- Chí Trung yêu bóng đá từ khi nào?
- Tôi cũng không biết chính xác mình yêu bóng đá từ khi nào. Dường như nó có sẵn trong máu tôi. Từ ngày còn là một cậu nhóc nhỏ xíu, tôi đã thường xuyên ra sân Cột Cờ hay Hàng Đẫy để xem Thể Công, Công an Hà Nội thi đấu. Ngày trước nhà tôi ở Quốc Tử Giám, gần sân Hàng Đẫy. Cứ hôm nào có trận là tôi lại mò ra cổng 14 trèo trộm vào vì không có tiền mua vé. Thời đó sân lúc nào cũng chật kín khán giả, CĐV hò hét sôi động.
- Sau này khi bận rộn nghiệp diễn, rồi đảm nhận vai trò PGĐ Nhà hát Tuổi Trẻ, Chí Trung có còn thường xuyên tới sân?
- Đúng là tôi khá bận rộn với nghệ thuật nhưng vẫn luôn bố trí thời gian để cuối tuần ra sân Hàng Đẫy xem bóng đá. Khi đi diễn tỉnh tôi cũng thường xuyên mua vé vào các sân xem các CLB thi đấu. Còn với đội tuyển thì không phải nói. Tôi còn nhớ khi sang Thái Lan diễn gặp đúng dịp có trận Việt Nam - Thái Lan, tôi lùng cho bằng được vé vào xem. Tôi cũng thường xuyên theo đội tuyển sang các nước thi đấu. Điều đặc biệt là tôi yêu bóng đá một cách vô tư, không dính dáng gì tới cá độ, không đòi hỏi các đội phải thắng. Tôi chỉ yêu những gì cầu thủ họ cống hiến.
Chỉ có điều giờ mỗi lần tôi tới sân Hàng Đẫy lại thấy buồn. Không khí sôi động ngày xưa đã biến mất, thay vào đó là những khán đài trống vắng. Tôi luôn ước ao sao mỗi cuối tuần người Hà Nội lại nô nức kéo tới sân giải trí.
Chí Trung nỗ lực để sân Hàng Đẫy lại đông khán giả như cách đây 20-30 năm. |
- Theo anh vì sao giờ đây người Hà Nội lại thờ ơ với bóng đá?
- Người Hà Nội thông minh, sâu sắc nhưng thâm trầm và lạnh lẽo. Người Hà Nội không năng động, không muốn đứng lên để tới sân.
Người ta thường lấy lý do giờ bóng đá Việt Nam đi xuống, cầu thủ đá bạo lực, bán độ... nên không đi xem. Tuy nhiên, tôi nghĩ điều này không đúng. Cầu thủ là con người, có mặt tốt mặt xấu. Nếu CĐV đến sân đông, cổ vũ nhiệt tình thì đố cầu thủ nào dám làm trò. Theo tôi sân bóng cũng như sân khấu kịch vậy, đông người xem thì người diễn viên thăng hoa, hết mình. Rạp mà lưa thưa người thì diễn viên diễn qua loa cho xong. Hãy tưởng tượng xem, trên sân chỉ có vài khán giả thì cầu thủ họ thiết tha gì, lấy đâu động lực để cho biết 90 phút?
Rồi có người lại nói họ yêu Thể Công, giờ đội bóng này không còn nên chẳng thiết tha tới sân. Thể Công đã không còn, sao chúng ta không thể mở lòng với một đội bóng khác của thủ đô? Tôi thấy buồn khi người hâm mộ Hà Nội có thể yêu những đội bóng ở tận trời Âu như Arsenal, M.U, Real... mà chẳng thể mở lòng với những đội bóng ngay trên quê hương mình.
Tôi là fan M.U nhưng tôi cũng yêu các đội bóng của Hà Nội. Tôi luôn sẵn sàng ra sân cổ vũ cho Hà Nội T&T hay CLB Hà Nội.
- Cơ duyên nào khiến anh nhận lời làm Chủ tịch hội CĐV của CLB Hà Nội T&T?
- Tháng 9/2013, bầu Hiển gặp tôi trên sân Hàng Đẫy. Anh ấy đề nghị tôi làm Chủ tịch hội CĐV Hà Nội T&T. Tôi nhận lời vì đây là cơ hội tuyệt vời để tôi thực hiện ước mơ kéo người hâm mộ Hà Nội tới sân bóng cuối tuần.
- Nhiều người nói vì tiền nên anh nhận lời giúp bầu Hiển kéo CĐV tới sân?
- Tôi không nhận xu nào cho riêng mình cả. Tôi làm đơn giản vì muốn thắp lại tình yêu bóng đá của người thủ đô.
Trước mỗi trận đấu Chí Trung lại vào phòng thay đồ nói các cầu thủ Hà Nội T&T phải đá hết mình vì những khán giả có mặt trên khán đài. |
- Anh có cách gì để kéo người hâm mộ tới sân?
- Tôi đã xin bầu Hiển mở cửa miễn phí sân Hàng Đẫy ở mùa giải năm nay. Đích thân tôi cùng nhiều anh em đứng tươi cười chào mời khán giả vào sân theo dõi các trận đấu tại Hàng Đẫy. Tôi cũng tổ chức làm thẻ Hội CĐV. Người hâm mộ có thẻ này sẽ được "mua một vé tặng một vé" tại nhà hát Tuổi trẻ, giảm giá ở các nhà hàng, khách sạn.... Ngày 19/3 tôi còn tổ chức thi hát cổ động cho 5000 CĐV... Tôi sẽ làm mọi cách có thể để kéo người hâm mộ tới sân.
- Chí Trung có tự tin mình sẽ kéo được khán giả tới sân?
- Cái này tôi không nói chắc được. Tôi chỉ biết làm hết sức mình. Người ta thường nói đùa rằng mọi đám cháy rừng đều bắt nguồn từ một mẩu thuốc lá mà người ta vô tình ném ra. Tôi nguyện làm tàn thuốc lá đó để thắp lại tình yêu bóng đá của người Hà Nội.