Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi hàng chục triệu đồng mỗi tháng mua vật phẩm game

Việc chi hàng chục triệu đồng cho các vật phẩm ảo trong game đang ngày càng phổ biến với các game thủ Việt. Bỏ tiền cho đam mê cũng khiến nhiều người chơi mất cân đối chi tiêu.

Nhiều vật phẩm ảo trong các tựa game do các nhà phát hành nước ngoài phân phối có thể được bán tới hàng trăm triệu đồng sau quy đổi. Ảnh: EuroGamer.

Anh Hoàng Quốc (23 tuổi, Hà Nội), người chơi lâu năm của nhiều tựa game, chia sẻ mỗi tháng anh dành 8-10 triệu đồng để mua các vật phẩm trong trò chơi.

Khoản chi phí này chưa bao gồm những lần anh mua lại vật phẩm từ những trader (người buôn đồ trong game) trên các diễn đàn mạng xã hội.

70 triệu đồng cho một vật phẩm ảo

CS:GO là tựa game anh Quốc và những người bạn chi nhiều tiền nhất, khoảng 5-10 triệu/tháng. Cá biệt có những tháng diễn ra sự kiện khuyến mãi, số tiền nam thanh niên này nạp vào game có thể lên đến gần 20 triệu đồng/tháng.

"Tôi và bạn bè thường hay chi tiền để nạp mua chìa khóa mở hòm đồ từ CS:GO. Mỗi chìa có giá khoảng 56.000 đồng. Tôi mở khoảng 5-10 hòm đồ mỗi ngày. Chưa kể có những cây súng, cây dao không thể mở ra, tôi đành phải lên 'chợ' để mua", anh Hoàng Quốc nói thêm.

nap tien game anh 1

Các vật phẩm ảo được rao bán trên các diễn đàn với giá lên đến 70 triệu đồng.

Theo anh Quốc, việc nạp tiền để mua vật phẩm game khiến anh gặp nhiều khó khăn trong các khoản chi tiêu mỗi tháng. Nam nhân viên văn phòng thường phải tiết kiệm khoản tiền ăn cũng như sinh hoạt phí để cân bằng chi tiêu.

Có những tháng, anh Hoàng phải vay nợ bạn bè để có tiền trang trải sau khi đã đổ gần hết thu nhập vào game.

"Có những tháng cần nạp nhiều để chơi sự kiện, tôi phải mượn đỡ bạn bè vài ngày. Cuối tháng có lương thì trả lại, ăn ít một chút. Mấy cây súng, cây dao hiếm đó mà không mua nhanh thì không có giá tốt", nam thanh niên chia sẻ với Zing.

Hoàng Quốc không phải là trường hợp duy nhất chi khủng để sở hữu các vật phẩm trong game. Minh Thông (21 tuổi, TP.HCM), sinh viên trường đại học RMIT, chia sẻ mỗi tuần nam sinh này thường dành khoảng 1-2 triệu đồng để nạp vào tài khoản game FIFA Online của mình.

"Mỗi lần nạp tiền chắc hết khoảng 1-1,5 triệu đồng. Đa số tiền được nạp dùng để mở thẻ nhận cầu thủ trong game hoặc dùng để tham gia các sự kiện. Thường thì mình trích từ tiền ăn hàng tháng ra để nạp game, thiếu quá thì xin thêm phụ huynh một ít", Thông chia sẻ.

Theo ghi nhận của Zing, vật phẩm trong các tựa game thường có giá trị chênh lệch phụ thuộc vào độ hiếm và giá trị khi sử dụng trong game.

Cá biệt, các mẫu dao, súng thuộc tựa game CS:GO với độ quý hiếm cao được rao bán với giá từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Cụ thể, mẫu dao có tên gọi "Talon Knife" được nhiều game thủ rao bán với mức giá 15 triệu đồng, mẫu súng AWP Dragon Lore được những tín đồ bộ môn thể thao điện tử này tìm mua với mức giá lên đến 70 triệu đồng.

Trò chơi may rủi

Nhiều game thủ cho rằng, việc nạp tiền mua những vật phẩm chính là một dạng "đầu tư". Khi sở hữu được những vật phẩm quý hiếm, người chơi có thể sang nhượng tài khoản với mức giá cao hơn so với số tiền bỏ ra.

Những tựa game cần nạp tiền tiền để mở thẻ, mở hòm đồ dưới hình thức "may rủi" cũng kích thích người chơi với hứa hẹn mở ra những vật phẩm giới hạn.

nap tien game anh 2

Hình thức "may rủi" của các tựa game khiêu khích người chơi nạp tiền để thu về những vật phẩm giá trị. Ảnh: NVCC.

Theo anh Hoàng, thay vì sa vào những trò cá cược may rủi thì anh dành tiền để mua những vật phẩm để mở khóa hòm trong tựa game. Nếu may mắn tìm được những vật phẩm có giá trị cao, lợi nhuận có thể gấp 5-10 lần chi phí đã bỏ ra.

"Mỗi lần mở hòm sẽ phải mua chìa khóa, nếu hên mở được dao hay súng hiếm thì coi như lời to, xui thì thôi. Nếu như mở được dao xịn thì coi như đủ tiền dùng cả tháng, nên tụi mình coi việc mở hòm này như trò chơi may rủi vậy", anh Hoàng cho biết thêm.

Để "đầu tư" cho tài khoản game FIFA Online của mình, Cường (25 tuổi, TP.HCM) không tiếc chi khoảng 500.000 đồng/ngày để cố mở được các cầu thủ ảo có giá tiền cao. Theo Cường, chỉ cần mở được các cầu thủ nổi tiếng, được nhiều người tìm mua thì tài khoản game của anh sẽ rao bán được giá tốt, dao động khoảng 6-7 triệu đồng.

"Nếu may mắn mở được các cầu thủ nổi tiếng, có giá trị cao, tài khoản game khi bán sẽ có giá khoảng 6-7 triệu đồng, có khi lên đến 15-20 triệu đồng. Nếu không thì bán lại một cầu thủ cũng được khoảng 2-3 triệu đồng", anh Cường chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn khi mở ra được các vật phẩm quý hiếm. Cường cho biết, nhiều lần anh và hội bạn đã chi "mạnh tay" nhưng chỉ nhận về những vật phẩm không có giá trị cao.

"Có nhiều lần tôi nạp đến 1 triệu đồng để mở hòm, hi vọng nhặt được dao hoặc cái gì đó hiếm một chút. Vậy mà lúc mở ra chỉ toàn mấy món không có giá trị, 56.000 đồng mỗi chìa khóa mở hòm nhưng đổi lại là một khẩu súng giá 8.000-10.000 đồng là chuyện bình thường", Cường chia sẻ.

Theo Nghị định số 15 được Chính phủ ban hành, người chơi sẽ bị phạt tiền 2-3 triệu đồng khi mua bán vật phẩm ảo, đơn vị ảo hoặc các điểm thưởng ảo của trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên cơ quan chức năng đang gặp khó trong việc kiểm soát các giao dịch mua bán vật phẩm ảo trong các tựa game từ những nhà phát hành nước ngoài.

Đại lý báo giá 17 triệu cho iPhone 14 nhưng không dễ mua

Một số hệ thống bán lẻ chính hãng đưa ra mức khởi điểm cho dòng iPhone 14 từ 17 triệu đồng. Nhưng để mua được máy ở giá này, khách hàng phải đáp ứng nhiều điều kiện.

Google giới thiệu Pixel 7 Series, cạnh tranh với iPhone 14

Bộ đôi smartphone cao cấp Pixel 7 và Pixel 7 Pro của Google sẽ cạnh tranh trực tiếp với iPhone 14 và các mẫu Galaxy S, Z của Samsung.


Đan Thanh

Bạn có thể quan tâm