Châu Âu có thể sắp gặp khủng hoảng vì 3 trong số những nền kinh tế lớn nhất châu lục này đang cùng lúc lao dốc nhanh chóng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như đã hết nguồn lực để thúc đẩy nền kinh tế chung.
Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tuy nhiên nước này lại phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nước ngoài. Xung đột thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng xấu đến giao thương quốc tế và Đức là một trong số nạn nhân.
Hôm 7/8, Đức cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp của họ đã giảm 1,5% so với tháng 6. Công ty phân tích kinh tế Oxford Economics đã chỉ ra mọi lĩnh vực công nghiệp chính tại Đức, ngoại trừ xây dựng, đã sụt giảm chỉ số đáng kể trong tháng 7 do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 của Đức đã giảm 1,5% so với tháng 6. Ảnh: Bloomberg. |
Trong quý II, chỉ số sản xuất công nghiệp Đức giảm tới 1,9% so với quý trước đó. Các nhà kinh tế học cho rằng đây là mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ năm 2012. Chỉ số GDP cũng thể hiện phần nào sự đi xuống trong quý II khi các đơn đặt hàng sản xuất không còn nhiều như trước.
Chuyên gia kinh tế của HSBC, Stefan Schilbe khẳng định điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường lao động, và chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp đã tăng trong tháng 7.
Tình hình ở Anh quốc cũng không khá khẩm hơn. Quý II cũng đánh dấu sự sụt giảm lần đầu tại đất nước này kể từ năm 2012. Kết quả trên có thể đến từ sự không chắc chắn mà tiến trình Brexit ảnh hưởng đến nước Anh.
“Sự tự tin về tính ổn định của nền kinh tế Anh đã bị giáng một đòn chí mạng vào sáng hôm nay”, Lukman Otunuga, chuyên gia phân tích cấp cao tại Sàn giao dịch ForexTime, nhận định vào sáng 9/8.
Vị này cho rằng chỉ số GDP đáng thất vọng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc Brexit có thể kéo nền kinh tế Anh đi vào vực sâu. Kịch bản tồi tệ này có khả năng khiến Ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất sớm hơn dự đoán nhằm phục hồi nền kinh tế đất nước.
Tiến trình Brexit có thể đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế Anh. Ảnh: Reuters. |
Cũng vào hôm 9/8, khi Phó thủ tướng Italy Matteo Salvini kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm trong Chính phủ, khiến thị trường lao dốc và lãi suất trái phiếu tăng vọt. Tỷ lệ nợ của Italy trên GDP đã hơn 130%, mức cao nhất trong lịch sử quốc gia này.
Hiện có rất ít giải pháp mà chính phủ Italy có thể lựa chọn để ngăn chặn tỷ lệ nợ đất nước tăng cao. Cả 3 phương án bao gồm tăng trưởng GDP, “thắt lưng buộc bụng” tài chính quốc gia và tăng lạm phát đều không thể thực hiện hoặc không đem lại hiệu quả.
Cơ quan tư vấn Capital Economics đánh giá Italy cuối cùng sẽ buộc phải tái cơ cấu nợ hoặc vỡ nợ hoàn toàn.
Câu hỏi ngay lúc này là liệu ECB sẽ làm gì để xoay chuyển tình thế. Họ có thể hạ lãi suất trong tháng 9 và nới lỏng chính sách tiền tệ để giảm bớt áp lực cho châu Âu. Nhưng giới chuyên gia không đánh giá cao những phương án này.