Theo Bloomberg, những ngày qua Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn trao đổi một cách hòa nhã. Nhưng quan chức môi trường hai nước lại chỉ trích nhau dữ dội.
Bộ trưởng Lâm nghiệp Indonesia Siti Nurbaya tuyên bố Malaysia "không minh bạch" về các vụ cháy rừng ở nước này. Trong khi đó, Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin nhấn mạnh: "Bộ trưởng Siti Nurbaya đừng chối bỏ trách nhiệm".
Bà Yeo Bee Yin sử dụng dữ liệu của Trung tâm Khí tượng ASEAN để chỉ ra những điểm nóng cháy rừng gây ô nhiễm ở Indonesia.
Khói bụi từ các vụ cháy rừng ở Indonesia bao trùm thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Straitstimes. |
Bộ Môi trường và Tài nguyên Nước Singapore cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Indonesia chống cháy rừng. Trong khi đó, chính quyền Malaysia đã tiến hành làm mưa nhân tạo ở các bang Sarawak và Selangor để giảm ô nhiễm.
Tổng thống Widodo đang nỗ lực ngăn chặn thảm họa cháy rừng năm 2015 lặp lại. Khi đó, 2,6 triệu ha đất đã bị ảnh hưởng, nền kinh tế Indonesia thiệt hại khoảng 15,5 tỷ USD. Nhiều khu vực ở Malaysia và Singapore bị ô nhiễm không khí nặng trong nhiều ngày.
Theo Bloomberg, cháy rừng ở Indonesia trong những ngày qua khiến 32.000 người dân South Sumatra mắc bệnh về hô hấp. Nhiều chuyến bay giữa Palembang và Pontianak bị hoãn vì tầm nhìn hạn chế.
Ngay bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur, chính quyền Malaysia đã phải tạm đóng cửa 29 trường học, ảnh hưởng đến hơn 45.000 học sinh do chất lượng không khí đã xuống mức gây hại cho sức khỏe.
Tại Singapore, giáo sư Sumit Agarwal thuộc Đại học Quốc gia Singapore ước tính các hộ gia đình tại đảo quốc sư tử có thể sẽ tốn thêm tổng cộng 11 triệu USD cho tiền điện và nước sinh hoạt nếu tình trạng ô nhiễm tiếp tục diễn biến nghiêm trọng. Nhiều khả năng du lịch Singapore cũng sẽ bị ảnh hưởng.