Giữa tháng 12/2018, Hoa hậu Hoàn vũ H’Hen Niê trở thành nhân vật tiên phong trong việc khai phá con đường mới cho thế hệ người đẹp Việt bước ra đấu trường nhan sắc quốc tế. Hình ảnh cô gái da nâu, tóc tém, phong thái tự tin lọt vào top 5 Miss Universe đã thay đổi hoàn toàn những quan điểm trước đó của công chúng về tiêu chí chọn thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp thế giới.
Từ bước ngoặt kể trên, chiến lược đào tạo, phát triển và truyền thông của các công ty, đơn vị nắm bản quyền trong nước cũng trở nên bài bản, tiệm cận format quốc tế.
4 năm qua, thành tích của các đại diện Việt Nam tại 6 đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh là Miss Universe, Miss World, Miss International, Miss Earth, Miss Grand International và Miss Supranational dần cải thiện hoặc thăng hạng. Tính từ năm 2021, Việt Nam có thêm 2 vương miện quốc tế: Thùy Tiên (Miss Grand) và Bảo Ngọc (Miss Intercontinental).
Đứng sau thành công của các người đẹp Việt không thể không kể đến “bàn tay” đầu tư của các đơn vị nắm bản quyền. Không ít công ty, đơn vị chi hàng tỷ đồng để biến một người đẹp trong nước trở thành át chủ bài tại sân chơi nhan sắc quốc tế.
Các công ty đầu tư tiền tỷ cho người đẹp Việt đi thi
Ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Unicorp, đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam - cho Zing biết công ty của ông được xem là đơn vị đi đầu tiên trong việc tiến hành bài bản các khâu đào tạo, tổ chức chương trình truyền hình thực tế, truyền thông, đưa thí sinh tham gia các đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Ông Bảo Hoàng chia sẻ 4 năm trước, thời điểm H'Hen Niê đi thi Miss Universe, số tiền bỏ ra để đào tạo, đầu tư cho người đẹp đã lên tới hàng tỷ đồng. Sau, H'Hen Niê, Hoàng Thùy, Khánh Vân hay Kim Duyên, mức chi phí tăng dần theo thời gian và quy mô cuộc thi.
“Việc biến H'Hen Niê từ một nhân tố tiềm năng trở thành ứng viên nổi trội và kết quả là vào top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới là sự chuẩn bị trong một năm ròng rã và công sức của cả tập thể với mức đầu tư lớn. Chúng tôi bỏ tiền thuê chuyên gia đào tạo catwalk, dạy tiếng Anh, trang điểm, học phỏng vấn với thầy nước ngoài về các chủ đề như chính trị, xã hội, môi trường… Với các người đẹp sau này cũng vậy, ai cũng được đào tạo các khóa học từ cơ bản đến phức tạp để tự tin chinh chiến quốc tế”, CEO Bảo Hoàng chia sẻ.
Những người đẹp Việt đạt thứ hạng tốt các các cuộc thi nhan sắc quốc tế. |
Phó trưởng ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nói lộ trình chuẩn bị cho các người đẹp Việt trước khi xuất ngoại được đơn vị tham khảo dựa trên bài học từ các cường quốc hoa hậu trên thế giới như Venezuela hay Philippines (về kỹ năng training catwalk, trình diễn), Thái Lan (chuẩn bị trang phục, làm hình ảnh cá nhân, truyền thông).
Riêng khâu tổ chức chương trình truyền hình thực tế và phát trên các nền tảng mạng xã hội nhằm giúp thí sinh đến gần hơn với công chúng, giúp khán giả hiểu rõ về quá trình đưa đại diện Việt thi quốc tế là điểm riêng biệt của công ty, theo ông Bảo Hoàng.
Ngoài việc chuẩn bị về các kỹ năng, mỗi người đẹp Việt trước khi bước ra “biển lớn” đều có các hoạt động thiện nguyện, dự án nhân ái, giúp đỡ cộng đồng. Như Hen Niê là đại sứ toàn cầu của tổ chức Room To Read vào năm 2018; Khánh Vân đồng hành cùng ngôi nhà OBV (tổ chức giải cứu, nuôi dưỡng những trẻ em đã, đang và có nguy cơ cao bị khai thác tình dục); Ngọc Châu trở thành đại sứ của Quỹ Nâng bước tuổi thơ hay gần nhất là Lê Thảo Nhi là đại sứ của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam.
Ông Khánh Phạm - Ủy viên ban chấp hành Hội người mẫu Việt Nam, CEO Five6 Entertainment - nhìn nhận các cuộc thi sắc đẹp quốc tế càng lớn với tỷ lệ chọi khắc nghiệt thì mức độ đầu tư đối với thí sinh càng tăng lên.
“Trước khi đến với một cuộc thi sắc đẹp quốc tế, thí sinh phải trang bị kỹ năng ngoại ngữ, catwalk, hình thể, giao tiếp, chuẩn bị trang phục do ban tổ chức yêu cầu như quốc phục, dạ hội, bikini, váy áo hàng ngày… Ngoài ra họ còn tập luyện cho phần thi tài năng, dự án nhân ái, phần thuyết trình, ứng xử. Mọi thứ đều phải chỉn chu, kỹ lưỡng. Rõ ràng, quá trình đó không đơn thuần là đăng quang trong nước rồi đi thi ngay”, ông Khánh chia sẻ.
