Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chật vật kinh doanh đồ ăn trên ứng dụng

Việc bán đồ ăn trên app lợi nhuận dần thu hẹp nhưng với xu hướng đặt hàng online ngày càng bùng nổ, đây vẫn là cách nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh áp dụng.

Hai năm trước, chị Nguyễn Thị Hồng (quán Cô Hồng, phố Đội Cấn, Hà Nội) chỉ bán hàng buổi trưa. Buổi chiều, chị túc tắc dọn dẹp, chuẩn bị hàng cho ngày hôm sau.

Vợ chồng chị cũng đã lớn tuổi, quán chuyên bán bún chả, nem rán nên hầu hết chỉ bán cho khách đến ăn tại quán và mua về. Chị chưa biết cách và cũng không nghĩ đến việc bán hàng online trên các ứng dụng như Grab, Beamin, Gojek, Shopeefood…

Nhưng khi có dịch Covid-19, khách hàng thưa vắng hơn trước, chị đã phải chuyển sang bán hàng cả buổi tối và có gian hàng bán trên app.

"Tôi phải thích nghi thôi, trên ứng dụng có thêm khách hàng nhưng mỗi suất sẽ phải tăng giá so với khách đến mua trực tiếp, để còn bù vào chi phí trả cho app và các chi phí khác kèm theo như túi, hộp đựng, thìa đũa dùng một lần", chị Hồng cho hay.

mua do an online anh 1

Nhiều chủ cửa hàng phải chuyển sang bán qua app để tăng doanh thu.

Bán hàng trên các ứng dụng đã trở thành một trong những nguồn thu song song doanh thu từ khách hàng trực tiếp của nhiều nhà hàng, quán ăn. Thậm chí, hiện tại, có nhiều hàng, quán chỉ bán trên các nền tảng online.

Hình thức mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nơi đã tạo cơ hội cho những người bán hàng tại nhà, trong các ngõ nhỏ… tiếp cận được với khách hàng. Nhưng với chính sách thu phí dịch vụ, chiết khấu… ngày càng tăng của các app giao hàng, đặc biệt là thời gian gần đây, công việc của người bán hàng online trở nên khó khăn hơn.

Bán chè và một số món ăn vặt trong một con ngõ tại đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chị Hoàng Thị Thanh đã mở gian hàng tại 3 app khác nhau.

Chị cho biết, khi mới mở gian hàng online, mức chiết khấu app áp dụng là 20% - 25% cho mỗi đơn hàng, tùy theo từng ứng dụng. Từ tháng 5/2022, mức chiết khấu cho mỗi đơn hàng tăng thêm 5%.

Như vậy, nếu đơn hàng trị giá 100.000 đồng, chị sẽ phải trả cho app 25.000-30.000 đồng. Trong khi, giá nguyên liệu đầu vào tăng, số lãi thu về đã ít lại càng ít.

mua do an online anh 2

Người bán giờ phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngay trên app.

"Các món ăn vặt có giá bán thấp, chỉ khoảng hai mươi, ba mươi ngàn đồng. Tôi chỉ dám lấy công làm lãi. Giờ chi phí tăng nhưng tăng giá rất khó, vì các món này vốn mặc định là giá rẻ, bán giá cao, khách sẽ không đặt mua mà giữ nguyên giá thì chẳng còn lãi", chị Thanh cho biết.

"Ứng dụng giao đồ ăn giúp người bán tiết kiệm được chi phí mặt bằng, nhân công, quảng cáo. Nhưng không phải cứ lập một gian hàng trên ứng dụng giao đồ ăn là có khách hàng ngay, mà cần phải dày công xây dựng và tốn chi phí để duy trì", chị Phạm Ngọc Trang (Tiệm pizza online ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết.

Theo chị Trang, người bán giờ phải cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ ngay trên app. Để cửa hàng của mình được nhiều khách hàng biết đến, bên cạnh việc có một menu hấp dẫn, duy trì chất lượng ổn định, đóng gói đẹp mắt, cẩn thận để nhận được đánh giá tốt của khách hàng, khi bước vào "sàn đấu" bán hàng trên app này, cửa hàng cũng phải nghiên cứu, tung ra các chính sách giảm giá hoặc combo khuyến mãi hấp dẫn.

Đây thực sự là một cuộc cạnh tranh dài hơi, bởi tâm lý khách hàng thường thích được khuyến mãi và chờ khuyến mãi mới đặt đồ. Vì vậy, nếu không chạy ưu đãi thường xuyên hoặc ưu đãi của cửa hàng không đủ sức hấp dẫn, người bán sẽ không giữ được khách.

Việc bán đồ ăn online trên app lợi nhuận ngày càng thu hẹp nhưng với xu hướng đặt hàng online ngày càng bùng nổ như hiện tại, đây vẫn là cách nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh áp dụng để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng.

https://phunuvietnam.vn/chat-vat-kinh-doanh-do-an-tren-ung-dung-20220610140849092.htm

Theo Anh Quân/ Phụ Nữ Việt Nam

Bạn có thể quan tâm