Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: Quảng Đà. |
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa kỷ luật hàng loạt tập thể, cá nhân có liên quan đến việc cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi mới khai thác đã hư hỏng. Đồng thời, VEC thừa nhận 21 cầu và hầm chui bị thấm dột đúng như Zing.vn phản ánh.
Theo đó, VEC đã quyết định cảnh cáo 5 cá nhân: Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Giám đốc điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 4 (đoạn Công ty Tuấn Lộc thi công); Cán bộ phụ trách thi công nhà thầu gói 6 (đoạn Tổng công ty Thành An thi công); Phó giám đốc kiêm Đội trưởng Đội vận hành và bảo trì Ban điều hành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
VEC cũng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Về tập thể, VEC kiểm điểm, cảnh cáo 4 đơn vị: Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 4; Ban điều hành liên danh nhà thầu gói 6; Ban quản lý dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Ban điều hành quản lý khai thác đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Sau quyết định trên của VEC, Zing.vn có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) xoay quanh những khuất tất của dự án cao tốc 34.500 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đang "chữa bệnh theo triệu chứng"
- Thưa ông, với những hư hỏng mà Zing.vn phản ánh thời gian qua về cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, thì việc kỷ luật của VEC đưa ra có phù hợp hay cần phải điều tra để truy trách nhiệm rõ ràng hơn?
- Trước hết, tôi là một nhà chuyên môn thuần túy; vì vậy, tôi không thể trả lời câu hỏi về việc kỷ luật đối với tập thể và cá nhân liên quan đến chất lượng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có phù hợp không.
PGS.TS Trần Chủng. Ảnh: N.V. |
Với tư cách là một chuyên gia về giám định các sự cố hay hư hỏng công trình, tôi khuyến cáo rằng: Bất kỳ một hư hỏng hay sự cố công trình cần tìm nguyên nhân kỹ thuật của các hư hỏng hay sự cố. Chỉ khi nào tìm được nguyên nhân của các hư hỏng hay sự cố thì mới khắc phục, sửa chữa có hiệu quả được.
Cũng trong như trong bệnh học con người, chúng ta cần tìm được căn nguyên của bệnh thì mới chữa khỏi được. Không ai chữa bệnh theo triệu chứng cả. Một khi đã tìm được nguyên nhân rồi thì ai có lỗi, người đó phải chịu trách nhiệm.
Việc kỷ luật này của VEC, theo tôi là đang “chữa bệnh theo triệu chứng”. Không cắt được “bệnh” đâu và cũng chưa rút ra bài học cho các dự án tương tự nếu không tìm được nguyên nhân của các hư hỏng.
Việc kỷ luật này chỉ chữa bệnh theo triệu chứng. Không cắt được bệnh.
- Ngoài VEC và các nhà thầu thi công cũng như giám sát..., Bộ GTVT có trách nhiệm như thế nào trong việc cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng khi vừa mới khai thác?
- Tôi thường được các phóng viên đặt câu hỏi trách nhiệm của ai khi một công trình bị hư hỏng hay bị sự cố. Và tôi cũng từ chối trả lời câu hỏi này với lý do như tôi đã nêu trên.
Nhưng về trách nhiệm quản lý chất lượng của chủ đầu tư (VEC) và cấp chủ quản đầu tư (Bộ GTVT) đã được luật Xây dựng quy định rất rõ. Quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể này cũng đã được quy định. Khi đã xác định được nguyên nhân hư hỏng hay sự cố thì căn cứ các quy định này mà “luận” trách nhiệm.
Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm
- Với những khuất tất trong việc "bán thầu" của POSCO cũng như những hư hỏng xuất hiện trên cao tốc thể hiện chất lượng đường có vấn đề, theo ông vụ việc đến lúc này có cần chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra, để làm rõ những dấu hiệu vi phạm trong dự án?
- Pháp luật Việt Nam cho phép nhà thầu chính được thuê thầu phụ phù hợp năng lực yêu cầu. Nhà thầu nước ngoài khi thực hiện hợp đồng trên lãnh thổ Việt Nam với vai trò là nhà thầu chính thì khi chọn thầu phụ phải là thầu phụ trong nước đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.
Thường các nhà thầu phụ này phải có tên trong danh sách thầu phụ kèm theo hợp đồng giao nhận thầu. Trường hợp không có tên trong danh sách này phải được chủ đầu tư chấp thuận.
Mặc dù số vốn (giai đoạn 1) của dự án lên đến 34.500 tỷ đồng, mới đưa vào khai thác hơn một tháng, cao tốc xuất hiện nhiều vị trí hư hỏng . Ảnh: Quảng Đà. |
Tổng thầu hay thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, an toàn môi trường, các sai sót do mình gây ra hoặc do các thầu phụ gây ra.
Như vậy, mọi vi phạm của nhà thầu phụ, nhà thầu chính đều phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, luật pháp Việt Nam cũng quy định nhà thầu chính không được giao toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện.
Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với mọi vi phạm của nhà thầu phụ.
Vì vậy, theo luật, việc POSCO bàn giao thầu 100% là vi phạm. Tuy vậy, dự án này có vay vốn nước ngoài thì cần tham chiếu các quy định của Hiệp định vay. Nếu trong hiệp định có cho phép thầu chính giao thầu thì nhà thầu chính không vi phạm.
Tuy nhiên mọi trách nhiệm như tôi đã nêu về tiến độ, chất lượng… thì nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm.
- Từ khi xuất hiện "ổ gà", đến nay cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có trên 26 cây cầu và hầm chui trên bị thấm dột. Những hư hỏng trên ảnh hưởng như thế nào đến kết cấu, tuổi thọ của công trình?
- Đương nhiên những hư hỏng và khuyết tật này ảnh hưởng tới độ bền và công năng sử dụng của công trình. Thấm dột không chỉ làm hư hại trực tiếp các lớp áo đường, bê tông nhựa đường vốn rất nhạy cảm với nước mà thấm nước làm nguy cơ gia tăng tốc độ ăn mòn thép trong kết cấu chịu lực chính của cầu, hầm. Ngoài ra, thấm dột gây phiền toái cho người tham gia giao thông, đặc biệt là các hầm chui dân sinh.
Phải siết chặt năng lực chủ thể tham gia dự án
- Trước đó, Hội đồng Nhà nước chưa nghiệm thu hoàn thành công trình này nhưng đã đồng ý bằng một thông báo để chủ đầu tư dựa vào đó xin phép Bộ GTVT cho khai thác công trình cao tốc. Thưa ông, trách nhiệm của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước trong vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như thế nào?
- Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) được xuất hiện từ năm 1976. Lúc đó đất nước tập trung tái thiết quốc gia sau chiến tranh và nhiều công trình đặc biệt quan trọng có quy mô lớn như: Thủy điện Sông Đà, Nhiệt điện Phả lại, đường dây 500 KV,... cần được xây dựng. Các công trình này đều là các công trình có kỹ thuật đặc biệt phức tạp, lần đầu tiên được sử dụng ở Việt Nam và là những công trình liên quan lớn đến an toàn sinh mạng người dân, tài sản, môi trường…
Thấm dột làm gia tăng tốc độ ăn mòn thép trong kết cấu chịu lực chính của cầu, hầm.
Do đó, Thủ tướng cần có một cơ quan tập hợp được các chuyên gia giỏi giúp kiểm tra công tác quản lý chất lượng và trực tiếp nghiệm thu đánh giá chất lượng tổng thể của công trình để báo cáo Thủ tướng.
Theo tôi được biết, hoạt động hiện nay của mô hình này được Thủ tướng quy định có hai hình thức: HĐNTNN trực tiếp nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.
Mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng đã xảy ra hiện tượng thấm dột nước mưa ở các cầu chui. Người dân phát hiện cầu chui qua cao tốc xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài 3-4 m. Ảnh: Quảng Đà. |
Đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, HĐNTNN thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Hội đồng chấp nhận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư và đồng ý đưa vào khai thác có điều kiện, trong đó phải khắc phục triệt để các tồn đọng, theo dõi để phát hiện các khuyết tật nhằm tiếp tục hoàn chỉnh công trình.
Các công trình công nghiệp có thể chạy thử liên động có tải toàn hệ thống, hay thử tải cầu trước khi nghiệm thu thì công trình đường bộ thường kiểm tra được đầy đủ chất lượng tổng thể sau khi đã có tải với quy trình thông xe kỹ thuật.
- Theo ông, Chính phủ cần phải làm gì để giải quyết, xử lý những khuất tất mà dư luận đang đặt ra đối với dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi?
- Tôi cho rằng sau khi có kết quả thanh tra, phúc tra về chất lượng của công trình, Chính phủ cần giao cho Bộ GTVT tổng kết các bài học đắt giá đã phải trả để làm bài học cho các dự án công trình cao tốc đang và sẽ triển khai, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông đang chuẩn bị triển khai rầm rộ.
Các dự án đường cao tốc là loại công trình đặc biệt trong hệ thống đường bộ với suất đầu tư lớn và phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật thực sự khắt khe liên quan đến an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
Vì vậy, đã đến lúc phải siết chặt năng lực của các chủ thể tham gia dự án. Năng lực cụ thể chứ không phải là năng lực kê khai trên giấy tờ. Thương hiệu, tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa cao cần được coi là các tiêu chí lựa chọn.
Mọi phát hiện của công dân đều phải được tôn trọng, kiểm tra, đánh giá và phản hồi.
Bên cạnh đó là cơ chế giám sát công khai, minh bạch, không chồng chéo sẽ được tôn trọng. Và cơ chế giám sát của dân phải trở thành thiết chế.
Mọi phát hiện của công dân đều phải được tôn trọng, kiểm tra đánh giá và phản hồi lại cho công dân dù phát hiện đó là đúng hoặc chưa đúng.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc “dân biết và dân kiểm tra” thì việc công khai dự án theo quy định của luật Xây dựng 2003 cần được khôi phục. Từ các thông tin này, dân biết được quy mô dự án, tiến độ và các chủ thể, cá nhân liên quan để họ giám sát.
- Cám ơn ông.