Cuộc sống người dân trên đảo Kalimantan bị xáo trộn do khói mù từ cháy rừng. Ảnh: Jakarta Globe |
Trong danh sách những thảm họa môi trường do con người gây ra, tờ Jakarta Globe cho rằng cháy rừng ở Indonesia có thể là thảm họa nghiêm trọng nhất thế kỷ 21.
Phần lớn các khu vực ở Indonesia đã đặt trong tình trạng khẩn cấp hơn cả tháng qua. Chính quyền đã nỗ lực dập tắt các đám cháy, như chữa cháy bằng máy bay, đào kênh dẫn nước, tiếp nhận sự hỗ trợ của các nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những biện pháp khắc phục khi sự đã rồi. Tờ báo của Indonesia chất vấn, vì sao chính phủ không áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn triệt để vấn nạn này, như việc xử tù những công ty đốt rừng?
Thiệt hại kinh tế hữu hình và vô hình
Một thống kê do chính phủ Indonesia công bố vài tuần trước cho thấy, cháy rừng và khói mù khiến nước này thiệt hại ít nhất 35 tỷ USD, tương đương 4% GDP của Indonesia và phần tăng trưởng kinh tế trong năm 2015.
Tuy nhiên, số liệu trên có thể chưa bao gồm những hậu quả vô hình mà cháy rừng gây ra, như tai nạn giao thông do khói mù, các chuyến bay phải hủy chuyến, doanh nghiệp không hoạt động... Hay hàng nghìn người mất việc do không thể làm việc trong điều kiện ô nhiễm nghiêm trọng cũng là hậu quả. Quan trọng hơn, chưa có thống kê chính thức về những ảnh hưởng của khói mù đối với sức khỏe con người, thậm chí là những trường hợp tử vong.
Giáo sư Susan Page (Đại học Leicester, Anh) cho biết: "Nồng độ carbon monoxide (CO) và ozone ở mặt đất đã vượt xa các thang đo". Khí CO chính là loại khí ngạt có thể khiến con người tử vong, còn khí ozone thì độc hại với cả con người lẫn thực vật, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Đối với ngành nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, chỉ riêng ngành sản xuất dầu cọ có thể giảm sản lượng sản xuất từ 10 đến 20%. Giá trị của ngành này thường khoảng 20 tỷ USD, có nghĩa Indonesia đã mất vài tỷ USD.
Bên cạnh đó, một số quốc gia như Singapore cũng đang đe dọa cấm các sản phẩm dầu cọ hoặc giấy và bột giấy của Indonesia. Lợi nhuận xuất khẩu từ hai lĩnh vực này thường mang về hơn 40 tỷ USD cho Indonesia. Do vậy, khoản thiếu hụt sẽ rất lớn.
Hệ sinh thái ở những vùng cháy rừng của Indonesia cũng chịu biến đổi nghiêm trọng. Nạn cháy rừng và khói mù bắt đầu từ cuối thập niên 1990 đã làm giảm đáng kể số lượng đàn ông sinh sống. Ong là loài côn trùng rất quan trọng trong quá trình thụ phấn của thực vật. Albert Einstein từng khẳng định: "Nếu ông biến mất trên quả địa cầu, con người sẽ chỉ còn 4 năm để sống. Không có ong, quá trình thụ phấn không diễn ra, thực vật không còn, động vật không còn thì con người cũng tuyệt diệt".
Lính cứu hỏa nỗ lực dập cháy rừng ở đảo Sumatra. Ảnh: AFP |
Hình ảnh trên trường quốc tế bị tổn hại
Nếu như con số thiệt hại kinh tế có thể gây tranh cãi, thì việc uy tín quốc tế giảm sút của Indonesia là điều chắc chắn. Đến nay, những láng giềng của Indonesia như Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines đã bày tỏ sự không bằng lòng về khả năng xử lý hậu quả cháy rừng yếu kém của chính phủ Indonesia.
Những giải pháp khẩn cấp
Jakarta Globe cho rằng, giải pháp khẩn cấp trước mắt là siết chặt việc thực thi cấm đốt rừng, mở rộng quy mô chiến dịch chữa cháy, huy động nguồn lực trong và ngoài nước. Bên cạnh đó là hàng loạt nhiệm vụ khác, như chuyển hướng đầu tư ra khỏi các hoạt động nông nghiệp sử dụng than bùn, hoặc chỉ cho phép sản xuất nếu cơ sở bảo đảm gần các nguồn nước... Tất cả những biện pháp này sẽ không thể thực hiện hiệu quả nếu thiếu sự cam kết của chính phủ trong việc quyết tâm khắc phục thảm họa cháy rừng.
Trên trường quốc tế, hình ảnh của Indonesia có thể cũng xấu đi. Nước này chuẩn bị trình bày kế hoạch cắt giảm khí thải carbon tại một hội nghị ở Paris vào tháng tới. Dù kế hoạch công phu đến đâu, Indonesia cũng khó lòng thuyết phục chính phủ các nước về sự nghiêm túc và quyết tâm của Jakarta. Qua các đám cháy, Indonesia tự gây tai tiếng là nước thải khí carbon vào môi trường nhiều nhất.
Tờ Jakarta Globe gọi cháy rừng ở Indonesia là tội ác chứ không phải thiên tai. Những ngọn lửa bùng lên ở các khu rừng được bảo vệ bằng luật pháp ở nước này; gây nguy hiểm đến cuộc sống của hàng triệu người, phá hủy hàng loạt khu rừng và đời sống hoang dã ở đây, đe dọa đến môi trường toàn cầu. Trong khi đó, chính phủ lẽ ra có thể ngăn chặn sự việc bằng những chính sách cứng rắn hơn như quy hoạch sử dụng đất đai hợp lý và lực lượng an ninh làm việc hiệu quả. Khi các biện pháp này thất bại, chính phủ phải chịu trách nhiệm cuối cùng.