Năm 1980, TVB khởi quay phim Bến Thượng Hải và dự định để Trịnh Thiếu Thu đóng vai Hứa Văn Cường và Triệu Nhã Chi vào vai Phùng Trình Trình. Tuy nhiên, Trịnh Thiếu Thu vừa bị thương, sức khỏe chưa hồi phục nên không nhận vai này và tiến cử Châu Nhuận Phát, người cùng làm việc với anh trong phim Đại Hanh (Varity Fair, 1978).
Tình cờ, nữ diễn viên Triệu Nhã Chi cũng xuất hiện trong phim Đại Hanh và cô cũng quen thân với Châu Nhuận Phát, nên có sự ăn ý trong diễn xuất. Vậy là bộ ba đóng vai chính trong Bến Thượng Hải được chốt lại là Châu Nhuận Phát, Triệu Nhã Chi và Lữ Lương Vỹ.
Thành công ngoài dự kiến
Bộ phim đã nổi tiếng ngay sau tập phim đầu tiên phát sóng. Chúng ta có thể thấy số phận của Châu Nhuận Phát có những duyên may tình cờ quan trọng dù ông luôn vất vả, lận đận trong những khởi đầu của mình.
Chính chàng diễn viên 25 tuổi Châu Nhuận Phát cũng không dám nghĩ mình sẽ trở thành một ngôi sao lớn sau một vai diễn được nhường lại. Cái tên Châu Nhuận Phát chính thức trở nên nổi như cồn và trở thành ngôi sao số một của đài TVB. Ông còn được giới truyền thông ca ngợi là “Ông hoàng phim truyền hình”.
Nhân vật Hứa Văn Cường do diễn viên Châu Nhuận Phát thủ vai trong Bến Thượng Hải đã trở thành biểu tượng của ngành phim truyền hình và sức ảnh hưởng của nó vẫn còn hiện hữu sau nhiều năm. Ấn tượng về Hứa Văn Cường đã vô thức định hình nhân dáng thần tượng Châu Nhuận Phát trong lòng công chúng.
Đó là một anh hùng lãng mạn, bi tráng trong dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn mang “hào khí cổ điển”. Nhiều năm sau, khi nhắc đến phim truyền hình Hong Kong, nhắc đến TVB, nhắc đến những năm 1980 tại châu Á, chắc chắn người ta phải nhắc đến Bến Thượng Hải, nhắc đến Châu Nhuận Phát cũng như ca khúc chủ đề của bộ phim này.
Ca khúc nhạc phim cùng tên Bến Thượng Hải lừng lẫy một thời do nhạc sĩ Cố Gia Huy viết nhạc, Hoàng Triêm đặt lời tiếng Quảng và ca sĩ Diệp Lệ Nghi trình bày.
Ca khúc này nổi tiếng đến mức mà Diệp Lệ Nghi đã ca hàng nghìn lần tại hơn 30 quốc gia và trở thành “bài hát hit nhận diện thành phố Thượng Hải”, chưa nói đến hàng trăm nghệ sĩ khắp châu Á đã hát lại trong nhiều năm qua.
Cả Châu Nhuận Phát và Huỳnh Hiểu Minh đều từng vào vai Hứa Văn Cường. Ảnh: Ngoisao. |
Mảnh đất giang hồ dậy sóng
Ở góc độ nào đó trong văn hóa đại chúng, từ sau bộ phim này, Thượng Hải được công chúng nhớ đến như là biểu tượng về một mảnh đất “giang hồ dậy sóng”.
Với nhiều người, Thượng Hải gắn liền với hình tượng nhân vật của Châu Nhuận Phát và hình ảnh quen thuộc của Thượng Hải chính là khu Tô Giới hỗn loạn, giang hồ phân tranh được miêu tả trong phim Hong Kong, chứ không phải là một siêu đô thị phồn thịnh với tháp truyền hình biểu tượng cao vút.
Câu chuyện liên quan đến ngôi sao hạng A của màn ảnh Hoa ngữ Huỳnh Hiểu Minh là một minh chứng. Vào năm 2007, anh được mời vào vai Hứa Văn Cường trong bộ phim Tân Bến Thượng Hải của đạo diễn Cao Hy Hy.
Khi thông tin này được công bố, nhiều công chúng và cả giới phê bình cho rằng anh không đủ năng lực để vào vai diễn kinh điển này, so với Châu Nhuận Phát sẽ là “một trời một vực”. Những nhận xét này từng khiến Huỳnh Hiểu Minh, diễn viên được xếp vào dạng thực lực, lo lắng, sợ hãi, mất ăn mất ngủ và trầm cảm trong quá trình đóng phim.
Kế hoạch quay bộ phim là bốn tháng nhưng đã kéo dài đến sáu tháng vì tâm lý không tốt của Huỳnh Hiểu Minh. Anh từng chia sẻ: “Đó là sáu tháng khủng hoảng trong cuộc đời tôi. Tôi nhìn đâu cũng thấy khó chịu, không muốn nói, không muốn cười.
Đến khi bộ phim ra mắt, dù rất thành công nhưng tôi vẫn lâm vào trạng thái lo sợ, bất an. Cứ mỗi khi bước ra khỏi cửa, tôi luôn hình dung hàng trăm cặp mắt nhìn tôi chê cười, rằng tôi là một Hứa Văn Cường dở tệ, thua xa đàn anh Châu Nhuận Phát. Thời gian đó, tôi luôn cúi đầu bước đi trên đường”.
Từ câu chuyện trên, ta có thể hình dung sức ảnh hưởng của tài tử Châu Nhuận Phát là vô cùng lớn. Khán giả nhiều thế hệ sẽ luôn hoài nhớ về nụ cười nửa miệng, điếu thuốc trên môi Châu Nhuận Phát như “một biểu tượng thẩm mỹ kinh điển”.