Giữa áp lực từ quân đội và nguy cơ bị quốc hội luận tội, Tổng thống Robert Mugabe ngày 21/11 đã quyết định từ chức, chính thức kết thúc 37 năm cầm quyền tại Zimbabwe.
Bên cạnh những cuộc "hội hè" ăn mừng của người dân, quyết định của ông Mugabe nhận được sự chào mừng từ châu Phi và cộng đồng quốc tế.
Người biểu tình phản đối Tổng thống Mugabe trước tòa nhà quốc hội Zimbabwe, vài giờ trước khi ông tuyên bố từ chức. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nói rằng quyết định này sẽ "đi vào lịch sử như hành động của một nhà lãnh đạo và sẽ chỉ làm dày thêm di sản chính trị của Mugabe".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gọi đây là một "thời khắc lịch sử cho Zimbabwe".
"Với sự từ chức của Robert Mugabe, ngày hôm nay đánh dấu một thời khắc lịch sử cho Zimbabwe. Chúng tôi chúc mừng tất cả người Zimbabwe đã nói lên tiếng nói của họ một cách ôn hòa. Đây rõ ràng là thời khắc của thay đổi. Zimbabwe có cơ hội tuyệt vời được xác lập một con đường mới cho riêng họ. Mỹ kêu gọi các lãnh đạo Zimbabwe "tiến hành những cải cách chính trị và kinh tế cần thiết vì một tương lai ổn định và hứa hẹn cho người dân", ông Tillerson nói.
Tổng thống Mugabe đã từ chức ở tuổi 93, kết thúc 37 năm nắm quyền tại Zimbabwe. Ảnh: AFP. |
"Dù các sắp xếp ngắn hạn chính phủ có thể ban hành là gì, con đường phía trước phải dẫn đến những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Người dân Zimbabwe phải được chọn lãnh đạo của riêng họ", CNN dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Từ Anh, Ngoại trưởng Boris Johnson cũng kêu gọi một cuộc bầu cử tự do, công bằng và dân chủ cho Zimbabwe.
"Điều chúng ta cần thấy là những cuộc bầu cử tự do, công bằng, dân chủ, trên tất cả không phải một sự chuyển giao từ chế độ chuyên chế này sang chế độ chuyên chế khác", ông Johnson cho biết.
Ngoại trưởng Anh nói thêm rằng Mugabe đã đóng vai trò quan trọng trong sự khai sinh ra nước Zimbabwe độc lập nhưng ông đã lãng phí di sản đó. Zimbabwe từng là thuộc địa của Anh.
Trên Twitter, Ngoại trưởng Johnson ghi rằng: "Tôi sẽ không giả vờ tiếc nuối sự ra đi của Mugabe. Hôm nay là một khoảnh khắc hy vọng cho người dân Zimbabwe. Nước Anh ủng hộ họ".
Cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người sẽ thay thế ông Mugabe nắm quyền. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc chưa có phản ứng về việc ông Mugabe quyết định từ chức. Trước đó ít giờ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi ra tuyên bố phủ nhận các nghi ngờ về việc Trung Quốc có "nhúng tay" vào cuộc can thiệp của quân đội nhằm lật đổ Mugabe.
"Một số người đang cố gắng liên hệ cuộc khủng hoảng chính trị tại Zimbabwe với Trung Quốc để phá hoại mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi và làm tổn hại hình ảnh Trung Quốc", Guardian dẫn tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi.
Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng các cáo buộc về việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho quân đội Zimbabwe là "phi lý, bất nhất và đầy động cơ ma quỷ".
Cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống vào ngày hôm nay, 22/11. Người phát ngôn đảng Zanu PF cầm quyền xác nhận rằng cựu phó tổng thống là lựa chọn của đảng này để thay thế ông Mugabe. Việc cựu tổng thống Mugabe sa thải cấp phó Mnangagwa đã châm ngòi cuộc can thiệp của quân đội và dẫn đến sự rút lui của ông Mugabe.