Theo trang Distribution App Store, hệ điều hành di động mới nhất của Apple đã phổ cập trên 85% thiết bị của hãng, bao gồm iPad, iPhone và iPod Touch. Vào cuối tháng 4, iOS 8 chiếm 81%, nhưng 3 tháng tiếp theo chỉ tăng thêm 4%.
85% là một con số ấn tượng khi iOS 8 đã có một khởi đầu chậm chạp với nhiều lỗi bị người dùng phản ánh. Cuối tháng 9, khi iOS 9 chính thức ra mắt, sẽ tiếp tục có những người dùng iOS 7 nâng cấp lên iOS 8 để tiện cho việc cập nhật hệ điều hành mới ra.
iOS 8 đang có lượng người sử dụng nhiều nhất. Ảnh: Cnet. |
Còn về đối thủ của iOS, Android thì sao? Hệ điều hành mới nhất, Android Lollipop chỉ chiếm 18% tất cả thiết bị chạy nền tảng của Google, theo tin tức mới nhất từ Android Developers Dashboard. Tiếp theo là Android 5.0 với 15,5% và Android 5.1 ở mức 2,6%.
Phát hành tháng 9 năm ngoái, iOS 8 có lợi thế hơn Android 5.0 ra mắt hai tháng sau đó. Đó không phải ưu thế quá lớn, vậy tại sao iOS 8 lại chiếm tỷ lệ cao? Câu trả lời nằm ở quá trình phân phối. Apple điều khiển toàn bộ quá trình tung ra iOS cũng như cập nhật. Gã khổng lồ công nghệ tạo, kiểm tra và sau đó triển khai hệ điều hành mới, do đó rất dễ dàng đến tay người dùng cùng lúc.
Ngược lại, những phiên bản mới của Android không dễ dàng đến với người dùng. Có thể nói đây là quá trình “quá nhiều đầu bếp cùng chế biến một món ăn”. Đầu tiên Google phải tạo ra và thử nghiệm một phiên bản mới của Android. Sau đó, các nhà sản xuất thiết bị di động nhảy vào tham gia thử nghiệm và thay đổi, tùy biến theo cách riêng.
Không giống như iOS, chỉ ba thiết bị (iPhone, iPod, iPad), thế giới của Android có hàng trăm sản phẩm từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Mỗi hãng phải thử nghiệm phiên bản mới hoặc đồng ý cập nhật trên thiết bị của họ. Có thể thấy việc phân phối iOS đến tay người dùng rất đơn giản, trong khi với Android, đó là cả một quá trình với nhiều thành phần tham dự.
Quá trình này cũng dẫn đến sự phân mảnh Android. Điều này có nghĩa rằng các phiên bản khác nhau của Android được cài đặt trên thiết bị của người sử dụng tại bất kỳ thời điểm nào.
Android Developers Dashboard đã vẽ biểu đồ để thể hiện sự phân mảnh giữa các phiên bản hệ điều hành của Google. Mặc dù Lollipop đang bắt đầu gia tăng số lượng người sử dụng, KitKat vẫn dẫn đầu với 39,3%, tiếp theo là Jelly Bean ở mức 33,6%. Các phiên bản cũ hơn như Ice Cream Sandwich và Gingerbread vẫn còn chiếm lần lượt 4,1% và 4,6%.
Biểu đồ sự phân mảnh của Android. Ảnh: Cnet. |
Đây là điều gây thất vọng người dùng Android. Chính điều này sẽ cản trở việc phát triển của hệ điều hành, khi nhà lập trình không biết nên hỗ trợ cho phiên bản nào.
Ngược lại, iOS 7 chiếm chưa đến 13%, trong khi phiên bản cũ hơn chỉ còn 2%. Hệ điều hành của Apple không bị phân mảnh vì người dùng có thể tải về phiên bản mới nhất ngay khi ra mắt. Các nhà phát triển ứng dụng có thể thiết kế sản phẩm của mình cho iOS hiện tại và sau đó dần dần thêm tính năng mới trong phiên bản nâng cấp.
Sự phân mảnh chắc chắn không ảnh hưởng đến sự phổ biến của Android với số lượng người dùng và doanh số bỏ xa Apple. Nhưng vấn đề là hệ điều hành của Google đang lộn xộn trong việc cập nhật. Họ cần phải tìm một cách hợp lý hơn trong việc cập nhật các phiên bản mới vì lợi ích của cả người dùng và nhà phát triển Android.