Mới đây, Hiệp hội hệ thống thông tin di động Toàn cầu (GSMA), đại diện cho 750 nhà mạng, đã đưa ra báo cáo thể hiện mối lo ngại về hậu quả lệnh cấm toàn diện Huawei của Mỹ.
Theo báo cáo, sản phẩm Huawei đang được các nhà mạng châu Âu mua và sử dụng rộng rãi. Nếu cấm toàn diện Huawei và ZTE, châu Âu có thể sẽ mất thêm 62 tỷ USD để triển khai phát triển công nghệ 5G. Hiện tại, 2 nhà sản xuất thiết bị lớn của Trung Quốc có thị phần chiếm hơn 40% tại châu Âu.
GSMA ước tính một nửa chi phí thay đổi vì giá đầu vào tăng, xuất phát từ sự sụt giảm cạnh tranh trên thị trường thiết bị di động. Ngoài ra, các nhà mạng còn phải thay thế cơ sở hạ tầng hiện có trước khi thực hiện nâng cấp lên 5G.
Báo cáo diễn ra sau thời điểm Mỹ liệt Huawei vào danh sách hạn chế thương mại, cấm giao dịch với các công ty công nghệ Mỹ. Sau đó, hàng loạt "gã khổng lồ" công nghệ đã dừng hợp tác với công ty Trung Quốc.
Sức ép từ các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ cũng buộc nhiều công ty châu Âu dừng hợp tác Huawei. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm các nhà mạng toàn cầu vào cuộc chạy đua ra mắt thế hệ mạng di động tiếp theo (5G).
Bên cạnh đó, Washington đã đưa ra cáo buộc Huawei có thể bị Bắc Kinh dùng để làm gián điệp, điều mà hãng công nghệ Trung Quốc liên tục bác bỏ.
Các nước châu Âu có thể tốn thêm 62 tỷ USD khi triển khai công nghệ 5G do "cấm cửa" Huawei. Ảnh: The Straits Times. |
Tuy nhiên, Nokia, hãng công nghệ đến từ Phần Lan, lại bác bỏ quan điểm của GSMA. Nokia cho biết có thể cung cấp một giải pháp kỹ thuật để giảm chi phí.
"Chúng tôi có thể phủ sóng lên thiết bị 5G của Nokia trên thiết bị 4G của nhà cung cấp khác. Giải pháp này có thể cắt giảm chi phí và độ phức tạp khi phải thay đổi nhà cung cấp", đại diện hãng công nghệ Phần Lan cho biết.
Nokia cũng thông tin trong tuần này họ đã “đánh bại” Huawei về tổng số đơn đặt hàng 5G. Trong khi đó, sự quan tâm ngày càng tăng từ các nước châu Âu đối với việc tìm nhà cung cấp thay thế.
Theo GSMA, quyết định trừng phạt Huawei của Tổng thống Trump cũng sẽ làm trì hoãn tốc độ triển khai 5G thêm 18 tháng tại châu Âu. Từ đó làm nới rộng khoảng cách giữa châu Âu và Mỹ thêm 15% vào năm 2025.
Sự chậm trễ này cũng tạo áp lực cho các nhà mạng khác như Ericsson, Nokia và Samsung vì không thể cung ứng thiết bị kịp thời khi nhu cầu tăng đột biến.