Người phụ nữ đi chợ với chiếc túi in hình cờ Mỹ, chụp ảnh cạnh ngôi nhà của gia đình ông Barack Obama ở làng Nyangoma. Ảnh: Reuters |
Anh Enokh Mulure và hai người bạn gần đây hùn hạp 1.300 USD tậu một chuyến hàng đầy những ly uống nước, lịch, mũ bóng chày, áo thun... có in hình ông Obama. Họ đặt cược vào sự hào hứng của người dân trước chuyến thăm quê nội Kenya của ông Obama lần đầu trên tư cách tổng thống Mỹ.
Theo tờ New York Times, không chỉ người dân Kenya mới bận rộn trước chuyến thăm của ông Obama, mà giới làm chính trị và các nhà hoạt động xã hội ở châu Phi cũng có những “nỗi niềm riêng” của mình.
Thương hiệu Obama
Cách thành phố Kisumu một giờ chạy xe là làng Nyangoma, nơi thân phụ ông Obama chào đời. Họ hàng nhà Obama cả xa lẫn gần đang tranh thủ làm ăn nhờ tên tuổi gia tộc.
Nicholas Rajula, người tự nhận có chung một “ông nội tổ” nào đó với tổng thống Mỹ, ăn nên làm ra nhờ kinh doanh khách sạn mang thương hiệu Obama.
Khách sạn Kogelo Village Resort xây hoành tráng với 60 phòng, trong đó có một phòng họp mang tên “Nhà Trắng”, một bức tượng Obama bằng xi măng và các căn phòng mang tên các thành viên gia đình tổng thống Mỹ.
Cùng con đường cách đó 2 km là một nhà hàng treo cờ Kenya và cờ Mỹ của ông Malik Abongo Obama, cũng là một người trong họ. Hồi năm 2013, ông này từng thử vận may tranh cử vào chính trường Kenya với câu khẩu hiệu quen thuộc: “Chúng ta có thể thay đổi!” nhưng sau đó thất bại và rút lui "không trống không kèn".
Món hời nhất ông này từng kiếm có lẽ là chào bán một lá thư của ông Obama viết hồi còn trẻ với giá trị ước tính khoảng 15.000 USD.
Charles Akelloh, người đứng đầu ngành du lịch tại đây, cho biết có khoảng 600 du khách đến thăm ngôi làng Nyangoma mỗi tháng. Người ta đã mở một văn phòng du lịch trong làng để cung cấp thông tin và xếp lịch cho những vị khách tò mò gặp bà nội kế của ông Obama tên Sarah.
Ở tuổi 94, bà Sarah dùng danh tiếng của mình để gây quỹ cho trường học địa phương và các chương trình hỗ trợ phụ nữ.
Trào lưu ăn theo tên tuổi Tổng thống Barack Obama tại Kenya đang tới hồi cao trào. Trong nhiều chiêu kinh doanh kỳ lạ có thể kể đến việc sáng tác bài hát có tên Obama trong ca từ, đáng ngạc nhiên đây là những bản “top hit” trên sóng radio.
Một công ty chuyên bán nhạc chuông điện thoại trích từ bài diễn văn ăn mừng thắng cử năm 2008 của ông Obama. Nhiều tờ nhật báo địa phương những ngày gần đây còn tận tình chỉ dẫn bạn đọc làm cách nào kiếm tiền từ chuyến thăm của ông Obama.
Ở Kenya, ông Obama không chỉ là một vị khách danh giá mà còn là một thương hiệu giúp người dân kiếm tiền.
Di sản châu Phi
Theo báo New York Times, nhiều chính trị gia Kenya đã đánh tiếng cảnh báo ông Obama không nên bới móc những chủ đề kiểu “quyền cho người đồng tính” sau khi xuống máy bay. Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, chủ tịch hiện tại của Liên minh châu Phi, còn đá xoáy rằng ông sẽ tranh thủ “cầu hôn” Tổng thống Obama.
Nhiều người châu Phi còn chưa hết “hoang mang” trước tin nước Mỹ cho phép hôn nhân đồng tính, trong khi đây là điều còn cấm kỵ tại đây.
“Sẽ không còn một tổng thống Mỹ nào có được vị trí của ông Obama để nói về quyền của cộng đồng LGBT ở Kenya. Đây là cơ hội duy nhất trong đời”, Adrian Jjuuko, giám đốc điều hành Tổ chức Human Rights Awareness and Promotion Forum tại Uganda, vẫn hy vọng.
Ngoài vấn đề trên, viết cho tờ Guardian của Anh, tiến sĩ Adekeye Adebajo, giám đốc Trung tâm Giải pháp xung đột tại Nam Phi, nhận định các chính sách liên quan đến châu Phi của ông Obama đến giờ phút này vẫn còn khá mờ nhạt.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Phi lần đầu tiên được tổ chức ở Washington hồi tháng 8 năm ngoái được nhận xét là “một nơi tán gẫu với những lời hứa suông”. Ý tưởng cung cấp điện cho 20 triệu người châu Phi hầu như vẫn chưa được giải ngân.
Ngoài những nỗ lực đáng ghi nhận trong trận chiến chống đại dịch AIDS và gần đây là Ebola, ông Obama hầu như chỉ tiếp tục một số chính sách tại châu Phi đã có từ thời tổng thống George W. Bush: Mỹ duy trì 1.500 binh sĩ ở trại Lemonier tại Djibouti đối phó với cuộc chiến khủng bố không hồi kết, máy bay không người lái vẫn tiếp tục tấn công các mục tiêu tại Somalia và Mali.
Chuyến thăm châu Phi có lẽ là cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama, liệu vị tổng thống da màu đầu tiên có để lại được di sản gì cho mai sau?