Thí sinh cũng phải bỏ số tiền không nhỏ
Bà Hồng Nhung - thành viên ban giám khảo Hoa hậu Du lịch Thế giới - nói với Zing những thí sinh được tổ chức nắm bản quyền cử đi thi đấu trường sắc quốc tế sẽ có ê-kíp hậu thuẫn, hỗ trợ chuẩn bị hành trang bài bản, kỹ lưỡng. Họ hoàn toàn không phải bỏ ra bất kỳ chi phí nào vì được đài thọ toàn bộ.
Ở các cuộc thi lớn như Miss Universe, Miss World, Miss Grand International, nhiều nhà thiết kế, nhãn hàng, thương hiệu trong nước đều hỗ trợ, đồng hành với các người đẹp dự thi.
Thí sinh Thái Thị Hoa chia sẻ với Zing cô bỏ vài trăm triệu để thi Miss Earth. Ảnh: Phương Lâm. |
Tuy nhiên, đối với những thí sinh không phải là thành viên của các công ty kể trên muốn đi thi quốc tế, buộc phải đàm phán với đơn vị nắm bản quyền và bỏ ra toàn bộ chi phí.
Năm 2020, Thái Thị Hoa dự thi Miss Earth. Cô tiết lộ với Zing toàn bộ chi phí đều tự mình bỏ ra. Số tiền lên tới vài trăm triệu đồng trong hai tháng đồng hành với cuộc thi. Toàn bộ trang phục dân tộc, dạ hội, trang phục sáng tạo ở đêm chung kết đều được thí sinh này chuẩn bị.
Ông Khánh Phạm cũng chia sẻ ở nhiều cuộc thi sắc đẹp quốc tế khác, số tiền mà thí sinh Việt Nam bỏ ra dao động ở mức khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy vào khả năng tài chính của từng người.
"Ngoài những chi phí bề nổi mà công chúng có thể nhìn thấy như trang phục, tiền vé máy bay, đi lại, đóng chi phí dự thi..., không ít người đẹp Việt còn tự bỏ tiền để tham gia các khóa học đào tạo kỹ năng trong thời gian dài. Họ nhận thấy các cơ hội phát triển, lợi nhuận sau khi thi quốc tế như được nhãn hàng, thương hiệu để mắt nên không tiếc tiền đầu tư", Ủy viên ban chấp hành Hội người mẫu Việt Nam đánh giá.
Công thức cho người đẹp Việt thi quốc tế
Từ trường hợp thành công của H'Hen Niê ở Miss Universe 2018, Nguyễn Thúc Thùy Tiên ở Miss Grand International hay Phương Khánh (Miss Earth), gần nhất là Lê Nguyễn Bảo Ngọc (Miss Intercontinental 2022), công chúng đặt câu hỏi về công thức chung cho người đẹp Việt để đạt thứ hạng cao tại đấu trường sắc đẹp quốc tế.
Bảo Ngọc kể về hành trình đăng quang Miss Intercontinental 2022. Ảnh: Y Kiện. |
Trước thắc mắc của khán giả, ông Trần Việt Bảo Hoàng cho rằng mỗi thí sinh có một nét đẹp, cá tính, phong cách khác nhau. Thành công của người này không trở thành công thức để áp dụng vào thí sinh kế tiếp. Vì thế, đơn vị nắm bản quyền phải có những chiến lược, hoạch định thay đổi dựa trên lợi thế cũng như hạn chế của từng người đẹp.
"Mỗi một thí sinh đi thi, chúng tôi đều phải tìm ra công thức mới. Đào tạo hoa hậu là huấn luyện, dạy dỗ con người chứ không phải là cỗ máy. Với mỗi đại diện đi thi, đơn vị đều dành hết tâm lực. Như Miss Universe là đấu trường sắc đẹp khắc nghiệt với những thí sinh mạnh. Một số quốc gia có lịch sử tham gia 50 năm nhưng chưa một lần lọt top. Đơn vị bắt đầu đưa thí sinh Việt Nam dự Miss Universe từ năm 2008. Vì thế, việc giành vương miện tại cuộc thi này vẫn là câu chuyện dài và không thể hứa trước", ông Bảo Hoàng chia sẻ.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Hoa hậu Liên lục địa Lê Nguyễn Bảo Ngọc cho rằng ở thời đại mới, thí sinh Việt tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế ngoài việc trau dồi sắc vóc, kỹ năng, điều quan trọng là vẻ đẹp nội tại.
"Các thí sinh được quốc gia họ cử đi thi đều đẹp và máu chiến. Vì thế, sự tự tin, vẻ đẹp bên trong sẽ khiến đại diện Việt tỏa sáng, giành vị trí cao tại các cuộc thi. Không một lớp quần áo nào có thể che được tinh thần vững vàng của mình", cô gái sinh năm 2001 tâm sự với Zing.