Chiều 29/5, thảo luận về dự án Luật du lịch (sửa đổi), nhiều đại biểu tranh luận việc liệu có nên thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hay không khi đã có quá nhiều loại quỹ.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM) cho rằng trong khi giá tour trong nước cao thì không thể thu thêm của khách du lịch và doanh nghiệp để đóng góp cho quỹ. Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để nguồn thu, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và khách du lịch.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa cho rằng chi phí quảng bá du lịch của Việt Nam quá thấp so với các nước trong khu vực. Ảnh: Quochoi.vn. |
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cũng đưa ra nhiều con số cho thấy khoảng cách quá lớn giữa chi phí quảng bá du lịch của Việt Nam với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. “Cho đến nay, Việt Nam chưa có văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài. Trong khi Thái Lan, Singapore, Philippines đều có hàng chục văn phòng”, bà Hoa nói.
Báo cáo giải trình vào cuối buổi chiều, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết hiện Việt Nam chi khoảng 2,5 triệu USD để xúc tiến, quảng bá du lịch. Trong khi đó, một số nước châu Á khác như Thái Lan, Singapore chi 80-100 triệu USD.
“Cho nên công tác xúc tiến du lịch của chúng ta thực ra không đến đâu cả, không tạo nên được điểm nhấn gì. 10 năm qua, luật đã quy định thành lập quỹ nhưng không thực hiện được vì không lấy được nguồn từ đâu”, ông Thiện nói.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: Quochoi.vn. |
Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng giải thích ban soạn thảo đưa ra rất nhiều phương án nhưng cuối cùng nếu đưa ra các phương án cụ thể lại vướng các luật khác như phí, lệ phí, ngân sách.
“Cuối cùng làm một câu rất vo tròn như nhiều luật hiện nay là ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ. Thủ tướng có cam kết cho khoảng 300 tỷ, còn lại là đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các nguồn thu hợp pháp khác”, Bộ trưởng Thiện thừa nhận.