Theo báo cáo của 23 doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên cả nước, số người ký hợp đồng tham gia bán hàng năm 2019 là hơn 1 triệu người, giảm 13% so với cuối 2018. Trong đó, chỉ có khoảng 500.000 người phát sinh doanh thu, hoa hồng.
Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2019 đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp đối với 4 doanh nghiệp. Trong đó, cơ quan này xử phạt 3 doanh nghiệp với tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm của một số doanh nghiệp. Ảnh: Anh Tuấn. |
Trong năm qua, cơ quan này tiếp nhận khoảng 100 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp, trong đó một số đơn có nhiều người đứng tên. Tuy vậy, số lượng khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu giảm mạnh so với các năm trước.
Các tin bài cảnh báo người tiêu dùng về một số doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp mà không có giấy chứng nhận như Vital4U, Atomy... cũng liên tục được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đăng tải, nhằm nâng cao nhận thức và ngăn ngừa thiệt hại không đáng có cho người dân.
Năm 2019, Cục tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 5 doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện hoạt động. Cùng với các doanh nghiệp chủ động dừng kinh doanh hoặc hết hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà không được gia hạn, tính đến hết tháng 2, toàn quốc có 22 doanh nghiệp bán hàng đa cấp theo quy định, giảm 26% so cuối năm 2018.
Với những kết quả trên, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng đã triển khai hiệu quả công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên toàn quốc, thông qua việc chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương và hỗ trợ sở công thương các tỉnh, TP trong quá trình quản lý tại địa phương.