Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc truy tìm vàng bạc châu báu phi nhân đằng sau mật chỉ Minh Mạng

Các thế lực tham gia giải mã mật chỉ Minh Mạng trên đất Huế đều ngỡ sẽ tìm ra kho báu, nhưng vàng bạc chỉ là thứ ngoại thân và tai họa sẽ đến với những kẻ tham lam vô độ.

Tiểu thuyết trinh thám Minh Mạng Mật Chỉ là cuốn sách thứ tư của tác giả Giản Tư Hải. Cuốn tiểu thuyết đem đến cho bạn đọc một lượng dữ liệu không nhỏ về những sự kiện lịch sử thời nhà Nguyễn. Những diễn biến không như sắp đặt đã xảy ra khi tất thảy suy nghĩ của các thế lực đều cho rằng đó là mật chỉ dẫn đến kho báu, và những điều vô nhân đạo đã xảy đến.

Đó là hành trình, theo dự định ban đầu là giải mã mật chỉ trên đất Huế do Bạch Lan, người con gái, hậu duệ chín đời của vua triều Nguyễn là chủ kết hợp với Hội đạo sĩ cơ mật và khách mời là Kỳ Phương, một nhân vật chuyên về kiến trúc, khảo cổ trọng tình trọng nghĩa có đam mê lớn với những thư tịch của triều Nguyễn. Kỳ Phương đã viện cớ làm luận văn thạc sĩ để tiếp cận với người con gái tài sắc vẹn toàn là Tôn Nữ Bạch Lan.

Sach Minh Mang mat chi anh 1
Sách Minh Mạng mật chỉ của tác giả Giản Tư Hải.

Mọi thứ như đã được chuẩn bị chu toàn, giờ G đã điểm, tất cả nhân vật tham gia đều không biết mặt nhau và đều được trang bị những chiếc mặt nạ để đảm bảo tính khách quan, trung thực. Thế nhưng, mọi sự đã diễn ra theo một hướng hoàn toàn khác trong đêm mưa gió bão bùng, khi Kỳ Phương, tuy rằng đã đến đúng hẹn nhưng chỉ kịp mang theo chiếc mặt nạ bởi quá mệt và ngủ quên.

Ngủ quên, một hiện tượng trùng lặp lại xảy ra với hầu hết các nhân vật cùng tham gia đêm đó. Có vẻ một kế hoạch ngầm, hoàn hảo hơn đã được sắp đặt sẵn từ trước đó.

Và Bạch Lan thì mất tích. Câu chuyện đã chuyển sang một hướng hoàn toàn khác khi có sự tham gia truy tìm của ba lực lượng khác nhau: Kỳ Phương, trên hành trình đi tìm Bạch Lan, Phi - đại diện cho lực lượng cảnh sát đặc nhiệm và tên chủ tịch người Pháp máu lạnh, tham lam dưới sự chỉ huy của một thiền sư. Cuộc chạy đua đã bắt đầu như thế.

Hành trình đi tìm mật chỉ

Mơ hồ và hoang hoải khi kế hoạch không diễn ra đúng như dự kiến tại chùa Diệu Đế, bằng trí tò mò của mình, Kỳ Phương đã đi vòng quanh chùa và liên tiếp chứng kiến những vụ án mạng xảy ra. Anh đã nhanh chóng bị cuốn theo và thành “quân tốt” hữu dụng giữa các thế lực. Điều này giống như một dụng ý của tác giả để độc giả có cái nhìn tiệm cận hơn với bản ngã của mỗi con người. Và từ đây, những khuôn mặt người dần được hé mở. Cái chính và quan trọng nhất, các nhân vật của tác giả Giản Tư Hải đã không vượt qua khỏi sự cám dỗ của bạc tiền. Tất cả đều cho rằng đã là mật chỉ thì chỉ có thể là kho báu. Điều ấy đã cuốn họ vào con đường của tội ác mà tội ác ấy, bi kịch thay lại diễn ra trên chính đất Phật.

Những tuyến nhân vật mới xuất hiện. Thế nhưng, trước sự tận tụy, chân thành và kiến thức yên bác của Kỳ Phương đã khiến những thế lực muốn có được anh, lợi dụng anh không nỡ sát hại anh khi sự đã thành.

Cuốn sách là dày đặc những kiến thức về khảo cổ cũng như lịch sử triều Nguyễn, sự kết hợp giữa truyện Kiều, chữ Hán - Nôm và những kí hiệu mật chỉ cũng như những quy luật của các chất hóa học, v.v…. Tất thảy được xây dựng một cách khéo léo và tự nhiên khiến cho cuốn tiểu thuyết thêm ly kỳ hấp dẫn. Tiết tấu của câu chuyện đi rất đỗi chậm chạp, nhưng cả một hành trình kiếm tìm và giải mã chỉ diễn ra trong một đêm.

Cuộc chạy đua ngầm giữa hai thế lực giấu mặt và bản ngã tầm thường

Cuộc chạy đua ngầm giữa hai thế lực đó chính là cái thiện và cái ác. Tác giả Giản Tư Hải khéo léo khi giấu nhẹm những con người bí ẩn, để mọi suy đoán đổ dồn về nhân vật Chủ tịch tàn ác, không từ thủ đoạn mà giết sạch những người cản đường và những nhân chứng quan trọng khi đã lấy được thông tin mật.

Sach Minh Mang mat chi anh 2
Cuốn sách đưa người đọc tới Huế với những đền đài, lăng tẩm, các chỉ dấu bí ẩn, cuốn độc giả đi từ khám phá này tới bất ngờ khác.

Thế nhưng mọi sự đã không như vậy, nhân vật tàn ác nhất, thủ đoạn nhất chính là một cô gái, Diệu Vy, cô gái xinh đẹp, học vấn uyên thâm, nhân vật tưởng như bất đắc dĩ vì cứu Bạch Lan, người chị của mình mà bị đẩy vào hành trình. Bản ngã tầm thường ở đây được tác giả khẳng định ở chỗ, chỉ một ý nghĩ có vàng bạc lóe lên đã khiến con người ta dễ dàng ảo vọng và lao vào cuộc tìm kiếm bằng bất cứ giá nào.

Với lối kể tuyến tính, cuốn tiểu thuyết diễn ra giống như một trò chơi mà nhân vật chính được thay đổi luân phiên và tất thảy đều giống như một chú hề khi bị phanh trần.

Cái kết của câu chuyện là bí mật được bày ra. Tất thảy đã nằm ngoài dự đoán của các nhân vật. Ngay cả bạn đọc cũng có thể bị lừa. Từ đây, tư tưởng của cha ông đã khéo léo được khẳng định. Tư tưởng này cũng giống với quan niệm nhà Phật rằng, vàng bạc thực chất cũng là thứ ngoại thân. Tai họa sẽ đến với những kẻ tham lam. Và điều tốt, may mắn sẽ đến với những con người biết trân trọng và vận dụng được ý nguyện của cha ông.

Những cặp đối lập như Thắng - Bại, Sang - Hèn đều bị làm lu mờ, thay vào đó, hơn tất thảy mọi chân lý, nhân đạo, nhân văn trong mỗi con người mới là điều cốt lõi.

Lâm Lâm

Bạn có thể quan tâm