Tuần qua, Ba Lan tuyên bố nước này là một ví dụ điển hình trong việc nhanh chóng giảm phụ thuộc vào Nga. Hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn của Ba Lan với tập đoàn Gazprom sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Warsaw không có kế hoạch gia hạn hợp đồng, Politico đưa tin.
“Suốt 5 năm qua, chúng tôi đã xây dựng đường ống dẫn khí Baltic tới Na Uy. Trong sáu tháng, lần đầu tiên sau nhiều thập niên, chúng tôi sẽ không phụ thuộc vào khí đốt của Nga nữa”, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói, với viễn cảnh nước này sẽ là quốc gia EU đầu tiên hoàn toàn không còn phụ thuộc năng lượng từ Nga.
Ba Lan đang hối thúc các nước EU khác ngay lập tức cắt nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga để ngừng chuyển tiền mặt cho Moscow. Theo tính toán, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2, khối này đã chuyển hơn 9,8 tỷ USD.
Trong khi đó, Đức đặt mục tiêu đầy tham vọng là giảm nhập khẩu 1/2 lượng dầu và than trong năm nay, sau đó đến giữa năm 2024 hoàn toàn không phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên từ Nga.
Mốc thời gian do Đức vạch ra là bước ngoặt đáng chú ý của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn từ lâu phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng. Chỉ mới vài tháng trước, Đức vẫn đang nhắm tới mua thêm khí đốt từ Nga thông qua đường ống Nord Stream 2.
Nhưng giao tranh ở Ukraine đã buộc các nhà lãnh đạo Đức và các nước châu Âu “xé toạc” kế hoạch năng lượng họ theo đuổi trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên chỉ trong một tháng. Phó thủ tướng Đức Robert Habeck nói đất nước ông đang chuyển hướng ra khỏi năng lượng từ Nga với “tốc độ điên cuồng”, theo New York Times.
Nhập từ Mỹ, tích trữ năng lượng
Tim Mcphie, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề năng lượng, hôm 28/3 nói Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu độc lập hoàn toàn với nguồn năng lượng từ Nga vào năm 2027, theo RT. Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu này là điều khó khăn bởi hàng loạt yếu tố.
EU phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng từ Nga - nhà sản xuất dầu, diesel, than, quan trọng nhất là khí đốt tự nhiên khổng lồ. Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho châu Âu và phần lớn trong số đó vận chuyển bằng đường ống qua Ukraine.
Chính sự phụ thuộc đó trở thành vấn đề đau đầu cho châu Âu trong việc trừng phạt Nga. Việc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga là bước đi tương đối dễ dàng bởi nước này xuất khẩu ròng năng lượng.
Một số nhà lập pháp Mỹ muốn EU ngừng hoàn toàn việc mua dầu và khí đốt từ Nga, nhưng lãnh đạo EU bác bỏ. Họ cho rằng đây là “bước đi tai hại về mặt tài chính, gây tổn hại cho châu Âu nhiều hơn là Nga”.
Mỹ muốn trở thành nhà cung cấp năng lượng chính cho EU. Ảnh: New York Times. |
Trong hội nghị ở Brussels, Bỉ tuần vừa rồi, các quốc gia thành viên EU đã đồng ý cùng nhau mua và tích trữ khí đốt, hydro và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để giải quyết thách thức. Ngoài ra, họ cũng đặt mục tiêu lưu trữ năng lượng để đủ nguồn cung cấp cho tất cả quốc gia vào mùa đông tới.
Các nhà lãnh đạo tán thành đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành khối, lấp đầy 80% cơ sở lưu trữ dưới lòng đất vào tháng 11 và 90% vào năm 2023. Đây được coi là bước nhảy vọt so với mức lưu trữ hiện tại là 25%.
Một liên minh quốc gia Nam Âu, dẫn đầu là Tây Ban Nha và Italy, ủng hộ việc giới hạn giá năng lượng toàn khối. Họ cho rằng biện pháp như vậy sẽ bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, Hà Lan và Đức phản đối mạnh mẽ khi cho rằng động thái này sẽ làm sai lệch động lực thị trường, dẫn đến lợi ích cho nhà sản xuất năng lượng của Nga.
Trong những tháng qua, EC cũng liên hệ với một số nhà sản xuất khí đốt như Mỹ, Qatar, Azerbaijan, Nigeria và Ai Cập để xem liệu họ có thể chuyển hướng một số nguồn cung sang châu Âu hay không.
Trong khi đó, Tổng thống Biden đang tìm cách khuyến khích các đồng minh châu Âu đưa ra động thái tương tự Ba Lan hay Đức, một phần bằng cách đề nghị Mỹ trở thành nhà cung cấp năng lượng cho khối này.
Thỏa thuận mà ông đã công bố tại Brussels vào tuần trước chưa có nhiều chi tiết, nhưng nêu rõ mục tiêu lớn. Mỹ sẽ gửi thêm 15 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng sang châu Âu trong năm nay - khoảng 10-12% lượng xuất khẩu hàng năm của nước này. Ông nói thêm rằng đến năm 2030, Mỹ đặt mục tiêu tăng nguồn cung lên tới 50 tỷ m3 mỗi năm.
