Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Châu Âu loay hoay khi Nga cắt khí đốt

Khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 ngừng hoạt động để bảo trì, chính phủ các nước châu Âu phải chuẩn bị đối phó tác động lâu dài của tình trạng khan hiếm nhiên liệu.

Nga cat khi dot anh 1

Mới đây, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga tuyên bố đóng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 từ ngày 31/8 đến ngày 3/9 để bảo dưỡng.

Động thái này một lần nữa đẩy châu Âu vào tình cảnh “đoán già đoán non" về việc liệu Nga có nối lại hoạt động cung cấp khí đốt hay không, khi nhiệt độ giảm và nhu cầu về nhiên liệu tăng lên vào mùa đông sắp tới.

Dù kết quả ra sao, các quan chức và giám đốc điều hành năng lượng của châu Âu cho biết châu lục này sẽ phải đối mặt với giá năng lượng cao trong nhiều năm.

Không chỉ vậy, lục địa già cũng có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt năng lượng bởi những khó khăn trong việc thay thế nguồn cung từ Nga, giữa lúc nguồn cung ở các nơi khác cũng hạn chế và quy định không khuyến khích sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Nga cat khi dot anh 2

Châu Âu có thể gặp phải vấn đề thiếu hụt năng lượng bởi những khó khăn trong việc thay thế nguồn cung từ Nga. Ảnh: Shutterstock.

Chưa đủ

Với mức tiêu thụ giảm trong năm nay, châu Âu dự kiến đảm bảo đủ lượng khí đốt trong mùa đông này, tránh nguy cơ phải phân bổ theo định mức. Tuy nhiên, bất chấp việc EU đang tìm kiếm các nhà sản xuất thay thế hàng đầu như Mỹ, Canada và Qatar, việc đảm bảo nguồn cung cho năm tới và trong tương lai xa hơn không hề dễ dàng.

Ngay cả khi đường ống Nord Stream 1 hoạt động trở lại vào đúng thời gian như tập đoàn nhà nước Nga Gazprom đã hứa, rất ít chính trị gia và nhà kinh tế phương Tây nghĩ rằng châu Âu sẽ nhận đủ khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm tới vì cuộc đối đầu kinh tế với Moscow ngày càng gay gắt.

Hôm 30/8, tập đoàn năng lượng Engie của Pháp cho biết Gazprom sẽ cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên do tranh chấp hợp đồng.

Lượng khí đốt mà Engie nhận từ Nga, thường chiếm khoảng 17% nguồn cung hàng năm, đã giảm xuống dưới 4%, tương đương mức hàng tháng là 1,5 terawatt giờ.

Trong bối cảnh đó, đường ống dẫn khí đốt từ các khu vực khác ngoài Nga đang chảy hết công suất, và EU đang phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ các khu vực xa hơn để bù đắp sự thiếu hụt.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là chưa đủ. Họ cho biết nếu giá năng lượng vẫn tiếp tục tăng cao trong những năm tới, nó sẽ tác động đến người tiêu dùng, đẩy các công ty sử dụng nhiều năng lượng vào cảnh phá sản và làm cạn kiệt công quỹ khi các chính phủ tìm cách giảm nhẹ đòn giáng vào xã hội.

Nga cat khi dot anh 3

Rất ít chính trị gia và nhà kinh tế phương Tây nghĩ rằng châu Âu sẽ nhận đủ khí đốt tự nhiên từ Nga trong năm tới. Ảnh: AP.

Trong phạm vi châu Âu, Bỉ là một trong những nước nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất. Thủ tướng nước này, ông Alexander de Croo, cho rằng lục địa già sẽ phải gồng mình ứng phó với tình thế khó khăn trong 5 đến 10 năm.

Các nhà sản xuất khí đốt ở xa như Qatar hay Mỹ cần ít nhất hai năm để tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của châu Âu. Do nhiều quốc gia châu Âu đặt mục tiêu cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, họ ngần ngại ký hợp đồng mua LNG dài hạn với các nhà sản xuất này.

Trong khi đó, một số quốc gia giàu khí đốt như Canada không thể thúc đẩy sản xuất vì luật biến đổi khí hậu hạn chế phát thải CO2, bao gồm lệnh cấm xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Quebec, nơi có trữ lượng lớn.

Trong ngắn hạn, châu Âu đã mua LNG trên thị trường giao ngay để ứng phó tình trạng thiếu khí đốt. Hoạt động này chủ yếu diễn ra với các bên mua châu Á - những nước đã ký các thỏa thuận dài hạn, linh hoạt với nhà xuất khẩu Mỹ và bán lại những lô hàng đó cho châu Âu, nơi giá khí đốt đang tăng vọt.

“Trong sáu tháng qua, châu Âu đã trở thành trung tâm về nhu cầu khí đốt”, James Huckstepp, nhà phân tích khí đốt tại S&P Global Commodity Insights cho biết.

Kết quả là giá khí đốt châu Âu đã đảo chiều vào cuối tháng 8, sau khi một số nước cho biết đã dần lấp đầy kho dự trữ khí đốt để đủ qua mùa đông. Các nhà lãnh đạo cũng cho biết họ sẽ triển khai các biện pháp để giảm bớt cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu lục.

Giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu đạt 100 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh vào tuần trước, tăng hơn 12 lần so với một năm trước, trước khi giảm xuống mức 79,92 USD vào đầu tuần này.

Dù châu Âu có vẻ như sẽ không cạn kiệt khí đốt trong tương lai, các nhà kinh tế và chính trị gia lo ngại giá năng lượng hiện tại vẫn sẽ là phép thử đối với sự ổn định chính trị và khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.

Thách thức của châu Âu

Helen Thompson, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge, cho biết cú sốc phản ánh sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng của Nga trong nhiều thập kỷ.

“Những khó khăn này không đột nhiên xuất hiện, mà chỉ là các chính trị gia phương Tây, những người đang tranh giành nguồn năng lượng ngoài Nga, đã nhận thấy chúng thiếu hụt hoặc khó kiếm như thế nào”, bà nói.

Trong bối cảnh đó, EU đang thảo luận về các đề xuất giới hạn giá điện của toàn khối. Một số quốc gia cũng đang xem xét lại luật môi trường của nước mình vì những luật này đã đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và giảm sử dụng nhiên liệu như dầu và than đá trong nhiều năm.

Nga cat khi dot anh 4

Đức đã thuê 4 bến nổi, là những con tàu lớn neo đậu gần các cảng công nghiệp và có thể chuyển hóa LNG thành khí đốt. Ảnh: Reuters.

Đức cho biết họ sẽ tái khởi động lại các nhà máy điện than trong mùa đông này, đồng thời xem xét lại quyết định đóng cửa ba nhà máy hạt nhân cuối cùng vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, nước này vẫn chưa bỏ luật chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2040, làm phức tạp thêm nỗ lực đảm bảo nguồn cung LNG từ Qatar, nơi yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng kéo dài nhiều thập kỷ.

Do đó, Berlin có thể gặp nhiều khó khăn để làm đầy các kho chứa khí đốt sau mùa đông này, theo Sigmar Gabriel, cựu Bộ trưởng kinh tế Đức.

Châu Âu có thể dễ dàng qua mặt các quốc gia nghèo hơn để cạnh tranh mua khí đốt. Tuy nhiên, nỗ lực tích trữ LNG của Nhật Bản và Hàn Quốc trước mùa đông, cũng như nhu cầu phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đợt phong tỏa, có thể làm tăng tính cạnh tranh của cuộc đua tìm nguồn cung trên toàn cầu.

Các nhà phân tích cho biết điều này có thể tiếp tục đẩy giá khí đốt tăng cao.

Công ty tư vấn Rystad Energy cho biết ngay cả khi nguồn cung có sẵn dồi dào hơn trong thời gian ngắn, sự tắc nghẽn tại các cơ sở tái khí hóa của châu Âu sẽ hạn chế lượng LNG mà Anh và khu vực Tây Bắc Âu có thể nhận được.

Hiện Đức vẫn chưa có bến cảng lưu trữ LNG nào có thể nhận các chuyến hàng từ nước ngoài. Chính phủ đã thuê 4 bến nổi, là những con tàu lớn neo đậu gần các cảng công nghiệp và có thể chuyển hóa LNG thành khí đốt. Bến nổi thứ 5 đang được ủy thác cho một tập đoàn tư nhân.

Các bến này có công suất chứa khoảng 5 tỷ mét khối mỗi bến một năm, đồng nghĩa chúng không đủ để thay thế một nửa lượng khí đốt nhập khẩu qua đường ống Nord Stream 1 hàng năm.

Mario Levesque, chủ tịch Utica Resources Inc., một công ty thăm dò và sản xuất khí đốt Utica ở Quebec, cho biết họ sẽ mất ít nhất 18 tháng để mua tàu vận chuyển lượng khí đốt hạn chế tới châu Âu.

"Tôi không thấy có giải pháp lớn nào cho châu Âu. Họ sẽ phải cắt giảm lượng tiêu thụ", ông Levesque nói.

Gazprom cắt khí đốt tới châu Âu

Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tuyên bố sẽ đóng đường ống dẫn khí Nord Stream 1 từ 8h ngày 31/8 đến 8h ngày 3/9 (giờ Việt Nam) để bảo dưỡng, Reuters đưa tin.

Gazprom cắt giảm khí đốt sang Pháp

Tập đoàn năng lượng Pháp Engie ngày 30/8 cho biết Gazprom, tập đoàn năng lượng nhà nước Nga, tiếp tục cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên do bất đồng về hợp đồng.

Minh An

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm