Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi gần 18.000 tỷ tiền ngân sách phòng chống Covid-19

Trong số tiền chi ra, có 4.920 tỷ là tiền thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch và 12.570 tỷ hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch.

Đây là số liệu ghi nhận trong báo cáo tình hình thực hiện tài chính ngân sách tháng 9 và quý III/2020 của Bộ Tài chính.

Cụ thể, cơ quan quản lý tài khóa cho biết tính đến ngày 24/9, Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi khoảng 17.490 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong số chi này, có 4.920 tỷ đồng để thực hiện các chế độ đặc thù trong phòng chống dịch theo Nghị quyết số 37 của Chính phủ và Quyết định số 437 của Thủ tướng. Ngân sách trung ương đã trích 3.920 tỷ đồng bổ sung cho các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và hỗ trợ cho 27 địa phương; các địa phương cũng chi gần 1.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch.

Nằm trong số chi nói trên, 12.570 tỷ đồng đã được chi ra để hỗ trợ cho 12,65 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng.

Ngoài ra, ngân sách cũng thực hiện xuất cấp khoảng 16.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói người dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.

Chi gan 18.000 ty dong tien ngan sach phong chong Covid-19 anh 1

Ngân sách Nhà nước chi gần 18.000 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 từ đầu năm. Ảnh: Ngọc Tân.

Ngoài việc ghi nhận số liệu chi phòng chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính cũng đưa ra số liệu thu chi NSNN tháng 9 và tổng hợp 3 quý năm nay.

Cụ thể, tổng chi ngân sách tháng 9 vừa qua đạt 125.000 tỷ đồng, bao gồm chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, phòng chống dịch bệnh...

Lũy kế chi NSNN 9 tháng đạt 1,1137 triệu tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, số chi trả nợ lãi đạt gần 80.700 tỷ, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 756.900 tỷ, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% cùng kỳ.

Đặc biệt, giải ngân chi đầu tư phát triển ghi nhận chuyển biến tích cực, số vốn giải ngân 9 tháng đầu năm đạt gần 269.200 tỷ đồng, bằng 57,2% dự toán. Tuy nhiên, số này so với yêu cầu vẫn ở mức thấp, trong đó một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp.

Ở chiều ngược lại, tổng thu cân đối NSNN tháng 9 ước đạt 96.600 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đạt 975.300 tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ. Trong đó, số thu nội địa đạt 812.400 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán nhưng giảm 8,3% so với cùng kỳ và ở mức thấp nhất một vài năm gần đây.

Số thu từ đầu thô 9 tháng đạt 27.500 tỷ, bằng 78,2% dự toán, giảm 36,9% so với cùng kỳ. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 134.550 tỷ, bằng 64,7% dự toán, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2019. Số thu này ghi nhận trên cơ sở tổng thu thuế ước đạt 225.900 tỷ, giảm 13,9% và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 91.300 tỷ đồng.

Cũng trong tháng 9, Chính phủ đã ký kết 9 hiệp định vay vốn nước ngoài trị giá khoảng 957 triệu USD. Số tiền Chính phủ chi ra để trả nợ trong tháng cũng vào khoảng 18.633 tỷ, bao gồm trả nợ trong nước 10.154 tỷ, trả nợ nước ngoài 8.479 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, tổng trả nợ của Chính phủ vào khoảng 241.375 tỷ, tương đương 65,8% kế hoạch cả năm. Trong đó, trả nợ trong nước khoảng 75% và trả nợ nước ngoài khoảng 25%.

Giá vàng quay đầu giảm

Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần 12/10 (theo giờ Mỹ) giảm về mốc 1.910 USD/ounce khiến giá vàng trong nước giảm phiên thứ 2 liên tiếp.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm