Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cầu Long Biên được xây dựng và khai thác hơn 100 năm, bị phá hoại trong 2 cuộc chiến tranh nên nhiều nhịp cầu được thay tạm bợ, các trụ han gỉ, xô lệch, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ.
“Cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa 2 lần với tổng mức đầu tư 116 tỷ đồng nhằm đảm bảo chạy tàu an toàn đến năm 2010. Dự án đã hoàn thành được hơn 4 năm nhưng chưa được đầu tư thêm ngoài kinh phí bảo trì 7 tỷ đồng mỗi năm. Tình trạng hư hỏng và xuống cấp của cầu Long Biên ngày càng gia tăng”, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết.
Do đó, ông Thành cho hay, những hạng mục trọng tâm của lần sửa chữa khôi phục này là dầm cầu, hai sàn tránh xe phần đường bộ và một trụ phụ chưa được bọc vật liệu chống gỉ.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra 3 phương án để di dời 9 nhịp cầu Long Biên nhằm bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ nhưng đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều nhà văn hóa, sử học đã lên tiếng bảo vệ cây cầu trước nguy cơ biến mất. |
Với yêu cầu hoàn thành năm 2015, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT sớm cho phép chỉ định thầu đối với các gói tư vấn, xây lắp, bảo hiểm, kiểm toán, lựa chọn các nhà thầu đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong công tác thiết kế và thi công công trình chuyên ngành đường sắt để đảm bảo giao thông qua cầu.
Giai đoạn một, cầu sẽ được gia cố để đảm bảo an toàn, phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn hai, cầu được khôi phục, cải tạo làm đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành.
7 tỷ đồng duy tu cầu Long Biên mỗi năm
Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902). Chiều dài toàn cầu 1.862 m, gồm 19 nhịp dầm thép và đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe máy, xe đạp và người đi bộ.
Theo đại diện Công ty Đường sắt Hà Hải (đơn vị quản lý cầu Long Biên), sau hai cuộc chiến, cầu Long Biên chỉ còn 13 nhịp dầm Pháp cũ, nhiều nhịp bị cắt ngắn so với nguyên bản. Sáu nhịp cũ được thay bằng 17 dầm quân dụng. Phần đường bộ hai bên của 6 nhịp cũ bị hỏng được thay thế bằng 34 nhịp dầm và có thêm 6 nhịp dầm thiết kế phình rộng phục vụ tránh xe trên cầu. Lan can của phần đường dành cho người đi bộ, nhiều đoạn bị gỉ, bong mối hàn.
Mỗi năm, kinh phí duy tu cầu Long Biên chỉ khoảng 7 tỷ đồng, dùng để cạo gỉ sắt và sơn lại những chỗ bị gỉ mọt, thay tà vẹt, ốc vít, sửa chữa đường sắt, quét dọn, vệ sinh qua cầu. Hiện nay, tàu hỏa qua cầu bị giới hạn tốc độ ở mức 25 km/h, do các nhịp cầu được cải tạo sau năm 1972 bị võng.
Để triển khai dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra 3 phương án di dời 9 nhịp cầu Long Biên nhằm bảo tồn và xây cầu mới tại vị trí tim cầu cũ. Tuy nhiên, đề xuất này vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ dư luận.
Tháng 2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Quan điểm từ trước tới nay là giữ nguyên cầu Long Biên. Đối với cầu Long Biên, phải có phương án phục hồi cụ thể, sử dụng theo công năng cho phù hợp".
Tháng 8/2014, Thành ủy Hà Nội thống nhất đề xuất xây cầu đường sắt vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét về phía thượng lưu.