Hè 2013, rất nhiều thương vụ bom tấn đã diễn ra. |
Mùa hè điên cuồng
Hôm nay, sự kiện chợ Hè 2013 “họp” phiên cuối cùng, đặt cái kết ngọt ngào cho một trong những phiên chợ điên rồ bậc nhất lịch sử. Hè 2013 mang đến cho NHM một sự phấn khích xuyên suốt cả quá trình, thay vì tập trung phát nổ trong một vài ngày cuối như thường lệ.Nếu số tiền 5 giải VĐQG lớn của châu Âu đã chi ra, và số lượng tân binh tìm được bến đỗ mới chưa đủ cụ thể để phác họa nên bức tranh mùa hè 2013 rực lửa, hãy thử tham khảo thêm cảm nhận của một người trong cuộc. Ông Ian Holloway (HLV trưởng Crystal Palace) thú nhận: “Tôi từng phải tắt di động 18 tiếng liên tiếp vì không thể chịu nổi các cuộc gọi hỏi mua và cả chào bán cầu thủ. Chợ hè năm nay điên thật”.
Người ta nhẩm tính, nếu những quả bom tiềm năng thực sự phát nổ trong ngày chuyển nhượng cuối cùng (Fellaini, Baines, Oezil, Di Maria…) Hè 2013 sẽ xác lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu về số tiền mà 5 giải đấu lớn chi ra để sắm sửa tân binh (ước tính rơi vào khoảng… 1,9 tỉ bảng).
Tân binh Isco của Real. |
Monaco vẫn dám chi cả trăm triệu bảng để mua Falcao, Rodriguez, Moutinho… Chelsea dù thừa thãi tiền vệ, vẫn ném 33,5 triệu bảng vào thương vụ Willian. Tottenham thậm chí còn đào rất sâu kỷ lục chuyển nhượng mùa hè của chính họ, với 107 triệu bảng được chi ra tính đến lúc này. Man City dù bị cảnh báo, chỉ trích rất nhiều về thói quen chi tiêu, vẫn ném 100 triệu bảng vào chợ hè để nâng cấp hàng công.
Ai đã đốt nóng chợ hè?
Bất kỳ sự kiện bất thường nào cũng có nguyên nhân, và chợ hè 2013 cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà nóng đến nhường đó. Theo phân tích của tờ Daily Mail, có 2 nguyên nhân dẫn tới sức nóng bất thường này.
Thứ nhất: Hè 2013 ngẫu nhiên lại đánh dấu hàng loạt triều đại mới đi vào những ngày đầu. Man City, Chelsea, Real Madrid, Barca, Bayern Munich, Monaco , PSG, Napoli… Họ - những đội bóng có tiềm năng kinh tế - đều bước vào kỷ nguyên của tướng mới, và dĩ nhiên chẳng vị tân HLV nào không muốn sắm sửa một đội hình của riêng mình. Sự kiện này dẫn chợ hè đi theo một xu hướng domino rõ rệt. Tức là CLB A lấy sao của CLB B, buộc đội bóng này phải đi tìm siêu sao thay thế ở CLB C. Cứ như vậy, cả châu Âu náo loạn.
Thứ hai: Cả châu Âu đang giành giật một sự định danh trong bối cảnh cán cân quyền lực chắc chắn sẽ có sự thay đổi rõ rệt. Đơn cử như ở Premier League, M.U không còn là ứng viên số 1 cho chức vô địch nữa sau một mùa Hè có phần ảm đạm. Chelsea, kẻ đã được nâng cấp từ dàn cầu thủ đến HLV, sẽ thay thế vị trí độc tôn này. Khát vọng tương tự chắc chắn đang cháy bừng bừng ở Real, PSG, Monaco và những kẻ góp lửa cho TTCN Hè 2013.
Luật Công bằng tài chính ràng buộc các CLB như thế nào?
- Các CLB chỉ được phép lỗ tối đa 105 triệu bảng trong vòng 3 năm.
- Không có sự hạn chế về lương của các cầu thủ nếu tổng mức lương một CLB chi ra dưới con số 52 triệu bảng/năm. Nếu vượt qua con số này, CLB chỉ được phép tăng tối đa 4 triệu bảng/năm, nhưng phải kèm theo mức gia tăng về tiền bản quyền truyền hình.
- UEFA sẽ áp dụng hình thức trừ điểm ở giải VĐQG đối với bất kỳ CLB nào vi phạm 2 điều khoản trên.