng lo ngại khi mà Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa.
Báo cáo đánh giá tăng trưởng công nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố về vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp, chưa phát huy được yếu tố tri thức, khoa học và công nghệ, lao động có kỹ năng.
Thứ hai, một số ngành công nghiệp chủ đạo chưa được tổ chức theo mô hình chuỗi giá trị, đặc biệt là các ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu. Việt Nam hiện nay chỉ mới tham gia được ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn cung cho sản xuất.
Do đó, để đạt được tăng trưởng GDP cao trong nhiều năm, bắt buộc phải ứng dụng mạnh hơn nữa khoa học, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là các ngành công nghiệp trọng điểm, giúp tăng năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho rằng đã đến lúc cần quan tâm mạnh mẽ hơn nữa tới kinh tế tri thức và kinh tế số. Ông nhấn mạnh theo thời gian, các nhân tố mới như công nghệ cao, nguồn lực trí tuệ con người, tri thức và đổi mới sáng tạo xuất hiện làm cho mô hình tăng trưởng kinh tế bị thay đổi.
Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt được bằng cách đầu tư vào nguồn lực con người, đổi mới sáng tạo và tri thức, trong đó tri thức là nhân tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.
Do đó, đầu tư vào tri thức sẽ tạo ra tăng trưởng cả về năng suất và hiệu quả trong quá trình sản xuất, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững, hạn chế khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, không gây tác động tiêu cực đến môi trường.
“Đó cũng là lý do mà nhiều quốc gia đang hình thành và phát triển kinh tế tri thức, thay đổi các nhân tố tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh”, ông nhấn mạnh.
“Lần đầu tiên kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng”, là nội dung bài phát biểu giải trình của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại phiên họp Quốc hội cuối năm 2017. Khi đó, các chỉ số kinh tế - xã hội của năm 2017 đã dần “lộ diện” và điểm sáng về tăng trưởng năm đó là các ngành chế biến, chế tạo.
Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ mà Chính phủ tiếp tục theo đuổi từ đầu nhiệm kỳ. Năm 2017, mô hình tăng trưởng được cải thiện rõ khi chất lượng tăng trưởng đã từng bước được cải thiện. Đáng chú ý, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt mức 44,13%, cao hơn so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (33,58%) và cao hơn so với năm 2016 (40,68%)…
TFP là chỉ tiêu đo lường năng suất của đồng thời cả “lao động” và “vốn” trong nền kinh tế. TFP còn phản ảnh sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Nghĩa là với lượng đầu vào như nhau, lượng đầu ra có thể lớn hơn nhờ vào việc cải tiến chất lượng của lao động, vốn và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này bằng ứng dụng khoa học, công nghệ.
Những năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến lớn về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, khoa học kỹ thuật và công nghệ giúp thúc đẩy năng suất, chất lượng và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, góp phần tạo nên thế và lực mới cho đất nước.
Trong khi đó, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng cao. Đến năm 2019, Việt Nam xếp thứ 42 trên 129 quốc gia (tăng từ vị trí 71 vào năm 2014), dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam tăng trung bình 26%/năm, lĩnh vực toán học và vật lý luôn đứng ở top đầu các nước ASEAN.
Theo thống kê, trong 5 năm 2013-2018, số lượng công bố ISI (Institute of Scientific Information) thuộc danh mục khoa học xã hội của Việt Nam đã dịch chuyển từ hạng 66 lên hạng 49 của thế giới (tăng từ vị trí 71 vào năm 2014). Tuy nhiên vẫn đứng sau ba nước trong khu vực là Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Tuy vậy, đầu tư cho khoa học công nghệ Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với thế giới. Theo Sách trắng về Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển Việt Nam đạt 0,52% GDP (khoảng 1,16 tỷ USD). Tỷ lệ này kém EU 4 lần, kém Mỹ 5 lần, kém Trung Quốc 4,5 lần, kém Hàn Quốc 9 lần, kém Singapore và Malaysia 3 lần.
Về con số tuyệt đối, số tiền mà Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, chi của Việt Nam kém Trung Quốc 150 lần, kém Nhật Bản 51 lần, kém Hàn Quốc 27 lần, kém Mỹ 164 lần, kém EU 30 lần…
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo còn thấp. Năm 2018, 72,3% không có đổi mới sáng tạo; 5,2% chỉ thực hiện đổi mới sản phẩm. Phần lớn doanh nghiệp thực hiện đổi mới sáng tạo thông qua đầu tư vào công nghệ mới, mua thiết bị mà ít có nghiên cứu phát triển.
Nhân lực cho đổi mới sáng tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng nhà nghiên cứu của Việt Nam đạt gần 67.000, bình quân 7,02 người/10.000 dân, đứng thứ tư trong ASEAN, thấp hơn nhiều so với nước đứng thứ ba là Thái Lan (12,1 người).
Đào tạo nguồn nhân lực cấp đại học của Việt Nam chưa tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Chỉ số xếp hạng GII về giáo dục đại học của Việt Nam đứng thứ 81/129 nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kém, thể hiện qua chỉ số “Lao động có kiến thức” của doanh nghiệp đứng thứ 102/129 nền kinh tế.
Ở góc độ sản xuất, Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng Việt Nam mới chỉ sản xuất được ốc vít, chưa sản xuất được những sản phẩm công nghệ cao.
Đầu tháng 9, Công ty cổ phần Bellsystem24-HoaSao (quận Cầu Giấy, Hà Nội), tổ chức khai trương một phòng Lab ICT khiến nhiều doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực bất ngờ. Bởi việc đầu tư một phòng Lab với một doanh nghiệp cỡ lớn đã là một thách thức, chứ chưa nói với doanh nghiệp quy mô vừa như Hoa Sao.
Phòng Lab (Laboratory) là thuật ngữ không mới trên thế giới, nhưng khá mới mẻ ở Việt Nam. Nó chỉ các phòng thí nghiệm được xây dựng và thiết kế để cung ứng những điều kiện cần thiết cho việc triển khai thực hiện các thí nghiệm (thực nghiệm) thuộc nhiều lĩnh vực như sinh, hóa, vật lý, kinh tế, giáo dục… nhằm phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học, đảm bảo tính an toàn cho người làm thí nghiệm.
Hoa Sao là một doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ trung tâm liên lạc (contact center) và dịch vụ thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO-Business Process Outsourcing). Việc có phòng Lab sẽ giúp công ty này thử nghiệm và nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ trong kinh doanh, giúp cung ứng dịch vụ cho khách hàng tốt nhất.
Tuy vậy, ông Tuấn Nguyễn, Tổng giám đốc Bellsystem24-HoaSao, cho rằng để đầu tư một phòng Lab thì cản trở lớn nhất với doanh nghiệp là vốn đầu tư khá lớn. Nhưng nếu không đầu tư thì sẽ rất khó giúp doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới, rất khó cạnh tranh trên thị trường.
Bài toán đầu tư cho khoa học công nghệ được nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đau đầu với câu hỏi “con gà - quả trứng”. Đó là lấy tiền đâu để đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ. Nhưng nếu không đầu tư cho khoa học, công nghệ thì không có sản phẩm tốt, không thể nâng cao tính cạnh tranh, lại không có doanh thu và lợi nhuận để tái đầu tư.
Không chỉ khó khăn về vốn, doanh nghiệp còn khó khăn về cơ chế, thủ tục khi tiếp cận các khoản vay của Chính phủ. Khó khăn về nguồn lực con người, tìm kiếm các công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp trăn trở.
PGS TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng để có được sự tăng trưởng bền vững và lâu dài, thì Việt Nam tiên quyết phải đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ông cho rằng Chính phủ cần khuyến khích doanh nghiệp sản xuất tự tìm đến khoa học, coi khoa học, công nghệ là yếu tố sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Song song với đó cần tạo nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Cần đổi mới và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính vào hoạt động khoa học công nghệ.
PGS TS Vũ Hải Quân thì nhắc đến Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó có nhiều quyết định và mục tiêu đột phá trong việc đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu. Trong dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những ưu tiên xen lẫn các đột phá chiến lược.
Ông khuyến nghị cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực nhanh và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt là khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo từ các trường đại học. Ông tin rằng nếu đào tạo được đội ngũ sinh viên có phẩm chất và năng lực thì đến năm 2045 Việt Nam trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á.
Những năm gần đây, một tín hiệu vui là phong trào khởi nghiệp ngày càng phát triển. Việc hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được quan tâm. Điển hình như việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều năm thực hiện rất hiệu quả đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).
Năm 2019, Đề án 844 đã tổ chức gần 140 sự kiện khởi nghiệp, trong đó có gần 36% sự kiện quy mô lớn với hơn 500 người tham dự, và 64% sự kiện quy mô vừa và nhỏ khoảng từ 100 đến 200 người tham dự. Các sự kiện ngày càng tập trung vào tính liên kết quốc tế để phát triển thị trường, huy động nguồn lực quốc tế cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp mà Đề án 844 hỗ trợ ngày càng gặt hái được nhiều thành công. Điển hình như Abivin đã trở thành quán quân của cuộc thi Startup Worldcup với giải thưởng 1 triệu USD đầu tư; Medlink - một doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành dược - đoạt giải nhất của Vietchallenge trị giá 25.000 USD; Finhay đã nhận gần 1 triệu USD từ Insignia Venture Partners và các nhà đầu tư khác vào đầu năm 2019 ở lĩnh vực công nghệ tài chính.
Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Khoa học & Công nghệ cũng thường xuyên tổ chức các mạng lưới đổi mới sáng tạo, quy tụ nhiều nhân tài người Việt ở nước ngoài về nước cống hiến. Bộ Khoa học & Công nghệ hàng năm đều tổ chức ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (TECHFEST) dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhiều lần nhấn mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phải là động lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xúc tiến xây dựng Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đặt tại Hòa Lạc. Trung tâm này được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho phát triển và kết nối các startup, hướng đến xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vững mạnh.
Sau nhiều năm sống và làm việc ở Nhật Bản, GS Trần Văn Thọ tin rằng Việt Nam có thể đạt được kỳ tích khi phát triển nhanh khoa học, công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Ông mong muốn, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải khuyến khích khu vực tư nhân đi tiên phong. Có như vậy, Việt Nam mới nhanh chóng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, đem lại thu nhập cao cho người dân.