Lần thứ ba liên tiếp có tên ở tuyển Việt Nam cho thấy Ngọc Quang thực sự được HLV Park Hang-seo đánh giá tốt. Ảnh: Bảo Ngọc. |
Đợt tập trung trước thềm AFF Cup là lần thứ ba liên tiếp trong năm nay, Ngọc Quang được gọi lên tuyển Việt Nam. Hai lần trước diễn ra hồi tháng 5 và tháng 9. Cả ba lần triệu tập đều đến trong thời gian Ngọc Quang khoác áo CLB Hải Phòng dưới dạng cho mượn ở HAGL. Lựa chọn của ông Park là sự đảm bảo cho tài năng của Ngọc Quang, thứ không được nhìn nhận đúng mức tại HAGL.
Mùa trước ở Gia Lai, Ngọc Quang không một lần được đá chính. Cả mùa, anh chỉ chơi 20 phút.
Mùa này tại Hải Phòng, 20 phút biến thành 20 lần ra sân. Ngọc Quang có 13 trận đá chính, chơi gần 1.500 phút và liên tục được gọi lên tuyển.
Ngọc Quang vẫn vậy trong một năm qua. Anh duy trì được chuyên môn, luôn là một cầu thủ chất lượng. Quang vẫn chuyền tốt, tấn công giỏi, đá giữa ổn mà chơi biên cũng hay. Anh duy trì những phẩm chất đó cả ở HAGL lẫn Hải Phòng. Tại cả hai CLB, Quang đều chơi trong một hệ thống kiểm soát (của Kiatisuk ở HAGL và Chu Đình Nghiêm ở Hải Phòng). Đầu vào không đổi nhưng đầu ra hoàn toàn khác biệt.
Điều đó dẫn tới một câu hỏi: Tất cả có đến với Ngọc Quang nếu anh còn ở lại HAGL?
Châu Ngọc Quang là minh chứng tiêu biểu cho tình hình nhân sự của HAGL suốt những năm qua. Kể từ khi lứa Công Phượng xuất sơn hồi năm 2014, đội bóng phố núi đã giới thiệu 4 lứa cầu thủ với trên dưới 10 người mỗi lứa. Với từng ấy con người, đương nhiên không phải ai cũng có suất đá chính. Đội hình chính HAGL được đóng khung trong một khoảng thời gian dài và càng cố định hơn khi HLV Kiatisuk về nắm quyền.
Cạnh tranh ở HAGL là quá khốc liệt khi những trụ cột của khóa I Học viện HAGL JMG luôn được ưu ái. Ảnh: Minh Chiến. |
Trước Thanh Hóa hôm 13/11, có 7 cầu thủ trưởng thành từ học viện HAGL đá chính thì 6 người đến từ hai lứa đầu. Việc HAGL đã sớm không còn mục tiêu ở V.League cũng chẳng làm thay đổi chiến lược nhân sự của đội bóng. Văn Thanh, Minh Vương, Văn Toàn vẫn đều đặn ra sân dù chẳng còn điều gì cần chứng tỏ. Sự hiện diện của họ khiến những tài năng khác lứa sau không còn cơ hội chen chân vào đội một. Trường hợp của Ngọc Quang ở trên chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ.
Chia sẻ với Zing News, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng thừa nhận thực tế này: “Cách đây 7-8 năm, khi tôi cho tụi lớn nghỉ thì lớp trẻ mới có chỗ đá chứ giữ lại thì không có chỗ đá. Nếu lứa này ở lại hết thì mấy đứa trẻ đá ở đâu? Tụi trẻ không có chỗ đá nên sẽ có nhiều đứa ra đi”.
Thành công của Ngọc Quang và cho thấy rời HAGL dường như là lựa chọn hợp lý với nhiều người. Phố núi đang trở thành ngôi nhà chật chội cho sự phát triển của những tài năng trẻ. Cùng thời với Ngọc Quang, Triệu Việt Hưng, Lê Minh Bình, Trần Bảo Toàn... đều lâm vào tình trạng tương tự. Phần lớn trong số họ đã tìm được bến đỗ và ngay lập tức tỏa sáng tại các CLB mới. Người thành công nhất có lẽ là Lê Phạm Thành Long với một bản hợp đồng 3 năm và vị thế nhạc trưởng tại CLB Thanh Hóa.
Trở lại với Ngọc Quang, anh chỉ thi đấu cho Hải Phòng mùa này dưới dạng cho mượn. Câu hỏi là sau những gì đang có tại Hải Phòng, anh có sẵn sàng trở lại Gia Lai, tiếp tục làm dự bị cho Xuân Trường - Tuấn Anh?
Tiết lộ về HLV Park Hang-seo
Mục Thể thao giới thiệu tủ sách về HLV Park Hang-seo. Ở đây, độc giả sẽ có cơ hội tìm hiểu những câu chuyện về nhà cầm quân người Hàn Quốc trong thời gian ông cùng bóng đá Việt Nam làm nên lịch sử ở những giải đấu khu vực Đông Nam Á, lẫn châu Á.