Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chế tạo thành công động cơ phản lực khoác vai

Sau nhiều năm thiết kế và thử nghiệm, nhóm nghiên cứu tại Mỹ đã chế tạo thành công động cơ phản lực khoác vai có khả năng di chuyển linh hoạt.

Hãng tin AFP cho biết, động cơ phản lực đẩy khoác vai là ý tưởng từng tạo ra cơn sốt sau hàng loạt chương trình truyền hình đình đám tại nước Mỹ trong hơn 3 thập niên trước. Khi còn là một thanh niên, Glenn Martin - nhà sáng lập công ty hàng không Martin Aircraft – đã ấp ủ ý tưởng và tiến hành thử nghiệm nguyên mẫu đầu tiên.
Động cơ phản lực khoác vai P12.

Sau gần 3 thập kỷ phát triển và cải tiến, P12 là thành quả xứng đáng mà nhóm nghiên cứu của Martin đạt được. Với thiết kế khung bằng sợi carbon cùng 2 cặp động cơ cánh quạt đẩy được gắn phía sau, P12 dễ dàng đưa người sử dụng bay lên và thay đổi quỹ đạo di chuyển linh hoạt, dựa vào hệ thống điều hướng phía dưới các động cơ.

AFP dẫn lời Peter Martin Coker, giám đốc điều hành Martin Aircraft, cho biết: “Hệ thống điều hướng tạo ra bước nhảy vọt về hiệu suất động cơ của P12 so với các mẫu thử nghiệm trước đó, đặc biệt là về khả năng cơ động khi bay”.

Trên thực tế, động cơ phản lực khoác vai từng là ý tưởng được ấp ủ từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Theo thời gian, cả cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và những ông lớn khác trong ngành công nghiệp hàng không của Mỹ đều góp mặt trong cuộc đua, nhưng không đạt được những thành tựu nổi bật.

Trong những năm 1960 của thế kỷ trước, hydrogen peroxide được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ phản lực khoác vai. Khi gặp chất xúc tác là bạc, hydrogen peroxide tự phân hủy thành hơi nước và oxy. Dù khá an toàn nhưng những chuyến bay sử dụng hydrogen peroxide không thể kéo dài quá 30 giây, do 70% nhiên liệu được dùng để thắng lực hút của trái đất.

Bên cạnh rào cản về lực đẩy, trọng lượng của các động cơ phản lực khoác vai cũng khiến việc bay lên gặp nhiều trở ngại. Với trọng lượng giảm xuống 45 kg ở thời điểm hiện tại, động cơ phản lực khoác vai vẫn là món đồ chơi mạo hiểm, chỉ dành cho những kẻ liều lĩnh.

Tuy nhiên, mục đích của các nhà thiết kế là biến P12 trở thành loại phương tiện thông dụng, có khả năng hỗ trợ các hoạt động cứu nạn hoặc trang bị cho các chiến binh trên chiến trường. Chính vì lẽ đó, giám đốc điều hành Coker cho biết, các phiên bản cải tiến của P12 đang được hoàn thiện nhằm ra mắt trong mùa hè năm tới.

Tuy có thể đảm trách khá nhiều nhiệm vụ nhưng động cơ phản lực khoác vai có chi phí khá cao. Theo tính toán của nhóm chế tạo, những sản phẩm P12 đầu tiên sẽ có giá 150.000 – 200.000 USD, tương đương một siêu xe Ferrari Spyder. Tuy nhiên, các nhà sản xuất hy vọng, giá thành P12 sẽ giảm xuống theo thời gian, khi loại phương tiện này trở nên phổ biến hơn.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm