Kỳ công
Ông Vũ Hoa Thảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Quảng An, Tây Hồ, cho biết, để làm ra được 1 kg chè sen thương hiệu Quảng An, phải sử dụng đến gạo của 1.400 bông hoa sen. Chè ướp trong 7 lần, mỗi lần 200 bông sen được tách lấy gạo. Cứ 3 ngày phải ướp 1 lần. Sau 7 lần ướp chè được sấy bằng nước nóng cho khô trong khoảng 3 ngày. Công đoạn cuối cùng là sàng sẩy và đóng bao bì cho chè sen.
Đặc biệt, chỉ có giống sen Bách cánh (sen màu hồng, nhiều lớp cánh, hương sen đượm) đang được trồng ở khu vực hồ Tây mới có thể tạo ra được loại chè sen đặc biệt này.
Chính vì thế, việc tạo ra được loại chè sen như thế này là việc làm rất kỳ công. Theo những người làm nghề ở Quảng An, chè sen Quảng An ngon nhất là làm trong giai đoạn tháng 6-8. Mùa thu hoạch sen từ khoảng 19/5-2/9, người dân ở Quảng An phải dậy từ lúc 3-4h sáng để chuẩn bị cho một ngày ướp chè sen.
Quá trình ướp chè sen rất cầu kỳ. |
Để làm ra được những cân chè sen ngon, đúng hương vị yêu cầu rất cao. Hái sen kiêng gió Tây, không thu hái vào ngày mưa, sen hái chỉ từ 5-7h sáng, không cho người phụ nữ đến tháng, những người đi đám ma về hay... tham gia làm sen.
Mỗi năm, theo tính toán của ông Thảo, 14 hộ làm nghề ướp trà sen ở đây sẽ làm được chừng 1 tấn chè sen. Đây là loại chè đặc biệt, được bán trên thị trường với giá từ 7-8 triệu đồng/cân, thậm chí có lúc lên tới chục triệu đồng/cân, chủ yếu bán cho bà con Việt kiều hoặc cho những người có điều kiện kinh tế. Ngoài làm ướp chè sen truyền thống, hiện tại một số hộ ở Quảng An cũng ướp chè sen theo kiểu ướp “sổi”, chè bọc trong hoa sen và sử dụng ngay.
Cẩn thận chè sen giả
Khảo sát trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng rao bán chè sen, đặc biệt chè sen Quảng An, với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
“Chè sen chính hiệu của Quảng An phải là chè sen ướp gạo kỳ công. Thế nhưng, vì số lượng sen không nhiều, công đoạn sản xuất cầu kỳ, mất thời gian nên lượng chè sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu. Nhiều hộ chưa làm chè đã có người đặt trước. Do vậy muốn tìm chè sen Quảng An ngoài thị trường rất khó, đặc biệt vào dịp Tết”, ông Thảo khẳng định.
Được biết, để nhân giống sen Tây Hồ phục vụ cho việc làm chè, nhiều người dân Quảng An đã đi tìm vùng nguyên liệu. Thế nhưng, không một địa phương nào có giống sen như Tây Hồ. Thậm chí, một số hộ dân ở đây mang giống sen Tây Hồ đi trồng ở một số đồng đất khác tại Đông Anh, Hà Tây, Hà Nam... nhưng không có kết quả, vì hương sen kém thơm, bông nhỏ, thưa.
Để có 1 ký chè sen phải tốn cả nghìn bông hoa. |
Hiện nay, ở Quảng An chỉ còn 14 hộ làm nghề ướp chè sen. Diện tích thu hoạch sen chỉ còn 15ha ở đầm Trị, hồ Thủy Sứ, hồ Đầu Đồng và Ao Chùa. Chính vì vậy, số lượng sen ướp ra càng ít.
Ngay như gia đình ông Thảo, lượng chè ướp sen làm được bao nhiêu bán hết. Ông chỉ để lại một vài cân biếu vào dịp Tết. “Nếu đi mua chè sen thương hiệu Quảng An phải xem xét thật kỹ. Số lượng sen cung cấp để ướp chè cho chính người Quảng An không đủ, Hợp tác xã không bán sen cho người ngoài, chỉ bán một số lượng nhỏ cho khách tham quan, nếu nhiều nơi bán chè sen Quảng An là điều vô lý”, ông Thảo khuyến cáo.
Theo nhiều người “sành” về uống chè, cách phân biệt chè sen thật với giả cũng không khó. Chè sen thật vị trà thơm nhẹ, đượm lâu, thanh mát, uống đến ấm thứ ba vị trà nhạt nhưng hương sen còn. Nếu là chè sen giả, pha hương liệu, ấm trà đầu hương rất nồng, hơi hăng. Đến ấm thứ hai đã mất hương vị.