Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chí Phèo - từ ‘quỷ dữ làng Vũ Đại’ tới kẻ thức tỉnh muộn màng

Dù không nhiều đất diễn như nguyên tác, nhưng Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” hiện diện sống động, tạo nên hình tượng một kẻ bị đẩy đến tha hóa và tâm thế hoàn lương.

Chí Phèo là nhân vật văn học trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Đây là một kiệt tác của văn học Việt Nam, được xuất bản năm 1941. Tới khi vào phim Làng Vũ Đại ngày ấy (đạo diễn Phạm Văn Khoa), Chí Phèo không còn là nhân vật chính duy nhất.

Ít đất diễn hơn

Kịch bản bộ phim của Đoàn Lê đã đưa Chí Phèo vào Làng Vũ Đại ngày ấy cùng với hai nhân vật chính trong hai truyện ngắn khác của Nam Cao: giáo Thứ (Sống mòn) và lão Hạc (Lão Hạc).

Trong không gian làng Vũ Đại, bi kịch, số phận của các nhân vật diễn ra quanh nhân vật trung tâm là giáo Thứ. Nếu Chí Phèo là nhân vật trung tâm, được kể bởi lời kể của nhà văn trong truyện, thì ở trong phim, Chí Phèo hiện diện qua những sự việc liên quan đến giáo Thứ. Thậm chí, nhiều chuyện cuộc đời Chí được truyền tải qua hồi ức, lời kể của giáo Thứ.

Chi Pheo - tu quy du toi khat khao hoan luong anh 1
Một Chí Phèo bị tha hóa cùng cực, mất nhân tính được NSƯT Bùi Cường thể hiện trọn vẹn, sinh động trong phim.

Trong truyện ngắn Chí Phèo, tác phẩm mở ra bằng cảnh Chí vừa đi vừa chửi, ngật ngưỡng say, tìm tới nhà bá Kiến rạch mặt ăn vạ. Tuy nhiên trong phim, Chí Phèo xuất hiện khi giáo Thứ mất việc, trở về làng viết văn mưu sinh.

Gặp nhau ở quán nước, chỉ với một câu “anh Chí” của giáo Thứ mà khiến Chí cảm kích: cả cái làng này coi Chí là con quỷ dữ, gọi hắn là thằng Chí, mỗi mình ông giáo gọi hắn là “anh Chí”.

Cuộc chạm trán khi trở về làng là một cú choáng váng với giáo Thứ. Cơn choáng váng đó dẫn người xem tới câu chuyện cuộc đời Chí Phèo, từ cái lò gạch bỏ hoang, đứa trẻ côi cút không cha không mẹ lớn lên bởi cơm của người làng, thành một thanh niên hiền lành chất phác.

Cơn ghen của bá Kiến đã đẩy Chí vào tù. Và giờ đây, khi trở về, Chí thành kẻ khác, là tay rạch mặt ăn vạ, kẻ phá tan đời sống của bao người, một gương mặt quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Trong truyện ngắn, Chí Phèo là nhân vật trung tâm, nên tác giả dành nhiều dung lượng miêu tả nội tâm một kẻ khốn cùng, bị áp bức và bị đẩy đến chỗ tha hóa. Sự tha hóa được đẩy đến cùng cực trong tác phẩm văn học, khi nhân vật mất hết nhân tính. Bên cạnh những chi tiết dữ dội của Chí như cuộc sống chìm trong cơn say này đến cơn say khác, lấy mảnh chai cào mặt ăn vạ, đốt quán rượu… truyện còn có những khoảng lặng của Chí Phèo.

Như đoạn Chí Phèo sau một trận say, trở về trên con đường đầy ánh trăng, hắn giẫm lên cái bóng của mình. Đó là một cái bóng đen, méo mó, xệch xoạc, xiên bên nọ vẹo bên kia, xé rách vài chỗ. Chí Phèo đã tha hóa tới cả cái bóng cũng không còn nghiêm ngắn, vậy mà hắn còn ngặt nghẽo cười với cái bóng đó. Hắn đích thực đã bị đẩy tới chỗ chẳng còn nhân tính.

Hay đoạn Chí ăn bát cháo hành của Thị Nở, 5 ngày ốm sống trong tình thương của Thị Nở khiến trong Chí cựa quậy tính người. Việc Chí trong cơn ốm, nằm nghe thấy tiếng chim, tiếng đàn bà đi chợ trò chuyện, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá… là những miêu tả tinh tế trong truyện cho thấy Chí khát khao cuộc sống đời thường biết bao.

Những đoạn miêu tả nội tâm, những chi tiết tinh tế ấy không được đưa vào phim, khiến nhân vật Chí Phèo không còn nhiều đất diễn trong phim so với tác phẩm văn học.

Chi Pheo - tu quy du toi khat khao hoan luong anh 2
NSƯT Bùi Cường - người thể hiện thành công vai Chí Phèo.

Bên cạnh đó, để khắc họa sâu hơn hình tượng người dân bị tầng lớp cai trị phong kiến đẩy đến tha hóa, truyện ngắn còn đưa vào các nhân vật có số phận tương tự Chí Phèo.

Năm Thọ, Binh Chức đều là những người bị đẩy đến mức cùng quẫn, trở thành những tên “đầu bò”, tay sai cho cường hào ác bá. Còn ở trong phim, một mình nhân vật Chí Phèo phải tự “gánh” trách nhiệm xây dựng hình tượng một kẻ bị đàn áp, bị đẩy thành một con quỷ dữ trong xã hội cũ.

Dấu ấn một “quỷ dữ” khát khao hoàn lương trong điện ảnh

Với gánh nặng thể hiện hình tượng một người bị đẩy đến chỗ tha hóa, cùng cực, xong diễn xuất của diễn viên Bùi Cường trong Làng Vũ Đại ngày ấy đã dựng nên một Chí Phèo không thể sinh động hơn.

Từ dáng ngồi chống chân lên ghế, cách cầm chai, điệu đi liêu xiêu, ngật ngưỡng say triền miên, con mắt trắng lúc nào cũng trợn lên quát tháo, tới cái cười to ngặt nghẽo trong mọi hoàn cảnh đã đưa Chí Phèo từ trang giấy lên thành một Chí Phèo bằng xương bằng thịt trước mắt khán giả.

Nhân vật Chí Phèo của Bùi Cường đạt tới mức trở thành hình mẫu cho những ai muốn hình dung về một người say, một kẻ “cào mặt ăn vạ”, hay sâu xa hơn là một kẻ khốn cùng bị đẩy đến mất nhân tính.

Nhưng cũng chính nhân vật Chí Phèo của Bùi Cường cho người ta hình dung cụ thể về việc thế nào là một nhân vật khát khao hoàn lương.

Chi Pheo - tu quy du toi khat khao hoan luong anh 3
Vẫn khuôn mặt trước đó đầy dữ tợn, mất nhân tính, khi nhận bát cháo có hơi ấm tình người, khát khao hoàn lương của Chí Phèo trở lại.

Cũng với khuôn mặt đầy vết rạch, chằng chịt sẹo, cũng vẫn những sợi râu lún phún, cũng với bộ quần áo rách, điệu ngồi chống chân lên chõng, nhưng diễn viên Bùi Cường đã diễn ra chất “khát khao hoàn lương” của Chí Phèo khi cầm bát cháo hành của Thị Nở. Khuôn mặt ấy sao mà hiền lành, vô hại. Ai mà nghĩ một kẻ từng là đao phủ, phá tan cuộc sống của bao người lại có thể có cái cười hiền như vậy.

Khuôn mặt hiền ấy còn được khắc họa sâu hơn trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy, chi tiết Chí Phèo ngồi bên ngôi mộ lão Hạc trong màn mưa (mà truyện ngắn không có), Chí đã khóc cho số phận lão Hạc, hay chính cho số phận của hắn.

Trong truyện, sau khi biết bà cô không cho Thị Nở lấy Chí Phèo, Chí đã đi tìm Bá Kiến; trong phim, trước khi cầm dao tới nhà Bá Kiến, Chí Phèo còn nói: Lão Hạc đã chết, còn ta thì sao?

Cái mầm thiện, cái khát khao hoàn lương khi cầm bát cháo hành chứa tình thương của Thị Nở, khi nghe nhịp sống giản dị bình yên hôm nào mới chỉ cựa quậy trong Chí, khi chứng kiến lão Hạc thà chết chứ không chịu khuất phục bọn cường hào, giờ đây đã dẫn đến hành động. Chí chẳng cần rượu, chẳng cần say, chẳng cần tiền của cụ Bá. Hắn cần lương thiện.

Cuộc đời của Chí Phèo kết thúc với câu hỏi: “Tao muốn làm người lương thiện. Ai cho tao lương thiện?” trong truyện đã được diễn viên thể hiện trọn vẹn bằng hình ảnh trong phim. Chi tiết ấy đã giúp cả truyện ngắn Chí Phèo lẫn phim Làng Vũ Đại ngày ấy trở nên kinh điển.

Khát khao hoàn lương, được sống như một con người mang tầm vóc hơn cả, và sẽ sống mãi, vượt qua mọi bối cảnh lịch sử, xã hội, chính trị.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm