Mỗi buổi sáng, Minh Thanh (29 tuổi, TP Thủ Đức) đều thức dậy sớm hơn 30 phút để đi bộ từ chung cư ra đường Phạm Văn Đồng. Từ đây, anh sẽ bắt xe bus đến văn phòng ở quận 1, TP.HCM. Kể từ khi giá xăng liên tục tăng leo thang và chạm mốc 30.650 đồng/lít, Minh Thanh chuyển sang đi xe bus để tiết kiệm tiền. Nếu vẫn đi làm bằng xe máy, anh tính toán mình có thể tốn 1-1,5 triệu đồng tiền xăng mỗi tháng, cao gấp 2-3 lần trước đây.
Ngọc An (22 tuổi) cũng đau đầu tìm cách cân đối chi tiêu khi giá cả leo thang. Mức lương chỉ 6 triệu đồng/tháng khiến cô phải cân nhắc chi tiêu từ những thứ rất nhỏ như ăn một bữa cơm, đi một cuốc xe ôm công nghệ.
“Món mỳ Quảng tôi yêu thích ở quán quen gần nhà đã tăng 10.000 đồng/tô so với năm ngoái. Đi một cuốc xe từ nhà đến chỗ làm cũng đắt hơn 10.000-15.000 đồng".
Cuộc sống của người dân và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đều gặp áp lực vì giá xăng tăng. |
Doanh nghiệp F&B sợ mất khách nếu tăng giá
Không chỉ Minh Thanh hay Ngọc An, nhiều người dân và cả các doanh nghiệp đều bày tỏ sự lo ngại khi giá xăng tăng kéo theo giá nguyên vật liệu tăng, làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.
Báo cáo kinh tế thường kỳ của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố nhận định áp lực lạm phát đang gia tăng rất mạnh. Chỉ số giá sản xuất (PPI), chỉ số giá nguyên liệu cho sản xuất cho thấy xu hướng tăng giá sản xuất khá rõ. Ông Lê Đình Hội, Tổng giám đốc điều hành Công ty QSR Việt Nam - đơn vị sở hữu 130 nhà hàng kinh doanh các chuỗi thương hiệu Dairy Queen, The Pizza Company, AKA House, Holy Crab, The Coffee Club chia sẻ ngành F&B đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi giá xăng liên tục tăng.
“Giá cả leo thang đang ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt là của ngành F&B. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhà cung cấp cũng đã yêu cầu phải điều chỉnh giá. Điều này tạo áp lực rất lớn lên doanh nghiệp", ông Hội nói.
Trước đây chúng tôi lời nhiều để phục vụ số ít, giờ thì phải chấp nhận lời ít để phục vụ số đông
Đại diện Vua Cua
Đại diện chuỗi Vua Cua cũng khẳng định việc kinh doanh của họ gặp khó khăn khi giá xăng tăng.
“Khó khăn dễ thấy nhất là giá cước giao hàng tăng. Bình thường, chúng tôi dùng dịch vụ vận chuyển của các đối tác thứ 3. Giá một cuốc giao hàng đã tăng từ 5.000-10.000 đồng. Các nguyên vật liệu đầu vào như dầu ăn, gas cũng tăng kéo theo áp lực về chi phí”.
Tuy nhiên, vị này cho hay hiện vẫn chưa thể tăng giá món ăn vì lo sợ khách hàng sẽ quay lưng.
“Người tiêu dùng cũng gặp rất nhiều áp lực vì thu nhập vẫn giữ nguyên, thậm chí giảm nhưng giá cả lại leo thang. Nếu chúng tôi tăng giá, họ sẽ tìm đến một lựa chọn khác".
Thương hiệu này hiện chú trọng nhượng quyền mô hình Vua Cua Express với các xe bán hàng để giảm thiểu tối đa chi phí vận hành. “Trước đây chúng tôi lời nhiều để phục vụ số ít, giờ thì phải chấp nhận lời ít để phục vụ số đông. Đây cũng là đường hướng để doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn".
Không chỉ các doanh nghiệp lớn, những quán ăn nhỏ lẻ cũng phải tìm cách co kéo các chi phí để giữ nguyên mức giá.
Chị Thanh Hương - chủ một quán bún trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận chia sẻ: “Phần lớn khách đến ăn ở quán là người lao động phổ thông, thu nhập thấp và mới chỉ dần ổn định lại cuộc sống sau dịch Covid-19. Nếu tăng giá bán, tôi lo sợ sẽ mất khách. Trước mắt, tôi giải quyết bằng cách tìm các nguồn nguyên liệu giá cả phải chăng hơn, bán nước uống kèm theo đồ ăn để tận dụng mặt bằng và nhân công".
Quán ăn trên đường Phan Xích Long không tăng giá nhưng thừa nhận phải co kéo chi phí để tiếp tục kinh doanh. Ảnh: Diệu Thanh. |
Quán của chị Hương đã dán một tấm bảng nhỏ thông báo không tăng giá và mong khách hàng ủng hộ nhiều hơn để giữ vững việc buôn bán.
Doanh nghiệp vận tải “tiến thoái lưỡng nan”
Giá xăng liên tục tăng cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải “điêu đứng".
Ông Tạ Long Hỷ - Tổng giám đốc công ty Vinasun chia sẻ: "Xăng dầu là máu huyết của ngành vận tải nên giá xăng tăng cao chắc chắn ảnh hưởng rất lớn tới doanh nghiệp".
Theo ông Hỷ, doanh nghiệp chỉ có 2 lựa chọn là hạn chế kinh doanh hoặc tăng giá cước. Tuy nhiên, việc tăng giá cước sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và tạo hệ lụy liên hoàn đến các lĩnh vực khác.
"Hiện tại, Vinasun chưa tăng cước phí và đang 'còng lưng' gánh các loại chi phí. Ngoài ra, để tài xế yên tâm làm việc, chúng tôi còn hỗ trợ tiền xăng tuỳ theo loại xe, có thể hỗ trợ 1%, 2%, 3% thậm chí 3,5% doanh thu".
Doanh nghiệp đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” vì tăng giá sẽ mất khách, nhưng không tăng giá thì phải oằn mình gánh các chi phí
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội
Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội - cho biết: “Ngành vận tải mới chỉ khôi phục được một thời gian rất ngắn và đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi giá xăng liên tục tăng. Đi kèm với giá xăng tăng là giá vật tư, lương bổng cũng tăng. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp còn đang thiếu nhân sự do lái xe đã chuyển ngành trong thời gian dịch bệnh”.
Ông Hùng khẳng định thêm các doanh nghiệp đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” vì tăng giá sẽ mất khách nhưng không tăng giá thì phải oằn mình gánh các chi phí.
Doanh nghiệp vận tải "điêu đứng" vì xăng liên tục tăng giá. |
“Hoạt động vận tải chỉ tăng đột biến vào các dịp lễ lớn vì hành khách có nhu cầu về quê, đi du lịch nên hiện tại, các doanh nghiệp đều đang hoạt động cầm chừng" - ông cho biết.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam - giải thích thế khó của doanh nghiệp vận tải nếu tăng giá cước: “Mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải tính toán nhiều đến các vấn đề liên quan như điều chỉnh hợp đồng trong vận tải hàng hóa, vận tải hành khách phải điều chỉnh đồng hồ tính cước, in lại vé xe…Vậy nên, việc tăng giá cước phải được cân nhắc rất kỹ lưỡng".