Châu Âu là điểm đến cuối cùng của ông Trump trong chuyến công du đầu tiên kéo dài 9 ngày. Trước đó, ông đến Saudi Arabia và Israel, cái nôi của nhiều nền tôn giáo.
Theo kế hoạch, tổng thống Mỹ sẽ tham dự cuộc gặp với lãnh đạo của các nước thành viên trong khối Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trước khi có mặt tại hội nghị của nhóm G7 tại Sicily, Italy.
Châu Âu đối mặt với một cuộc khủng hoảng kể từ khi Anh quyết định rút ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào giữa năm 2016. Vì vậy, chuyến đi đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng đến châu lục già cỗi là cơ hội và thách thức cho cả 2 bên.
Ông Trump và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ảnh: Reuters. |
Khởi đầu lạnh nhạt
Ngay từ khi tranh cử, quan điểm của ông Trump về các nước châu Âu đã có phần khác biệt so với người tiền nhiệm Barack Obama. Trong cuộc phỏng vấn với CNN hồi tháng 4/2016, ông khẳng định "Mỹ đang phải chi quá nhiều tìền và bị thổi phồng. 28 quốc gia đã thổi phồng chúng ta".
Sau đó không lâu, ông khẳng định nếu mình đắc cử, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện. Phát ngôn này khi đó lập tức khiến châu Âu “dậy sóng” và chỉ trích ông Trump bắt đầu xuất hiện.
Vài ngày trước khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Trump chỉ trích EU, ca ngợi quyết định của Anh rời khỏi liên minh này, đồng thời cho rằng sẽ có thêm nhiều nước rời khỏi EU.
Ông Trump được cho đã từ chối bắt tay bà Merkel trong chuyến thăm chính thức của bà đến Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Bên cạnh đó, ông Trump còn cho rằng Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) "lỗi thời", chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel khi mở cửa cho người tị nạn, coi đây là một "sai lầm thảm họa" có thể gây ra nguy cơ an ninh. Nhiều lãnh đạo châu Âu khi đó đã kêu gọi sự đoàn kết của cả khối và thẳng thắn bày tỏ quan ngại về “quyết định và thái độ” của chính quyền Trump.
Ông George Mason, người từng làm việc cùng ông Trump trong chiến dịch tranh cử, khẳng định tổng thống Mỹ luôn "muốn châu Âu đóng góp nhiều hơn".
Thậm chí, Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel là hai trong những nhà lãnh đạo đầu tiên thăm Mỹ sau khi ông Trump nhậm chức, nhưng vẫn không gặt hái được thành quả đáng kể.
Dù đã tỏ ra mềm mỏng hơn sau khi nhậm chức, tổng thống Mỹ vẫn đang khiến những nước châu Âu dè dặt trước khi tìm ra chính sách định hình cho quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong những năm tới. Vì vậy, cuộc gặp gỡ lần này của ông Trump và những nhà lãnh đạo EU đóng vai trò quan trọng, trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng vừa có chuyến công du thành công ở Trung Đông.
“Tôi cho rằng những nhà lãnh đạo châu Âu và ông Trump sẽ cố gắng làm quen nhau trong cuộc gặp lần này, nhưng nó sẽ giống kiểu một bữa tối Giáng sinh khi bạn phải ngồi cùng những người họ hàng mà bạn không ưa”, ông Brent Nelsen, Giáo sư về chính trị và quan hệ quốc tế của trường đại học Furman nhận định.
Quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Quan hệ giữa Mỹ và châu Âu là một mối quan hệ truyền thống và đóng vai trò quan trong quan hệ quốc tế. Quan hệ thương mại và hợp tác trong lĩnh vực an ninh sẽ là 2 trụ cột vững chắc níu châu Mỹ ở châu Âu.
Chuyên gia kinh tế Jeffrey Rathke cho biết thương mại giữa Mỹ và EU chiếm tới 46% nền kinh tế toàn cầu. Việc đàm phán hiệp định thương mại tự do mở rộng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới được bắt đầu từ thời ông Obama, hiện đã ngưng trệ.
"Chính quyền ông Trump dường như chưa có dự định tiếp tục đàm phán thương mại với châu Âu, nhưng cuộc gặp lần này sẽ là cơ hội để họ định hướng vấn đề này", ông Rathke nói.
Các nhà lãnh đạo châu Âu mong chờ cuộc gặp với tổng thống Mỹ sau hàng loạt chỉ trích và sự lạnh nhạt của ông. Ảnh: Reuters. |
Chuyến công du lần này của ông Trump diễn ra trong bối cảnh vụ khủng bố đẫm máu khiến 22 người thiệt mạng tại Manchester, Anh, đang gây rúng động châu Âu. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng tổng thống Mỹ sẽ thay đổi quan điểm về NATO và cam kết nhiều hơn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
"Vụ Manchester sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc gặp, chắc chắn tổng thống rất quan tâm với vấn đề khủng bố. Ông ấy sẽ nhấn mạnh việc tiêu diệt IS", ông Nelsen dự đoán.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh Tổng thống Trump sẽ gây áp lực với các nhà lãnh đạo NATO để họ chi trả nhiều hơn cho vấn đề phòng thủ và gánh vác nhiều hơn về tài chính của liên minh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu trông đợi chuyến đi này cũ ông Trump vì họ mong muốn kiểm chứng thái độ của tổng thống Mỹ cũng như định hình chính sách của ông. Nhưng vấn đề liên quan tới Trung Đông, Nga, thỏa thuận chống biến đổi khí hậu... sẽ là lý do để hai phía cùng ngồi vào bàn đàm phán.
Một trong những mục tiêu quan trong nhất của hội nghị G7 lần này là thuyết phục Mỹ tiếp tục tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này có thể khiến cuộc gặp của ông Trump và các nhà lãnh đạo châu Âu căng thẳng hơn, bởi tổng thống Mỹ vốn là người có quan điểm khác biệt về vấn đề môi trường.
Những ngày cuối cùng trong chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Trump được xem là khoảng thời gian thử thách nhất của chính quyền mới ở Washington, nơi đang trải qua nhiều sóng gió trong suốt khoảng thời gian vừa qua.