Độc giả Tú Hồ (nickname Facebook Vivienne Isgar), người Việt đang sinh sống và làm việc tại Sydney, Úc chia sẻ: Qua người thân, cô biết đến Facebook có tên Em Paris chuyên bán hàng hiệu xách tay, có nhiều mặt hàng phong phú và khách hàng là những người nổi tiếng ở Việt Nam. Chủ website cũng được biết là tiếp viên hàng không. Vì vậy, Tú đặt niềm tin, quyết định chọn mua chiếc ví Kelly màu đỏ xách tay, giá 56.350.000 đồng.
Trong khi Tú làm thủ tục chuyển tiền cho shop, nhân viên bán hàng nhắn tin, gọi điện thúc giục, cho rằng họ có rất nhiều khách hàng khác muốn mua ví Kelly màu đỏ, Tú cần chuyển tiền sớm hơn.
Khi Tú chuyển tiền thành công, nhân viên báo lại rằng, họ gửi nhầm giá, thay vì 56.350.000 đồng, cô phải trả 61.250.000 đồng, số tiền gửi thêm là 4.900.000 đồng. Không hài lòng với cách làm việc này, Tú yêu cầu hủy giao dịch, lấy tiền lại. Thế nhưng, người bán giải thích mới vào làm vài tuần, chưa nắm rõ cách quy đổi tỷ giá.
Mẫu ví Kelly độc giả Tú Hồ lựa chọn mua. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Độc giả Tú Hồ bức xúc: “Sau khi tôi chuyển tiền cho chủ shop thành công, điều khiến tôi không hài lòng là nhân viên lẫn chủ shop hẹn ngày giao hàng sai với lời hứa ban đầu. Họ cũng từ chối giao tận nhà cho người thân của tôi tại Sài Gòn. Thái độ của họ cũng lạnh lùng, tôi phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi để nhận được lời giải đáp thắc mắc, không như lúc chưa giao tiền, họ rất niềm nở, nhiệt tình”.
Sau hơn 3 ngày, Tú nhận được ví qua cô bạn cũng là tiếp viên hàng không, nhưng ví được giao rất cận giờ máy bay cất cánh nên Tú kiểm tra bên trong không thấy hóa đơn của món hàng trị giá hơn 60 triệu đồng.
"Người bán lúc nói đã đặt hóa đơn vào kiện hàng, lúc lại cho rằng để quên ở nhà và gửi lại sau. Điều khiến tôi ngỡ ngàng hơn là người bán thông báo, tờ hóa đơn chỉ là bảng copy, bị tẩy xóa tên người mua, vì người bán không muốn tiết lộ danh tính tiếp viên đang kinh doanh hàng xách tay. Họ tự chụp ảnh lại và gửi qua cho tôi lúc chat. Tôi rất không hài lòng bởi hóa đơn copy không có giá trị pháp lý", Tú cho biết.
“Đây là lần đầu tiên tôi mua ví Hermès không trực tiếp từ cửa hàng, nên tôi đã hỏi thăm một số người sành sỏi. Một số bạn tiếp viên cho biết, khi họ đi mua hàng sẽ mua nhiều món, thanh toán cùng một hóa đơn chứ không chia ra nhiều hóa đơn, vì không tiện cho việc đánh thuế. Tôi cũng tham khảo ý kiến của các bạn bán Hermès online thì được biết, việc bán hàng bằng hóa đơn photo là bình thường, khách hàng ở Việt Nam phần lớn không quan tâm đến giấy tờ. Tuy nhiên, giá như chủ shop hoặc nhân viên thống nhất với tôi từ đầu, tôi sẽ thông cảm cho họ, hơn là sau khi chính tôi phải điều tra từ rất nhiều nguồn để xác minh họ có đang lừa dối mình hay không”, Tú bộc bạch.Bên cạnh rắc rối về hóa đơn giữa người bán và người mua, Tú nói thêm, cô kiểm tra ví thấy mặt trong khoá phải chỉ in nhãn mác của sản phẩm và không có mã năm. Trong khi nếu ví sản xuất năm 2014 sẽ có tem chữ “R” và sản xuất năm 2015 là “T”, vì cô đã so sánh với chiếc túi Hermès Birkin được chính mình mua tại Hermès London vào tháng 1.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của Tú, nhãn mác của túi Hermès Birkin được in tất cả ở mặt trong khoá phải và không in ở khoá trái. Nhưng chưa bao giờ xài túi hay ví Kelly nên cô không biết mã sản phẩm và mã năm được in ở mặt sau hai khóa, cho đến khi mua ví màu xanh tại Hermès Sydney Store vào ngày 20/2. Nhưng hỏi người mua bán cũng không biết và không hiểu về sản phẩm này.
Nhiều người dùng thích mua hàng hiệu xách tay hơn chính hãng, bởi giá cả có sự chênh lệch, nhưng rủi ro luôn rất cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Sau đó, Tú tự liên hệ với chủ shop, được hướng dẫn nên xem ở mép ví, hoàn toàn không nói gì đến mặt trong khóa trái của ví. Điều này càng khẳng định, người bán cũng không biết thông tin, hay việc tại sao mặt sau ví may 2 màu chỉ cũng bị chủ shop lờ đi, không trả lời và bảo gửi ví trả về để họ mang lên Hermès tại Sài Gòn kiểm tra.
Sau nhiều lần hẹn hò giải quyết vấn đề liên quan đến chiếc ví Kelly đỏ có đúng là hàng thật hay không, Tú quyết định gửi ví cho người anh họ mang về Việt Nam để đối chứng. Chủ shop cũng liên lạc với người mua và giải thích, năm nay Hermès không in nhãn mác theo năm để chống hàng giả, ví của Tú mua sẽ không có mã năm. Thế nhưng, bên khóa trái của ví Kelly bán cho Tú có in chữ “T” rất mờ. Từ đây, chính Tú cũng rơi vào vòng lẩn quẩn và đặt nghi vấn, món hàng cô mua có khả năng không phải hàng thật? Cô chấp nhận chi số tiền hơn 60 triệu đồng để mua chiếc ví yêu thích nhưng lại vướng nhiều việc không như ý muốn, cũng như dịch vụ của shop rất kém đã khiến cô quyết định hoàn trả lại.
“Khi tôi cảm thấy quá mệt mỏi và thất vọng với dịch vụ của shop, mong muốn hoàn tiền lại bị chủ shop yêu cầu trừ 10%, tôi không đồng ý và rất bức xúc. Người bán khẳng định luật này do chính chị đặt ra và tôi phải tuân theo. Tôi ngỏ ý chấp nhận chịu mất 1.350.000 đồng, nhưng chủ shop không đồng ý, chỉ trả lại 51 triệu đồng, trừ đi 5.350.000 đồng. Trong khi đó, những khách hàng từng mua Hermès, có hoá đơn Hermès ở Paris hay London sẽ thấy bên dưới và mặt sau hoá đơn ghi rất rõ, nếu hàng hóa chưa qua sử dụng và còn trong điều kiện tốt sẽ được đổi trả trong vòng 3 tháng”, Tú nói.“Người phụ nữ nào cũng muốn sở hữu được món hàng hiệu đẹp và chất lượng. Tuy nhiên, khi mua hàng nơi nào bán hàng tốt, giá rẻ, người mua sẽ ưu tiên chọn lựa hơn. Vì vậy, câu chuyện của tôi cũng chính là bài học cho nhiều người khác khi quyết định mua bán hàng hiệu xách tay qua mạng xã hội, bởi rủi ro luôn tiềm ẩn, Tú nhấn mạnh.