Vấp nhiều thách thức
Các nhà xuất khẩu khí đốt của Mỹ đã chuyển từ châu Á sang bán cho châu Âu trong những tháng gần đây. Cho đến nay, gần 75% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ là sang châu Âu, tăng từ 34% trong năm 2021. Chính quyền ông Biden khuyến khích sự thay đổi bằng cách nới lỏng hạn chế xuất khẩu sang một số nước châu Âu.
Charlie Riedl - Giám đốc điều hành tại Trung tâm khí đốt tự nhiên hóa lỏng - cho rằng mục tiêu xuất khẩu thêm 15 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu có thể đạt được tương đối dễ dàng. Ông cho rằng 2/3 trong số đó có thể đến từ việc chuyển hướng các lô hàng dự định tới châu Á, và phần còn lại là tăng công suất các công ty LNG hiện có.
“Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy châu Âu đang nỗ lực loại bỏ khí đốt của Nga”, ông Riedl nói.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải nhiều thách thức. Đầu tiên, các cảng ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương thiếu năng lực để nhận thêm khí đốt và tàu.
Ví dụ như Đức, nhờ nhận được nguồn khí đốt giá tốt vận chuyển qua đường ống từ Nga và một số nước như Hà Lan, Na Uy và Đức, Berlin từ lâu đã không xây dựng kho dự trữ nhập khẩu LNG. Vì chiến dịch của Nga, Đức đã hồi sinh kế hoạch xây dựng kho khí đốt.
Các nhà điều hành năng lượng nói rằng chính quyền ông Biden có thể giúp tăng dòng chảy của khí đốt bằng cách hợp lý hóa quy trình cấp phép cho các kho dự trữ xuất khẩu mới của Mỹ - nơi khí đốt tự nhiên được làm lạnh thành chất lỏng và bơm vào các tàu chở dầu trên biển.
Washington và EU cũng có thể bảo lãnh khoản vay cho các kho dự trữ của Mỹ và ở châu Âu. Trong khi 10 kho nhập khẩu của châu Âu đang được xây dựng, có khoảng 10 kho dự trữ xuất khẩu của Mỹ đã nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, nhưng vẫn thiếu kinh phí.
Một kho chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Italy. Ảnh: New York Times. |
Các nhà điều hành phàn nàn có thể mất nhiều thời gian để xin giấy phép cho các đường ống dẫn và kho xuất khẩu hơn là thời gian xây dựng chúng.
Các kho dự trữ xuất khẩu đòi hỏi khoản đầu tư lên tới 10 tỷ USD, trong khi các kho dự trữ nhập khẩu tiêu tốn khoảng một tỷ USD để xây dựng. Mỹ có bảy kho xuất khẩu, và châu Âu có 28 kho nhập khẩu quy mô lớn.
Hơn nữa, các nhà bảo vệ môi trường chỉ trích quyết định mới của ông Biden vì họ sợ điều này sẽ khiến Mỹ và châu Âu tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài.
“Không có cách nào để vừa tăng xuất khẩu LNG vừa thực hiện các cam kết cấp thiết về khí hậu mà Mỹ và EU đã hứa”, Abigail Dillen - Chủ tịch Earthjustice, tổ chức luật môi trường - nhận định. Bà cảnh báo sự tích tụ cơ sở hạ tầng phục vụ cho LNG có thể sẽ “khóa chặt sự phụ thuộc (của con người) vào loại hóa thạch đắt tiền và gây ô nhiễm nguy hiểm trong nhiều thập niên tới”.
Các quan chức Mỹ và châu Âu đồng ý tìm cách giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động cơ sở hạ tầng và đường ống của LNG, cũng như nhằm giảm thải khí metan từ các hoạt động khí đốt.
Họ cho biết sẽ tăng cường các sáng kiến tiết kiệm năng lượng, chẳng hạn triển khai máy bơm nhiệt và sử dụng công nghệ hydro sạch để thay thế nhiên liệu hóa thạch, cũng như xúc tiến kế hoạch - phê duyệt các dự án năng lượng tái tạo như gió ngoài khơi và điện mặt trời.
Bên cạnh đó, nhu cầu giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga cũng thúc giục các quốc gia phụ thuộc vào than như Ba Lan khai thác trở lại lĩnh vực này.
Phó chủ tịch EC Frans Timmermans tuần trước cho rằng việc các quốc gia như Ba Lan tiếp tục đốt than lâu hơn, thay vì dùng khí đốt tự nhiên trước khi chuyển sang năng lượng tái tạo, là quyết định khá hợp lý. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu các quốc gia nào lợi dụng tình hình hiện tại để mở các mỏ than mới là “lựa chọn cực kỳ ngu ngốc”.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành dầu khí cho biết ông Biden cùng bà von der Leyen sẽ phải thừa nhận công ty tư nhân mới là bên quyết định ai bán khí đốt cho ai, chứ không phải bởi chính trị gia. Sau cùng, các nhà xuất khẩu sẽ tìm cách bán khí đốt cho những đối tượng sẵn sàng trả giá cao nhất.