Vào Tiết Thanh Minh, ngày mọi người tảo mộ những thành viên gia đình quá cố, chị Teresa Lee, 30 tuổi, không biết phải tìm đến đâu khi muốn tưởng nhớ đứa con trai không bao giờ chào đời.
Theo South China Morning Post, tháng 1/2017, một ngày sau ngày bác sĩ xác nhận thai nhi 26 tuần đã chết lưu, bé Ethan được đưa ra khỏi bụng mẹ nhờ đẻ can thiệp. 10 phút trôi qua sau khi chị Lee tỉnh cơn mê, bác sĩ hỏi hai vợ chồng có muốn nhận thi hài về và lo hậu sự.
Choáng váng. Đau đớn. Chị Lee đặt lựa chọn vào tay người chồng. Anh quyết định từ chối lời đề nghị của bác sĩ, với suy nghĩ rằng lựa chọn này sẽ giúp họ bớt đau khổ hơn.
Nhưng đây lại là một quyết định khiến họ phải hối hận.
Nỗi nhớ con không nơi gửi gắm
“Tôi nhớ con nhiều. Nhưng tôi không có bất kỳ đồ vật gì mà thằng bé từng dùng. Nếu chúng tôi đã chôn con ở đâu đó thì tôi sẽ cảm thấy gần với con hơn”, chị Lee giãi bày.
Đến tận bây giờ, chị vẫn chưa hồi phục hoàn toàn từ chứng độc huyết nghiêm trọng - chứng bệnh vi khuẩn gây nhiễm độc máu trong thời kỳ thai nghén. Chính chứng bệnh này đã khiến chị mất đi đứa con đầu lòng.
Chị Teresa Lee mang theo đôi giày sắm cho con trai Ethan trong những chuyến đi du lịch của mình. Ảnh: Handout. |
“Mất con là nỗi đau dài cả đời. Nhưng tôi không có bất kỳ kỷ vật nào để có thể gửi gắm đau khổ”, chị nói.
Tất cả những gì chị có là một đôi giày trẻ em màu xanh nhạt chị mang theo mỗi khi đi du lịch và chụp ảnh chúng, như thể chị đang đưa con trai đi ngắm nhìn thế giới.
Chị Lee không phải là người duy nhất phải nỗi đau mất con.
Tháng 5/2017, trong dịp Ngày của Mẹ, rơi đúng gần sinh nhật chị và có lẽ cũng là ngày sinh nhật của Ethan, chị Lee tổ chức một nhóm với 5 người bạn có hoàn cảnh tương tự.
8 giờ sau khi họ đăng thông báo trên các diễn đàn dành cho cha mẹ tại địa phương, số lượng thành viên nhóm nhân lên gấp 10 lần. Hiện nay, mạng lưới này có khoảng 450 phụ nữ có con chết non.
Những người phụ nữ này có chung một câu hỏi: làm thế nào để mai táng thai nhi đúng cách?
Nỗi đau kéo dài, ai thấu?
Hospital Authority, đơn vị quản lý toàn bộ bệnh viện tại Hong Kong, chỉ công nhận trẻ chào đời sau 24 tuần mang thai là sinh non. Đồng thời, chỉ được phép hỏa táng hoặc chôn cất những thai nhi được chứng nhận mất do sinh non tại các cơ sở công cộng. Hành vi chôn thai nhi chết non mà chưa được chứng nhận có thể bị phạt tiền gần 255 USD, hoặc phạt tù 6 tháng, theo Pháp lệnh về Đăng ký Khai sinh và Khai tử.
Trong khi đó, bào thai mất trong 24 tuần đầu thai kỳ được gọi là sảy thai, và được coi là “chất thải y tế”. Tức là, dù sản phụ và gia đình có nhận lại thai nhi hay không, thì các thai nhi vẫn phải do các cơ sở có giấy phép xử lý, thay vì dịch vụ lễ tang bình thường.
Mục sư Dominic Chan, Tổng giám mục giáo phận Công giáo tại Hong Kong. Ảnh: Nora Tam. |
Chỉ đến mùa hè năm ngoái, Nghĩa trang Công giáo Thánh giá (Holy Cross Catholic Cemetery) tại Chai Wan mở khu chôn cất đầu tiên dành cho thai nhi bị sảy, với giấy phép đặc biệt cấp bởi Phòng Quản lý An toàn Thực phẩm và Môi trường.
Tổng giám mục Dominic Chan Chi Ming nói với Post rằng trong giai đoạn đầu tiên, Angel Garden (tạm dịch: Khu vườn Thiên thần) có khoảng 200 chỗ nhưng mới chỉ có 11 chỗ được đặt.
“Không phải là mọi người không cần đến nó. Chỉ là các cặp cha mẹ thường không biết đến lựa chọn này”, Đức cha nói.
Theo chị Lee, hành trình dài và đau đớn của các bậc cha mẹ bắt đầu từ bệnh viện, nơi họ không được cung cấp thông tin đầy đủ, dẫn đến cảm giác bất lực và những quyết định khiến họ phải hối hận.
Trong nhóm của chị Lee, có 180 bà mẹ bị sảy thai sau tuần thứ 12 của thai kỳ, nhưng chỉ 15 người nhận lại thai nhi.
“Nhân viên y tế không ủng hộ chúng tôi nhận lại thai nhi”, chị Lee nói. “Nếu các nhân viên nói với các sản phụ rằng con của họ sẽ bị đối xử như rác y tế, thì nhiều bà mẹ hẳn đã nhận lại đứa trẻ”.
Nghĩa trang Công giáo Thánh giá tại Chai Wan. Ảnh: Jonathan Wong. |
Nếu gia đình Lee quyết định đưa Ethan về nhà và yêu cầu cấp chứng nhận sinh non, họ có thể vẫn phải chôn đứa bé, vì các nhà hỏa táng tại Hong Kong không được thiết kế cho các thai nhi. Người mẹ sợ rằng hình hài nhỏ bé sẽ không để lại tro trong mức nhiệt của ngọn lửa.
Vấn đề thậm chí còn trở nên phức tạp hơn với những bào thai bị sảy trước tuần 24 không được chứng nhận để chôn cất tại những nơi công cộng.
Từ năm 2015 đến giữa năm 2017, có 23 bào thai được cha mẹ nhận lại. trong số đó, 15 bào thai được chôn tại nghĩa trang tư nhân và số còn lại hỏa táng tại các cơ sở tư nhân, theo Hospital Authority. Trong cả năm 2017, chính quyền xác nhận 23 trường hợp nhận lại bào thai, 2 trường hợp từ chối.
Cả bào thai bị sảy và các thai nhi chết non đều không đủ điều kiện cấp giấy chứng tử từ Cơ quan Nhập cư. Do đó, khắc trên bia mộ của những đứa trẻ không phải là cái tên cha mẹ đặt mà là dòng chữ “con gái/con trai/thai nhi của ai đó".
Nỗ lực chung tay giúp đỡ
Ng Sze Yuen, giám đốc mục vụ dịch vụ tang lễ White Lily, nói rằng ông từng yêu cầu thợ khắc tên đứa bé bên cạnh dòng chữ bắt buộc trên bia mộ. “Chúng ta cũng thường khắc những từ như ‘trong vòng tay của Chúa’ trên bia mộ mà”, ông Ng chia sẻ.
Đức cha Chan tiến một bước xa hơn.
“Nếu được phép, chúng tôi sẽ xây nhiều bức tường cạnh Angel Garden, và mỗi viên gạch sẽ mang tên và những ngày quan trọng của thai nhi”, Đức cha nói.
Vì thi hài sẽ phân hủy hoàn toàn trong 5, 6 năm, Đức cha cho biết bia mộ các bé sẽ được chuyển sang phía bức tường và các gia đình khác sau đó có thể tiếp tục sử dụng khu đất.
Dù Angel Garden là một giải pháp cho nhiều cặp cha mẹ, mới chỉ có các gia đình theo đạo tìm tới đây.
Ông Ng Sze Yuen, giám đốc mục vụ dịch vụ tang lễ White Lily. Ảnh: White Lily. |
Ông Ng nói với Post rằng nghĩa trang Cơ đốc tại Tao Fong Shan, Khu Tân Giới, đang xin phép Phòng Quản lý An toàn Thực phẩm và Môi trường xây dựng Angel Garden riêng của họ.
“Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nếu chính quyền sửa đổi pháp lệnh và cho phép cấp chứng nhận riêng cho những thai nhi mất trước tuần 24 của thai kỳ”, Đức cha Chan nói.
Yu Kai Man, phát ngôn viên của Đại học Sản khoa và Phụ khoa, cho rằng trọng tâm nằm ở “vấn đề pháp lý chứ không phải vấn đề y học”.
“Ranh giới đặt ra ở tuần 24, vì nhìn từ khía cạnh y học, những đứa trẻ sinh ra trước đó ít có khả năng sống sót, và một khi những thai nhi này được xác định là chất thải y tế theo luật thì cả dịch vụ lễ tang hay y tế đều bó tay”, ông Yu giải thích.
“Cả cha mẹ và bác sĩ cũng đều khó chấp nhận việc coi đứa bé là rác thải y tế, nhưng chúng ta có thể thay đổi luật tại Hong Kong bằng cách nào?”
Cục Thực Phẩm và Y tế vẫn chưa phản hồi câu hỏi của Post.