Ngày ra mắt của Gonzalo Higuain trở thành thảm họa khi Chelsea tịt ngòi trước Bournemouth và nhận tới 4 bàn thua. Trận thua Bournemouth chính là thất bại đậm nhất của Chelsea kể từ sau màn đại bại 1-5 trước Liverpool năm 1996. Thất bại này cũng đánh đấu lần đầu tiên sau 17 năm, Chelsea tịt ngòi 3 trận sân khách liên tiếp tại Premier League.
Những thống kê trên có lẽ cho độc giả thấy đầy đủ sự thảm họa của thất bại này. Tuy nhiên, thực tế mà tư duy thì một trận thua, dù có là 0-1 hay 0-4, kết cục vẫn là trắng tay. Và cũng là quá bình thường khi một tiền đạo tịt ngòi trong ngày ra mắt đội bóng mới, đặc biệt là khi anh ta từ lâu cũng không còn ở đỉnh cao phong độ.
Điều khiến trận thua này trở thành thảm họa lại nằm ở những phản ứng sau trận.
Chelsea nhận trận thua tồi tệ nhất sau 23 năm. Ảnh: PA. |
Cú thay đổi 180 độ của Sarri
Trước báo giới, HLV trưởng Chelsea, ông Maurizio Sarri nhận toàn bộ lỗi lầm về mình. Ông thừa nhận “đây là lỗi của tôi, vì tôi không thể truyền động lực cho các cầu thủ”. Cay đắng hơn là câu nói: “Chelsea là đội bóng mạnh. Họ có thể thắng mà không cần huấn luyện viên”.
Vì lý do gì mà Sarri bỗng dưng thay đổi 180 độ như vậy. Sau trận thua Arsenal, ông đăng đàn chửi mắng cầu thủ của mình là “thiếu động lực”, “thiếu chuyên nghiệp”. Ông đồng thời hắng giọng khẳng định “sẽ thẳng tay loại những cầu thủ thi đấu hời hợt ra khỏi đội hình và yêu cầu Chelsea mua về cho ông bất kỳ ai, miễn sao họ có đủ khát vọng chiến đấu”.
HLV Maurizio Sarri tự nhận hết lỗi lầm về mình |
Chuyện một HLV chỉ trích cầu thủ của mình thực tế hoàn toàn không lạ trong bóng đá. Năm xưa, Sir Alex Ferguson thậm chí còn phi thẳng chiếc giày vào mặt David Beckham trong cơn giận dữ mà Becks chẳng dám ho he một câu. Ngổ ngáo cỡ Roy Keane mà bị Sir Aelx mắng té tát vào mặt cũng cần tới nhiều năm sau đó mới dám lên tiếng phản ứng.
Nhưng cơn giận dữ của HLV Sarri dưới góc nhìn truyền thông Anh lại là hành động “chọc tay vào tổ kiến lửa”. Chelsea đã quá nổi tiếng với những màn phản thầy, và giới chuyên môn Anh cho rằng đừng dại gì mà mất lòng các ngôi sao đỏng đảnh của "The Blues".
Sarri không bình luận gì về những lời cảnh báo này, nhưng cách ông vơ hết lỗi lầm vào mình sau trận thua tan nát trước Bournemouth cho thấy chiến lược gia người Italy thật sự đang mất kiểm soát. Đó là dấu hiệu cho thấy Sarri đang chọn cách thỏa hiệp với cầu thủ để mua sự an toàn cho bản thân.
Đó mới thật sự là sai lầm lớn. Một HLV mà đánh mất cái uy trong mắt học trò thì không bao giờ có thể cai quản một đội bóng lâu dài. Chiến lược gia chọn cách vỗ về cầu thủ sau trận đại bại xấu hổ lại càng không phải cách truyền động lực. Nó chỉ cho thấy ông đang sợ hãi mà thôi.
Chỉ vài tháng trước, Sarri-ball còn đang là hiện tượng ở Premier League |
Đại diện cho sự lệch lạc
Hình ảnh Sarri phản ánh thực tế đau lòng của bóng đá hiện đại, khi mà HLV luôn phải sống trong ranh giới giữa người hùng và tội đồ. Trong giai đoạn đầu của mùa bóng, khi mà triết lý “Sarri-ball” mang tới diện mạo hoàn toàn mới và lối chơi tương đối đẹp mắt cho Chelsea, ông được ca ngợi hết lời như vị thánh sống.
Nhưng chỉ cần Chelsea trải qua vài cú vấp ngã, truyền thông đã nói về chuyện “Sarri có thể sắp bị sa thải” vì thành tích kém cỏi. Là Chelsea trở mặt hay truyền thông Anh trở mặt giờ không còn quan trọng nữa. Điều quan trọng là Sarri đang chịu những áp lực quá bất công trong cuộc tung hứng huấn luyện viên ở Premier League.
Và có phải là sự trùng hợp hay không khi mà bất kỳ HLV nào làm việc tại Chelsea trong nửa thập kỷ gần đây đều chịu bi kịch tương tự. Jose Mourinho vào mùa bóng Chelsea vô địch Premier League cũng được đưa lên mây xanh, nhưng chỉ ngay mùa kế tiếp đã trở thành kẻ bất tài.
Antonio Conte mang tới Chelsea nói riêng và Premier League nói chung xu thế 3 hậu vệ - cách bố trí đội hình mà cho tới tận hôm nay vẫn phát huy hiệu quả. Nhưng chỉ cần phật lòng vài cậu học trò, ông cũng phải ra đi như tội đồ. Giờ đến lượt Maurizio Sarri. Tại sao tập thể thi đấu ổn định, mượt mà hồi đầu mùa giờ đây lại vô dụng đến mức đó?
Phải chăng Chelsea chính là hình ảnh phản chiếu cho một mảng tối của bóng đá thời hiện đại. Nó đúng như những gì Sarri vừa nói: “Đội bóng có thể chiến thắng mà không cần huấn luyện viên”.