Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Âu 'lạc nhịp'

Thủ tướng Ba Lan hôm 1/2 cảnh báo tình trạng nguy hiểm của châu Âu: Sự thiếu thống nhất trong lập trường và biện pháp trừng phạt nếu Nga tấn công Ukraine.

"Thống nhất" là từ được Mỹ và các nước phương Tây lặp lại nhiều lần khi nói về những biện pháp trừng phạt Nga nếu Moscow phát động tấn công Ukraine. Điều đó đồng thời phản ánh việc các nước chưa đạt đồng thuận quan điểm về ứng phó.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki hôm 1/2 lên tiếng mạnh mẽ rằng dù các nước nhất trí việc cần phải bảo vệ chủ quyền Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đang bất đồng quan điểm về cách hỗ trợ Kiev cũng như biện pháp cụ thể nhằm đáp trả động thái quân sự của Nga, theo Reuters.

“Tất cả các thành viên EU đều nhất trí rằng Ukraine cần duy trì chủ quyền của mình. Bất đồng tồn tại liên quan đến quy mô các lệnh trừng phạt chống Nga, cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đều là những chủ đề cần phải được thống nhất trong EU và NATO”, ông Morawiecki nói.

Xung đột lợi ích

Sau cuộc họp ngoại trưởng các nước EU ngày 24/1, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU, nhấn mạnh 27 thành viên và đồng minh đang bế tắc trong việc thống nhất các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Nga trong trường hợp Moscow tấn công Ukraine.

Ông Borrell nói rằng giữ bí mật cũng là một chiến lược để khiến Nga phải suy đoán. “Một phần của việc răn đe là không cung cấp thông tin. Vì vậy đừng lo lắng, nhiều biện pháp sẽ được thực hiện nếu có thể”, ông nói.

Các nhà ngoại giao không thảo luận về những vấn đề có thể gây tranh cãi, như việc sử dụng đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức, hay việc loại Nga ra khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu.

Thủ tướng Ba Lan Morawiecki cũng cho biết Đức sẽ không can dự vào cuộc xung đột này, bởi đây là quyết định của chính quyền mới. Tuy nhiên, nếu Đức từ chối hỗ trợ Ukraine, Ba Lan sẽ yêu cầu lời giải thích cụ thể từ Berlin.

Điều này dấy lên lo ngại một số quốc gia có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Nga sẽ bị xung đột lợi ý, và lưỡng lự trong các quyết định chung của EU.

Hy vọng duy nhất là sự cấp thiết phải sớm đưa ra phản ứng cụ thể, để phần nào đó thuyết phục những quốc gia tạm gạt bỏ lợi ích của riêng mình, theo Politico.

Chau Au chia re khi doi dau Nga anh 1

Ông Josep Borrell nói rằng giữ bí mật cũng là một chiến lược để khiến Nga phải suy đoán. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, trả lời trước báo giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bác bỏ việc các nước không muốn đàm phán những biện pháp cứng rắn nhất, theo CNN.

"Tôi muốn làm rõ rằng mọi thứ đều nằm trên bàn đàm phán. Không điều gì bị loại bỏ", bà Ursula von der Leyen nói.

Ủy ban châu Âu - cơ quan hành pháp của EU - được cho là chỉ đưa ra những đề xuất với các nước thành viên chỉ khi Nga có hành động chống lại Ukraine. Theo một số quan chức, việc chia sẻ tài liệu trong một buổi thảo luận mở có thể ảnh hưởng đến uy tín của EU.

Chau Au chia re khi doi dau Nga anh 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Boris Johnson tại hội nghị thượng đỉnh G7. Hai nước đã rút bớt nhân viên ngoại giao tại Ukraine. Ảnh: Politico.

Việc thiếu sự thống nhất trong khối cũng khiến EU đôi khi bị “nằm ngoài” đàm phán về vấn đề Ukraine. Cuộc họp tại Geneva ngày 10/1 chỉ có sự tham dự của Mỹ và Nga. Các nhà quan sát ngạc nhiên trước việc EU không có nhiều tiếng nói trong vấn đề Ukraine - quốc gia vốn nằm ở châu Âu.

“Điều này giống như thời kỳ hậu Thế chiến 2, khi Mỹ và Nga đang quyết định về tương lai của châu Âu, kể cả khi cuộc xung đột diễn ra ngay trên lục địa này”, ông Jacques Rupnik, trưởng nhóm nghiên cứu chính trị tại Đại học Khoa học Po, nói với DW.

Châu Âu phải “tự cứu”

Người châu Âu không khỏi lo lắng trong “thời điểm khó khăn nhất về quan hệ quốc tế mà châu Âu phải đối mặt từ sau Chiến tranh Lạnh”, ông Francois Heisbourg, nhà phân tích quốc phòng người Pháp, cho biết. “(Cuộc đàm phán tại Geneva ngày 10/1 giữa Mỹ và Nga) liên quan đến an ninh của chúng tôi, nhưng lãnh đạo chúng tôi lại không có mặt”.

Theo ông Heisbourd, một vấn đề nan giải ở châu Âu là sự lãnh đạo của Mỹ “quá nhiều cũng không được mà quá ít cũng không xong”.

Bên cạnh đó, châu Âu đang băn khoăn về “tính nhất quán” của Tổng thống Joe Biden sau thất bại tại Afghanistan, cũng như việc Mỹ dành nhiều sự quan tâm hơn cho đối thủ chiến lược Trung Quốc.

Luôn có những khác biệt về tầm nhìn toàn cầu giữa Mỹ và EU. Trong khi Washington tập trung vào Bắc Kinh, mối lo ngại chính của EU nằm ở những động thái của Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần thúc đẩy EU xây dựng lực lượng quốc phòng riêng, thay vì trông chờ vào Mỹ hay NATO. Tuy nhiên, những thành viên của khối không đồng nhất trong phản ứng với Moscow - vốn đang là nguồn cung cấp dầu và khí đốt lớn cho khu vực.

Pháp đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm 2022, với tầm nhìn đưa EU “tự chủ chiến lược” của Tổng thống Emmanuel Macron.

Điều này phần nào được thể hiện khi ông nói rằng muốn châu Âu có những cuộc đàm phán riêng với Nga, thay vì dựa vào Washington.

“Tôi nghĩ sự phối hợp giữa châu Âu và Mỹ là tốt, nhưng một điều quan trọng không kém là châu Âu nên có đối thoại riêng với Nga”, ông Macron nói.

Cuộc đàm phán không có sự tham gia của Mỹ, hay đàm phán theo thể thức Normandy - gồm Đức, Pháp, Ukraine, Nga - đã diễn ra ngày 26/1, nhưng không đạt kết quả đáng kể.

Chau Au chia re khi doi dau Nga anh 3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz được cho là muốn tăng cường đối thoại riêng với Nga. Ảnh: South China Morning Post.

Để có được tham vọng trên chính trường quốc tế, ông Rupnik đồng tình với việc EU nên trở thành một liên minh có “quyền lực cứng” - có tiềm lực quân sự và kinh tế - về địa chính trị. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi một sự đồng thuận - vốn khó xảy ra ở châu Âu hiện tại.

“Italy sẽ không bận tâm về an ninh nhiều bằng các nước phía đông như Ba Lan”, ông Rupnik nói. Những nước như Đức, Hy Lạp, Tây Ban Nha, được cho là sẽ phủ quyết chương trình huấn luyện quân sự cho các sĩ quan Ukraine.

Bà Sophie Pornschlegel, nhà phân tích chính sách cấp cao tại European Policy Center, cho biết bối cảnh thế giới hiện tại đặt ra yêu cầu các nước EU phải có sự thống nhất.

“Tình hình hiện tại cho thấy Mỹ không ngần ngại ‘ngó lơ’ châu Âu - ngay cả khi xung đột xảy ra ở một nước láng giềng của EU. Châu Âu phải nhận thức được thế giới đang bị chi phối bởi những cường quốc như Trung Quốc và Mỹ, và chúng ta phải hành động nếu không muốn bị lấn át hoàn toàn trong tương lai”, bà Pornschlegel nói.

Các ngoại trưởng EU nhấn mạnh thông điệp: “Bất kỳ hành động xâm lược quân sự nào của Nga đối với Ukraine sẽ chịu hậu quả và tổn thất nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sẽ mất một thời gian để EU thống nhất lập trường và hành động cụ thể với Moscow và Kiev.

Quân tình nguyện Ukraine sẵn sàng chiến đấu với Nga Tiểu đoàn quân tình nguyện 130 của Ukraine thường xuyên huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhằm chuẩn bị cho kịch bản đối phó với cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga.

'Con dao hai lưỡi' trong chiến lược ứng phó Nga của phương Tây

Việc Mỹ, NATO và EU liên tục công khai nhiều thông tin về Nga đã khiến Điện Kremlin phải thay đổi nhiều tính toán, song cách tiếp cận này lại mang đến nhiều rủi ro cho phương Tây.

Đức đe dọa 'giáng đòn' lên Nord Stream 2 để trừng phạt Nga

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cảnh báo “hậu quả nghiêm trọng” với Nga nếu nước này tấn công Ukraine, bao gồm trừng phạt dự án dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu.


'Got chan Achilles' cua ba Harris hinh anh

'Gót chân Achilles' của bà Harris

0

Kinh nghiệm làm công tố viên của bà Kamala Harris giờ đây lại trở thành "điểm gợn" trong cách tiếp cận báo giới, khiến ứng viên đảng Dân chủ gặp khó trong cuộc tranh cử tổng thống.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm