Ảnh minh họa ứng dụng ChatGPT. Nguồn: Shutterstock. |
Gavin Brachaman (sinh sống tại Anh) đã thử sử dụng ChatGPT để viết những câu chuyện kể trước khi ngủ cho hai đứa con của mình. Anh nhập liệu: "Viết cho tôi một câu chuyện dài 1.000 từ cho hai đứa trẻ lần lượt là 7 và 4 tuổi. Trong câu chuyện có bao gồm nhân vật biến hình, Merkittycorn, nửa mèo nửa cá. Tên cô ấy là Elsa, có sức mạnh giống trong phim Frozen". Kết quả ChatGPT đưa ra khiến Brachaman bất ngờ.
Chat GPT có khả năng viết truyện như nào
Brachaman nhận thấy những câu chuyện do ChatGPT viết khá hài hước, nó khiến đám trẻ phải bật cười ở những câu đùa hóm hỉnh mặc dù chúng không thể xuất sắc như các tác phẩm đoạt giải Newbery.
"Một ngày nọ, khi nhóm thám hiểm đang khám phá một khu rừng rậm rạp, họ bắt gặp một con khủng long bạo chúa T-Rex. T-Rex tức giận và đói, và anh ta không vui khi nhìn thấy chúng. Nhưng Bumble nhanh chóng biến thành một chiếc bánh sandwich khổng lồ, đánh lạc hướng T-Rex đủ lâu để những con khác trốn thoát", một đoạn văn do ChatGPT viết.
Dù vậy, Brachaman vẫn đánh giá rằng nhiều câu thoại của chatGPT viết ra sáo rỗng. Việc sử dụng các ngôn ngữ tượng hình bị hạn chế và nhân vật thiếu chiều sâu. Brachaman chỉ coi ChatGPT như một công cụ để giúp con cái của anh có thể tưởng tượng ra các nhân vật và bắt đầu một câu chuyện của riêng mình.
Ammaar Reshi (29 tuổi, sinh sống tại London, Anh) từng dùng ChatGPT để viết cuốn sách mang tên Alice and Sparkle. Ảnh: BuzzFeed. |
Sau khi đăng tải mẩu chuyện này lên trang Instagram cá nhân, Brachaman nhận lại được rất nhiều phản hồi, có cả tích cực lẫn tiêu cực. Một số người cho rằng đây là một hoạt động khá thú vị và vô hại. Nhưng số khác lại nhận định việc làm của Brachaman đang bóp nghẹt sự sáng tạo và sử dụng người máy để nuôi dạy con cái mình.
Sau sự việc trên, Marie Holmes (biên tập viên của tờ Huffingtonpost) đã thử viết một câu chuyện khác bằng ChatGPT. Sau khi nhận dữ liệu, phần mềm này cho ra câu chuyện kể về một nàng công chúa kỳ lân trải qua khó khăn đã hiểu được rằng tình bạn đáng giá hơn những thứ vật chất.
Holmes đọc toàn bộ những thứ ChatGPT trả về cho mình và nhận thấy chúng có quá nhiều câu nói vô nghĩa và lối hành văn theo kiểu thổ lộ nội tâm hơn là mô tả cảm xúc qua diễn tiến câu chuyện.
ChatGPT có thể giúp ích gì cho trẻ
Frank Milner, chủ tịch của dịch vụ gia sư Tutor Doctor chia sẻ về việc sử dụng chat GPT trong việc sáng tạo ra nội dung cho trẻ em: "Các phụ huynh nên đưa ra thêm đặc điểm nhân vật, bối cảnh, cốt truyện. Từ khóa càng nhiều, ChatGPT sẽ dễ đưa ra sản phẩm đúng với mong muốn hơn". Milner cũng đưa ra những ví dụ để cha mẹ có thể thử nghiệm với ChatGPT.
Chẳng hạn trẻ em có thể thảo luận về các vấn đề môi trường với ChatGPT và đưa ra các giải pháp về ô nhiễm và tính bền vững, yêu cầu ChatGPT đố vui để giúp họ học bài kiểm tra, tạo công thức và chế biến món ăn... Có rất nhiều hoạt động thử nghiệm thú vị trẻ em và phụ huynh có thể làm với ChatGPT bên cạnh việc viết truyện.
TS Bibi Pirayesh (chuyên ngành tâm lý học phát triển tại Đại học Columbia) cho rằng, ChatGPT có thể hỗ trợ trẻ có khiếm khuyết trong quá trình học tập. Tiêu biểu là nhóm trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, rối loạn phổ tự kỷ. Nhờ trí tuệ nhân tạo, nhóm trẻ này có thể giúp họ tạo lập thành các đoạn văn hoàn chỉnh và sử dụng đúng nghĩa của từ hơn.
Các phần viết sẽ được chấm theo một thang điểm riêng, giáo viên có thể sử dụng ChatGPT để viết những bài tập cho các học sinh này. Nhìn chung, AI trở thành một cầu nối, phương tiện tạo ra sự công bằng cho các nhóm khiếm khuyết khả năng học tập. Nhưng với suy nghĩ hiện nay, khi giáo viên gọi học sinh là gian lận khi sử dụng ChatGPT để làm bài tập, rất khó để thay đổi định kiến về trí tuệ nhân tạo.
Jim Steyer, giám đốc điều hành của Common Sense Media (một tổ chức nghiên cứu và vận động phi lợi nhuận tập trung vào trẻ em và gia đình), nhận định rằng các bậc cha mẹ nên bắt đầu làm quen và cảm thấy thoải mái với ChatGPT và các nền tảng AI khác. Cuộc tranh cãi về việc phụ huynh sử dụng ChatGPT cùng con không khác gì những năm mạng xã hội ra đời. Điều này khiến Steyer liên tưởng tới những gì chủ tịch APA viết về việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
"Mạng xã hội vốn dĩ không có hại cũng không có lợi cho trẻ em. Nhưng vì những đứa trẻ trưởng thành ở các tốc độ khác nhau, nên một số người dễ bị tổn thương hơn những người khác trước nội dung và tính năng trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội. Điều này được khoa học chứng minh rằng chúng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ", Chủ tịch APA Thema Bryant viết trong Bộ quy tắc ứng xử với mạng xã hội cho trẻ em.
Theo khảo sát của Common Sense Media năm 2023, 58% học sinh từ 12 đến 18 tuổi tại Mỹ đã sử dụng ChatGPT để viết một bài luận về vở kịch của Shakespeare hoặc soạn thảo biên bản pháp lý có vẻ rất giống với những gì con người có thể tạo ra. Trong khi chỉ một phần ba số phụ huynh đã sử dụng công nghệ này một lần. Chỉ có khoảng 30% phụ huynh đã nghe nhiều về ChatGPT, so với 54% học sinh.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng