Phát biểu trước các phóng viên tại Sydney (Australia) khi gặp gỡ các quan chức quốc phòng nước này ngày 22/2, Phó Đô đốc Joseph Aucoin cho biết ông thận trọng trước ý kiến cho rằng tình hình tại Biển Đông được coi là trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc.
Phó Đô đốc Joseph Aucoin, chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP |
Theo ông Aucoin, Washington không thực hiện các chuyến tuần tra trên Biển Đông để nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, đồng thời muốn tất cả các nước ngừng hoạt đồng bồi lấp trái phép.
“Tôi hy vọng tình hình hiện tại không được mô tả là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng (các chuyến tuần tra của Mỹ) không nên được coi là động thái khiêu khích. Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, bất kể lớn hay nhỏ hoặc mạnh hay yếu, có thể theo đuổi lợi ích của họ dựa trên luật biển và không gây ra mối đe dọa bằng các hành động như vậy”, AP dẫn lời ông nói.
Chỉ huy Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ khẳng định, Washington sẽ không dừng hoạt động bay quân sự trên khu vực Biển Đông bất chấp sự hiện diện của hệ thống tên lửa của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bài phát biểu, ông Aucoin cũng nhấn mạnh nếu Australia và các quốc gia khác điều tàu chiến tham gia tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, điều này sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho khu vực.
Tư lệnh Hạm đội 7 nhận định rằng việc Australia và các nước khác tiến hành hoạt động tuần tra tương tự Mỹ sẽ rất có giá trị.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường Mỹ USS Curtis Wilbur của Hải quân Mỹ. Ảnh: AFP |
Phó Đô đốc Aucoin đưa ra tuyên bố trên chỉ một tuần sau khi các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ngày 14/2. Bắc Kinh không phủ nhận sự hiện diện của hệ thống quân sự này, nhưng lý lẽ rằng các thiết bị quân sự được triển khai là "nhằm bảo vệ lãnh thổ".
Theo ông Aucoin, các tên lửa của Trung Quốc là “nỗ lực gây bất ổn” khu vực. Ông thúc giục Bắc Kinh rõ ràng trong các ý định. Khi phóng viên hỏi hệ thống tên lửa có ảnh hưởng tới hoạt động tuần tra trên không của Mỹ ở Biển Đông hay không, ông Aucoin khẳng định là không. “Chúng tôi sẽ điều phi cơ và tàu chiến hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp cho phép, bao gồm khu vực này”, ông nói.
Trước đó, theo các quan chức Mỹ, sự hiện diện của tên lửa Trung Quốc củng cố thêm bằng chứng về việc Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc thường xuyên lớn tiếng cáo buộc Mỹ “quân sự hóa” khu vực và tố ngược rằng các chuyến tuần tra trên biển và trên không của Mỹ tại Biển Đông làm gia tăng căng thẳng và lo ngại về sự ổn định tại đây.
Trong bài viết với tiêu đề Triển khai hệ thống tên lửa tới Biển Đông, Bắc Kinh lập nền móng cho ADIZ, tác giả Jesse Johnson của tờ Japan Times dẫn nhận định từ các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể dùng việc triển khai tên lửa để thử phản ứng của Tokyo, Washington và các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông sau khi Hải quân Mỹ thực hiện chuyến tuần tra vì tự do hàng hải lần thứ hai trên vùng biển này hồi tháng 1 vừa qua.
"Việc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm có thể cho thấy, Trung Quốc đang chuẩn bị tuyên bố Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở khu vực phía bắc Biển Đông, từ quần đảo Hoàng Sa", Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nhận định.
Chuyên gia Storey cho rằng, sau khi các thiết bị mà Bắc Kinh thiết lập trái phép trên quần đảo Trường Sa đi vào hoạt động, một ADIZ như vậy có thể được Trung Quốc đơn phương mở rộng tới khu vực phía nam của Biển Đông, không phận cách quần đảo Hoàng Sa hàng trăm km.