Theo Newzoo, vào năm 2018, hơn một nửa dân số Hàn Quốc đã chi 5,6 tỷ USD cho các trò chơi di động. Điều này giúp Hàn Quốc trở thành thị trường game mobile lớn thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Đồng thời, nó cũng thúc đẩy văn hóa chơi game vốn có tại Hàn Quốc.
Lịch sử của nền văn hóa chơi game
Trong nhiều thập kỷ qua tại Hàn Quốc, việc chơi game tại các Bang (quán net địa phương) là sở thích của hàng loạt game thủ mọi lứa tuổi. Nhiều ngôi sao eSport cũng bắt đầu từ những nơi như thế này.
PC Bang là nét văn hóa đặc trưng ở xứ sở kim chi. Ảnh: KoreaTimes. |
Quay lại quá khứ, vào 20 năm trước, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên tổ chức các sự kiện eSport. Năm 2000, Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc hợp tác với Samsung và Microsoft tài trợ cho Thế vận hội điện tử thế giới. Họ đã tiên phong trong lĩnh vực thể thao điện tử trước khi các nước khác chú ý đến.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc có được nền tảng công nghệ vững chắc để phát triển văn hóa chơi game. Chẳng hạn như sự phát triển thần tốc các sản phẩm điện tử và ứng dụng thông minh, kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng Internet. Những điều này đảm bảo để các game thủ có thể trải nghiệm game di động tốt nhất.
Những tựa game được chơi nhiều nhất tại quốc gia này là Liên Minh Huyền Thoại, PUBG, Overwatch, FIFA Online và Starcraft: Brood War.
Quy mô thị trường di động Hàn Quốc
Theo số liệu từ Newzoo, 53% người Hàn Quốc chơi game di động ít nhất mỗi tháng một lần. Tỷ lệ này cao hơn khi so với trên máy console (19%) hay PC (37%).
Hàn Quốc có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhất ở châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới. Vào năm 2018, xứ sở kim chi đã có 34,6 triệu người dùng smartphone. Con số này có thể tăng lên 39 triệu vào năm 2021.
Bên cạnh đó, gần 2/3 thiết bị di động ở Hàn Quốc thuộc hãng Samsung với tỷ lệ 65,5%. Trong khi đó, Apple chỉ đạt mức 22,2% và LG theo sau với 10,4%.
Đặc điểm của game thủ Hàn Quốc
Theo Mintegral, độ tuổi của game thủ Hàn có xu hướng cao hơn so với Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, tỷ lệ nam nữ là 57% và 43%. Những người chơi trong độ tuổi 21-35 và 36-50 chiếm tỷ lệ cao nhất. Những con số này chứng minh cho sự hòa mình vào văn hóa game di động ở Hàn Quốc, dù họ ở độ tuổi nào.
Có nhiều người lớn tuổi tại Hàn Quốc vẫn chơi game. Ảnh: Mintegral. |
Điều này ảnh hưởng đến cách họ chi tiêu trong game. Cụ thể, doanh thu từ thị trường game di động ở Hàn Quốc năm 2018 đạt 3,2 tỷ USD, chỉ đứng sau Nhật Bản. 40% người dùng đã chi tiền cho các trò chơi di động. Thông thường, họ chi trả cho việc tăng sức mạnh (41%), đa dạng hóa số nhân vật (38%) và mua trang phục (35%).
Một số trò chơi trên điện thoại mà game thủ Hàn Quốc ưa chuộng như Lineage, Black Desert, Ragnarok, Three Kingdoms và Marvel. Tuy nhiên, họ vẫn muốn những tựa game đơn giản được phát hành qua ứng dụng tin nhắn Kakaotalk, có chức năng như nền tảng chơi game.
Bối cảnh kinh doanh trò chơi di động
Các công ty địa phương luôn dẫn đầu trong thị trường này. Nửa đầu năm 2018, tập đoàn Netmarble chiếm hơn 10% tổng doanh thu. Mặc dù vậy, những công ty nội địa như Elex, NCSoft và Gravity chỉ tập trung vào MMORPG (nhập vai trực tuyến nhiều người chơi).
Trong khi đó, game thủ đang hướng về các tựa game chiến thuật và các công ty quốc tế nắm bắt được nhu cầu đó. Họ bắt đầu cuộc chiến giành thị phần với những studio bản địa.
Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản pháp lý mà các nhà đầu tư cần vượt qua. Hwang Sung-ik, chủ tịch hiệp hội trò chơi di động Hàn Quốc (KMGA) cho biết rằng ngành công nghiệp game đang bị đè nặng bởi quy định của chính phủ. Một trong số đó là luật bảo vệ game thủ chơi quá sức bằng cách hạn chế số giờ chơi game.
Hàn Quốc là thiên đường cho các trò chơi di động. Cơ sở hạ tầng, văn hóa chơi game lẫn tỷ lệ phát triển công nghệ đều hỗ trợ tối đa cho những nhà đầu tư, trong và cả ngoài nước.
Tuy nhiên, các nhà phát triển cần đảm bảo tựa game của mình tuân thủ quy định của Hàn Quốc. Từ đó mới có thể nắm bắt cơ hội phát triển trong thị trường game mobile tại đất nước này.