Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Chi thêm tiền để được ngồi điều hòa trong nắng nóng 38 độ C

Công việc yêu cầu thường xuyên phải ra đường trong ngày nắng nóng khiến Kiều Trang "cắn răng" chi thêm tiền để đổi lấy sự thoải mái, trong đó đắt đỏ nhất là di chuyển bằng taxi.

Người dân Hà Nội phải tìm mọi cách để chống chọi với đợt nắng nóng cao điểm khi xuất hiện mức nhiệt độ kỷ lục trong vòng 10 năm qua. Ảnh: Thụy Trang.

Công ty của Kiều Trang (24 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) có chính sách hỗ trợ chi phí di chuyển bằng taxi dành cho nhân viên. Thông thường, cô hiếm khi sử dụng hết khoản trợ cấp này.

Tuy vậy, tình hình thay đổi từ khi thành phố bước vào mùa nắng nóng. Chưa hết một tháng, nhân viên này đã tiêu quá hạn mức hỗ trợ. Ngại trình bày với phòng nhân sự, Trang dành tiền riêng để chi trả cho các chuyến đi gặp mặt khách hàng, đối tác.

Chia sẻ với Zing, cô cho biết thời tiết nắng nóng, oi bức trong mùa hè là nguyên nhân chính khiến chi phí sinh hoạt của cô tăng lên đáng kể. Trong đó, số tiền cho việc đi lại bằng taxi, xe hơi công nghệ chiếm phần lớn khoản đội lên.

"Tôi thường xuyên di chuyển trong ngày để gặp gỡ khách hàng. Cái nắng gay gắt khiến việc đi lại thật sự vất vả. Tôi cũng không thể tới gặp đối tác với cái lưng ướt đẫm mồ hôi, mái tóc bết và gương mặt đỏ bừng vì nắng nóng được", cô giải thích.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2023 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiệm trọng sẽ xảy ra. Những ngày qua, nắng nóng gay gắt đã bắt đầu xuất hiện tại nhiều địa phương trong cả nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và người lao động.

Mùa nắng nóng tốn kém

12h trưa, Kiều Trang lau mồ hôi, bước ra khỏi văn phòng để chuẩn bị đi ăn cùng đối tác. Nhìn con số 36 độ C hiển thị trên màn hình điện thoại, cô quyết định đặt xe hơi công nghệ dù trước đó dự định gọi xe ôm.

Công việc yêu cầu cô thường xuyên phải ra đường. Cảnh ùn tắc, nóng bức, không khí ngột ngạt, nhiều khói bụi khiến cô đành chi thêm tiền nhằm đổi lấy sự thoải mái.

nang nong anh 1

Kiều Trang di chuyển bằng taxi và xe công nghệ trong thời tiết nắng nóng vì thường xuyên phải gặp gỡ khách hàng.

“Nếu dùng váy áo chống nắng, tôi cảm thấy khó thở, mồ hôi nhễ nhại, tóc rối bời. Tôi ngại gặp khách hàng với hình ảnh thiếu chỉn chu”, cô bày tỏ.

Chỉ sau một tuần nắng nóng gay gắt, nhân viên văn phòng này nhận thấy mục “Chi phí đi lại” trong ứng dụng quản lý tài chính cá nhân tăng hơn 1 triệu đồng.

“Tưởng số tiền chỉ lắt nhắt, nhưng đến khi cộng lại mới thấy rất tốn kém. Đặt xe vào giờ cao điểm vốn đắt hơn đáng kể so với khung giờ thông thường”, cô giải thích thêm.

Ngoài ra, việc ra, vào liên tục các tòa nhà bật điều hòa khiến cô vài lần sốc nhiệt. Bên ngoài nắng nóng khiến nhiệt độ chênh lệch lớn. Thậm chí, việc đang ngồi trong taxi rồi bước ra ngoài cũng khiến cô vài lần gặp nóng đột ngột.

Trong khi đó, khoảng một tháng qua, Yến Nhi (25 tuổi, quận 10, TP.HCM) cộng thêm 100.000 đồng/ngày vào tiền “văn phòng phí”.

Sau mỗi khi gặp khách hàng, cô sẽ mua thêm các loại nước giải nhiệt, hoặc nán lại ở quán cà phê máy lạnh để làm việc, chờ qua cơn nắng rồi về. Thông thường, cô không có thói quen như vậy.

Đồng tình, Bích Thảo (26 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) thừa nhận mùa hè là thời điểm chi tiêu nhiều nhất của cô.

nang nong anh 2

Bích Thảo thừa nhận mùa nóng khiến "văn phòng phí" của cô tăng cao.

Ngoài chi phí sinh hoạt tăng cao vì sử dụng máy lạnh liên tục, làm việc ở quán cà phê và di chuyển bằng taxi, cô còn tốn kém đặt đồ ăn trưa về văn phòng.

Trước đây, nhân viên này thường xuyên đi bộ đến các quán ăn cách công ty tầm 500 m và có rất nhiều sự lựa chọn quanh khu vực này. Song, kể từ khi nắng nóng thường xuyên, đặc biệt là vào thời điểm nghỉ trưa, cô cùng nhiều đồng nghiệp đặt đồ ăn bên ngoài để tránh phải di chuyển.

"Các quán ăn quanh công ty tôi đều đông đúc từ khoảng 12-14h mỗi ngày. Trước đây, chúng tôi còn ngồi chờ đợi, xếp hàng được nhưng giờ thì nóng không chịu nổi", cô lý giải.

Ở văn phòng đợi đồ ăn trưa đến cũng không phải viễn cảnh lý tưởng trong mắt Thảo. Do giờ ăn trưa là giờ cao điểm, cước phí tăng cao, ngoài ra cô cùng nhiều đồng nghiệp phải chờ đợi 1-1,5 giờ đồng hồ món ăn mới được giao đến nơi trong khi thời gian nghỉ rất hạn chế.

"Nói chung là bất tiện và tốn kém hơn", cô nói.

Cân đối

Yến Nhi thừa nhận mình không phải người giỏi quản lý tài chính. Mỗi tháng, cô gửi tiết kiệm 5 triệu đồng. Số tiền còn lại, cô tính toán để đủ chi tiêu đến kỳ lương kế tiếp. Thông thường, nhân viên này ít khi phải “thắt lưng buộc bụng” cho các chi phí sinh hoạt cá nhân.

Song, khi thời tiết vào giai đoạn cao điểm oi nóng, cô thấy rõ quỹ tiền của mình eo hẹp hơn. Trong đó, hóa đơn tiền điện “ngốn” ngân sách đáng kể. Ngoài ra, tiền cho cho việc đi lại, ăn uống bên ngoài cũng tăng chóng mặt.

“Đó đều là những hạng mục khó có thể cắt giảm, tôi không biết phải tiết kiệm thế nào”, Nhi nói.

Trong khi đó, nhận thấy tình trạng “vung tay quá trán” trong việc đi lại khiến chi phí sinh hoạt gia tăng, Kiều Trang quyết định rủ đồng nghiệp ghép chuyến xe đi làm. Khéo xếp lịch và lộ trình, cô chia sẻ chi phí đi lại với 2-3 người nữa sống gần để tiện đón - trả.

nang nong anh 3

Yến Nhi tiêu tốn khoản lớn cho việc đi lại bằng xe hơi công nghệ, ngồi làm việc tại quán cà phê.

“Tôi cũng sẽ cố gắng hẹn gặp khách hàng tại tòa nhà văn phòng của mình, tránh những khung giờ cao điểm như giữa trưa, chiều tối. Việc này giúp đỡ tốn kém hơn một chút và không phải khách hàng nào cũng đồng ý”, cô nói thêm

Tương tự nhiều nhân viên văn phòng, Bích Thảo cũng tìm các giải pháp nhằm tiết kiệm tối đa "văn phòng phí".

Việc bất tiện khi mua đồ ăn bên ngoài đã khiến cô đặt mục tiêu nấu đồ ăn trưa tại nhà ít nhất 3 bữa mỗi tuần.

"Một lần nấu, tôi có thể ăn 2-3 bữa, tốn khoảng 100.000 đồng. Trong khi đó, một lần đặt ship về công ty đã mất khoảng 65.000-90.000 cả phí ship", cô nhẩm tính.

Ngoài ra, để tiết kiệm tối đa ngân sách, cô thường tận dụng mọi mã giảm giá có trên các ứng dụng đặt hàng, các chương trình ưu đãi cho khách hàng sử dụng thẻ, ví điện tử. Bích Thảo cũng ít khi nào chọn đặt món một mình, thay vào đó cô nhắn vào nhóm chat của công ty, gom 5-6 người cùng đặt món ăn để giảm tiền ship.

"Gom đơn 5-6 người tính ra tiền ship chỉ khoảng 5.000 đồng mỗi người. Đơn chừng đó người cũng vừa đủ, tránh sai sót", cô chia sẻ kinh nghiệm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h.

Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời; mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi.

nang nong anh 4

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Ảnh: An Huy.

Nếu bắt buộc phải làm việc thì không nên làm việc quá lâu trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên định kỳ sau khoảng 45 phút đến 1 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát trong khoảng thời gian từ 15-20 phút.

Người dân khi phải làm việc trong môi trường nắng nóng cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy; Sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Cần mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi, sử dụng thêm các loại kem chống nắng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày 22/5, thủ đô Hà Nội ngày nắng nóng gay gắt; đêm có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Đông Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 37-39 độ C.

Trong khi đó, Nam Bộ chiều và tối có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; đêm có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió Tây Nam cấp 2-3. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, có nơi trên 34 độ C.

Những người từ chối 'bạn cùng nhà'

Không ít người trẻ mong muốn sống độc lập với gia đình, bạn bè và cả người yêu. Họ muốn có không gian riêng tư, phù hợp lối sống cá nhân.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Linh Vũ - Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm