Động lực sau các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang lung lay. Ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) tung ra biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất - cấm vận một phần dầu nhập khẩu từ Nga - khối vẫn đặt ra những ngoại lệ như không cấm dầu của Nga vận chuyển bằng đường ống.
"Nếu lệnh cấm của EU có quá nhiều ngoại lệ, phần còn lại của thế giới sẽ nhìn ra vấn đề", một nhà ngoại giao EU nói với Politico hồi tháng 4.
Một số chuyên gia năng lượng cảnh báo những thỏa hiệp với từng thành viên EU để thông qua lệnh trừng phạt có thể giảm hiệu quả, khi Nga trên thực tế vẫn có thể kiếm doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ qua EU thông qua các đường ống.
Phản ứng ngược từ các lệnh trừng phạt
Lập trường cứng rắn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban khi ngăn các lệnh cấm của EU trước đây được xem là nhân tố khiến liên minh chia rẽ, theo Lionel Laurent, nhà báo của hãng Bloomberg.
Tuy vậy, nguy cơ châu Âu “mệt mỏi” sau các lệnh trừng phạt không chỉ dừng lại bởi riêng Budapest.
Cái giá phải trả khi nhắm vào năng lượng từ Nga đang khiến nhiều nhà lãnh đạo phải đắn đo, đặc biệt khi lạm phát tăng cao và nền kinh tế chậm lại. Trong khi đó, Nga vẫn có những bước tiến trên thực địa cũng như dần lấy lại động lực kinh tế sau hơn 100 ngày giao tranh tại Ukraine.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas muốn phương Tây tiếp tục thắt chặt các lệnh trừng phạt, song bà thừa nhận mọi thứ sẽ “khó khăn hơn” từ bây giờ, đặc biệt châu Âu khó có khả năng cấm vận khí đốt từ Nga trong thời gian ngắn. Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nói rằng đây là lúc "tạm nghỉ", hoặc cần có cách tiếp cận khác.
Một phần đường ống dẫn dầu Druzhba giữa Hungary và Nga đặt tại Hungary để nước này nhập khẩu dầu từ Moscow. Ảnh: Reuters. |
Không dễ để khắc phục tình trạng mệt mỏi sau các lệnh trừng phạt. “Vũ khí kinh tế” là một công cụ không hoàn hảo, được thực hiện chắp vá nhưng gây ra hậu quả khôn lường, theo ông Laurent.
Những đòn trừng phạt với quy mô chưa từng có nhắm vào hệ thống tài chính, hàng không và thương mại của Nga, dự kiến khiến GDP của Moscow giảm 10% trong năm nay, song điều đó chưa làm quốc gia này chùn bước tại Ukraine.
Các lệnh trừng phạt còn gây ra tác dụng phụ. Giá năng lượng tăng cao khiến Nga càng có thêm nguồn thu, trong khi các bên nhập khẩu, phần lớn là châu Âu, phải chịu ảnh hưởng. Theo ước tính của Bloomberg Economics, doanh thu dầu mỏ và khí đốt của Nga sẽ đạt 285 tỷ USD vào năm nay.
Thách thức tính đoàn kết
Dù trong dài hạn, việc áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh hơn và nhanh hơn có thể là câu trả lời của EU, điều quan trọng là phải ổn định nền kinh tế nội địa.
Tập đoàn Barclays, ngân hàng toàn cầu có trụ sở tại Anh, ước tính một lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt từ Nga có thể giảm GDP của khu vực đồng euro 4% so với kịch bản ban đầu.
Nếu không hỗ trợ các hộ gia đình, nhận định của Thủ tướng Orban - người ví các biện pháp trừng phạt dầu mỏ như một “quả bom hạt nhân” thả vào nền kinh tế Hungary - sẽ lan rộng.
Xung đột Nga - Ukraine được cho là sẽ thách thức tính đoàn kết của EU khi hoạch định chính sách và các lệnh trừng phạt Moscow. Ảnh: AP. |
Một khảo sát của YouGov từ tháng 4 cho thấy dư luận châu Âu có nhiều ý kiến trái chiều. Hơn 30% số người được khảo sát ở 7 nước, bao gồm Tây Ban Nha và Italy, ủng hộ đầu tư vào thương mại và ngoại giao với Nga, thay vì đầu tư quốc phòng và an ninh.
Khi nền kinh tế không tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”, tâm lý của công chúng có thể thay đổi.
Nếu xung đột tại Ukraine là một bài thử về tinh thần, phương Tây và EU đang có lợi thế về nguồn lực và nhân lực, theo Miguel Otero Iglesias, nhà phân tích cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoàng gia Elcano (Tây Ban Nha).
Dù vậy, bài thử này cần đi kèm với nhu cầu bảo vệ những tầng lớp yếu thế trong xã hội, và chính sách hỗ trợ kinh tế là “lẽ tất yếu”, ông Iglesias nhấn mạnh.
Các biện pháp hỗ trợ mà châu Âu từng áp dụng trong đại dịch Covid-19 có thể được EU áp dụng cho các bước đi tiếp theo.
Chẳng hạn thông qua cơ cấu đi vay chung của quỹ phục hồi EU hoặc khoản vay như quỹ Hỗ trợ tạm thời để giảm thiểu rủi ro thất nghiệp trong trường hợp khẩn cấp (gọi tắt là SURE). Những biện pháp này được EU thông qua trong thời điểm Covid-19 bùng phát để bảo vệ việc làm cho người lao động.
Với EU, đoàn kết là sức mạnh để khối đối mặt với những thách thức hiện tại, trong thời điểm lãi suất tăng và tình hình tài chính công mong manh, đặc biệt khi Nga bắt đầu ngừng cấp khí đốt cho những quốc gia không thanh toán bằng đồng ruble như Moscow yêu cầu.