Virus corona lan rộng tại Mỹ, kéo theo nhiều tác động lên cuộc sống của người dân. Trước nguy cơ của một cuộc suy thoái sâu rộng, Tổng thống Donald Trump thúc đẩy nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm tái khởi động nền kinh tế.
Để làm được điều này, một nhóm chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm các nhà khoa học, luật sư, nhà kinh tế và đạo đức học, đã nghiên cứu ngày đêm và cho ra đời Lộ trình phục hồi sau đại dịch hồi cuối tháng 4.
Trong tài liệu này, nhóm tác giả đề xuất những việc quan trọng mà Mỹ cần hoàn thành trước khi nối lại các hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội.
“Chúng ta đã học cách sử dụng thiết bị bảo hộ và học cách làm phẳng biểu đồ dịch. Giờ đây, chúng ta tiếp tục học cách kiểm soát dịch bệnh”, giáo sư Danielle Allen của ĐH Havard, người đứng đầu nhóm tác giả cho biết.
20 triệu xét nghiệm trong một ngày
Theo giáo sư Allen, khoảng 20-40% bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng rõ ràng.
“Nhiều người xung quanh bạn có thể mang mầm bệnh mà không ai hay biết. Cách duy nhất để tìm ra những người này là thực hiện xét nghiệm virus corona”, ABC dẫn nhận định của ông Allen.
Người dân mang theo biểu ngữ để phản đối lệnh phong toả tại Mỹ. Ảnh: AP. |
Tài liệu Lộ trình phục hồi sau đại dịch viết: “Để tái khởi động nền kinh tế một cách an toàn, Mỹ cần sẵn sàng thực hiện 20 triệu xét nghiệm virus corona mỗi ngày”.
Một vài chuyên gia khác, bao gồm nhà kinh tế học Paul Romer từng đoạt giải Nobel, cũng đồng tình với ý kiến trên.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng trước, Tổng thống Trump khẳng định Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đang phối hợp với hơn 300 doanh nghiệp, phòng thí nghiệm để đẩy mạnh quá trình phê duyệt các bộ dụng cụ xét nghiệm virus corona.
Nhiều nhà sản xuất lớn như Roche Diagnostics hay Abbott Laboratories đang chạy đua với thời gian để cho ra đời những bộ dụng cụ tối ưu nhất. Song việc phân phối kịp thời 20 triệu xét nghiệm mỗi ngày vẫn là một vấn đề nan giải.
Tài liệu Lộ trình phục hồi sau đại dịch cho rằng Mỹ cần phải loại bỏ các điểm tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Xét nghiệm virus corona qua nước bọt, mới được FDA cấp phép trong tuần trước, có thể là một giải pháp thay thế đầy tiềm năng.
Truy dấu mầm bệnh
Cũng theo bản khuyến nghị, Mỹ cần thực hiện truy dấu mầm bệnh trên diện rộng. Quy trình này đòi hỏi các nhân viên y tế phải tìm hiểu kỹ lịch sử di chuyển và tiếp xúc của bệnh nhân, tìm ra những người nghi nhiễm và yêu cầu họ đi đi xét nghiệm.
Phương pháp truy dấu mầm bệnh từng được ứng dụng hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch AIDS và nhiều đại dịch khác tại Mỹ, theo ABC.
Các nhân viên y tế đang làm việc tại hạt Robertson hôm 18/4. Ảnh: Getty Images. |
Chuyên gia Crystal Watson của ĐH Johns Hopkins giải thích: “Những người từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ phải cách ly và theo dõi sức khoẻ trong vòng 14 ngày. Họ cũng sẽ được làm xét nghiệm với virus corona”.
Ông Watson tin rằng việc cách ly những người nghi nhiễm sẽ làm giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng và phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus corona.
Một nghiên cứu mới đây của ông này khuyến nghị Mỹ nên đầu tư 3,6 triệu USD để đào tạo 100.000 nhân viên truy dấu mầm bệnh. Trong khi đó, tài liệu Lộ trình phục hồi sau đại dịch còn đề xuất nên sử dụng hàng trăm nghìn nhân viên để làm việc này.
Tiểu bang Massachusetts mới điều động 1.000 nhân viên để truy dấu mầm bệnh trong cộng đồng. Theo giáo sư Allen, các nhân viên này làm việc càng hiệu quả thì nước Mỹ càng giảm bớt gánh nặng về số lượng bộ xét nghiệm.
Ứng dụng công nghệ trong truy dấu mầm bệnh
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, điện thoại thông minh đang trở thành một công cụ hỗ trợ việc truy dấu mầm bệnh. Hôm 10/4, hai “kỳ phùng địch thủ” Apple và Google tuyên bố hợp tác để phát triển ứng dụng định vị người nhiễm virus corona.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus corona tại một điểm xét nghiệm lưu động. Ảnh: Getty Images. |
Kể từ tháng 5, người dùng điện thoại thông minh có thể sử dụng Bluetooth để kiểm tra xem khu vực xung quanh có người nhiễm bệnh hay không. Những ai từng tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng nhận được thông báo và được khuyến cáo tự cách ly.
Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc là những nước đã ứng dụng công nghệ hiện đại để theo dõi mầm bệnh. Đức, Australia và Đan Mạch sẽ cho ra đời những ứng dụng tương tự trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, các ứng dụng theo dõi có thể đe doạ quyền riêng tư của người dân. Tài liệu Lộ trình phục hồi sau đại dịch khuyến cáo Mỹ nên đưa ra các quy định để bảo vệ quyền lợi của người dùng.
4 giai đoạn
Tài liệu Lộ trình phục hồi sau đại dịch còn đề cập đến 4 giai đoạn mà Mỹ cần thực hiện để chấm dứt phong toả và tái khởi động nền kinh tế:
Giai đoạn 1 (tháng 5 - tháng 6): 40% dân số - bao gồm lao động trong các lĩnh vực thiết yếu (nhân viên y tế, lính cứu hoả, cảnh sát, nhân viên vệ sinh,…) - phải được xét nghiệm và khai báo lịch sử di chuyển, tiếp xúc. Những trường hợp phải cách ly sẽ được chính phủ hỗ trợ thu nhập.
Giai đoạn 2 (tháng 6 - tháng 7): 70% dân số - bao gồm nhân viên trong ngành y tế, vận tải, xây dựng và chế biến thực phẩm - được quay trở lại làm việc. Chính phủ cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong giai đoạn này.
Giai đoạn 3 (tháng 7 – tháng 8): 80% dân số - bao gồm nhân viên văn phòng - có thể quay lại làm việc.
Giai đoạn 4 (tháng 8 – tháng 3/2021): Toàn bộ lực lượng lao động quay lại làm việc trong khi các trường học được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, người dân phải tiếp tục cẩn trọng cho đến khi vắcxin được phân bổ rộng rãi.
4 giai đoạn để Mỹ chấm dứt phong toả và tái khởi động nền kinh tế. Ảnh: ABC News. |
Theo các tác giả, việc thực hiện lộ trình này sẽ tiêu tốn khoảng 100-300 tỷ USD trong vòng 2 năm.
Tính đến ngày 3/5, Mỹ ghi nhận hơn 1.150.000 ca nhiễm và hơn 66.000 ca tử vong do Covid-19, theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins.