Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chất văn trong con người Nguyễn Minh Châu

Chất văn trong con người Nguyễn Minh Châu bắt nguồn từ một khả năng rất cần cho các nghệ sĩ. Đó là luôn biết nhìn sự vật xảy ra một cách mới mẻ.

Nhân đây tôi muốn phác hoạ lại vài nét về con người nhà văn mà đối với tôi, như sinh ra để viết văn và dù chưa xác định là nhà văn nhỏ hay nhà văn lớn thì chắc chắn đã là một nhà văn theo đúng nghĩa của hai chữ ấy.

Nghệ sĩ và thời đại

Xuân Thiều - cây bút có thời gian là bạn nối khố của tác giả Dấu chân người lính - kể lại rằng lần đầu gặp Nguyễn Minh Châu chỉ nhớ đó là một chàng trai tầm thước trắng trẻo có nụ cười rất tươi tuy dáng vẻ còn bẽn lẽn.

Quả thật chất thư sinh là một cái gì thấy rõ ở nhà văn này, chất thư sinh mà chúng ta thường bắt gặp ở những chàng trai gia đình không hẳn là giàu có nhưng ngay trong thời Pháp thuộc đã được cắp sách tới trường và biết say mê với vẻ đẹp tinh thần của con người: Họ sinh ra để cảm thụ đời sống hơn là để hành động.

Còn nhớ một trong những nhân vật chính của Dấu chân người lính chính là anh chàng Lữ, một cậu học sinh có nhiều chất thi sĩ.

“Những nét trên khuôn mặt Lữ thật là khó nắm bắt, vầng trán có lúc tối sầm rồi có lúc lại thanh thản và dưới vầng trán ấy là một cặp mắt nằm rất xa nhau, đen màu chì với vòm mắt rộng luôn luôn thay đổi màu sắc đậm nhạt và lúc nào cũng đang nhìn một vật gì đó hoặc đuổi theo một ý nghĩ gì đó“.

Có thể thấy là Nguyễn Minh Châu đã vô tình tự khắc hoạ chân dung của mình trong đoạn miêu tả Lữ như vậy.

Cái chất thư sinh này còn mãi ở Nguyễn Minh Châu, khi vui chuyện ông còn kể với tôi là những ngày mới nhập ngũ, có lần xách bát đi ăn thấy người xếp hàng đông quá đã quay về.

Nhưng cuộc chiến đấu đã dung nạp tất cả, con người thư sinh này đã đi qua cuộc chiến đấu, làm tròn mọi nghĩa vụ của mình như một chiến sĩ đồng thời vẫn giữ được cái bản chất nghệ sĩ đáng yêu.

Đó là một con người lơ mơ sự đời, sống giữa mọi người mà hồn vía để ở tận đâu đâu. Ngay giữa đám đông ông vẫn có thể chìm đắm trong những suy nghĩ riêng, có nói năng gì cũng ngúc ngắc mãi mới phụt ra một câu lạc lõng.

Sự vô tâm của Nguyễn Minh Châu kéo dài tới mức thỉnh thoảng nhà thơ Xuân Sách lại đặt câu hỏi không hiểu sao có lúc ông lại có thể trở thành cán bộ tham mưu thuộc một sư đoàn tác chiến ở đồng bằng sông Hồng.

Có điều, khi thanh thản tính chuyện quan sát sự đời, thì ông lại trở nên một người đối thoại thú vị, loại người mà người ta một khi rỗi rãi thích mò đến trò chuyện.

Thường ông vẫn tự nhận: “Tôi cũng tẻ lắm, đóng quân ở đâu xong, trở lại không ai người ta nhớ mình cả”. Song lúc cao hứng lại tự hào:

- Mình chỉ nói vài câu thế là cậu chủ nhiệm thấy tin, kỳ nào đi thăm đồng cũng rủ đi cùng.

- Hồi tôi ở đấy cậu giám đốc nông trường rất thích tôi, vừa giải quyết xong chuyện gì lại tông tốc kể ngay với mình.

Cái tài của một người biết đối thoại là đặt mình vào địa vị người đang nói chuyện để khéo léo lần ra những đầu mối mà người ấy quan tâm. Nguyễn Minh Châu chính là một người như thế, ông biết đến với người đối thoại với mình một cách tự nhiên, không cần một chút dụng tâm cố gắng.

Hơn thế nữa, ông còn biết mang lại cho đối tượng cái cảm giác như đang tự nói với mình. Hoạ sĩ Quang Thọ, có thời rất mê Nguyễn Minh Châu nôm na tổng kết: “Không thể nói dối với thằng này được”.

Chất văn trong con người Nguyễn Minh Châu bắt nguồn từ một khả năng rất cần cho các nghệ sĩ: Luôn luôn biết nhìn sự vật xảy ra chung quanh mình một cách mới mẻ.

Ông hết lòng với đời sống theo cái cách riêng của mình. Có thể bảo ông là một người rất có trách nhiệm với chung quanh với nghĩa luôn luôn ông muốn tìm ra ở thực tại những bí mật, những gì tốt đẹp. Và khi đã tìm ra thì ông dứt khoát không bỏ qua và phải nói to lên cho mọi người cùng thấy.

Chẳng phải là khiêm tốn vờ vịt gì, Nguyễn Minh Châu tự kể: “Từ lúc còn nhỏ tôi đã là một thằng bé rụt rè và nhút nhát. Tôi sợ từ con chuột nhắt đến ma quỷ. Sau này lớn lên đến gần sáu chục tuổi, đến một nơi đông người, tôi chỉ muốn lẻn vào một xó khuất và chỉ có như thế mới cảm thấy được yên ổn và bình tâm như con dế đã chui tọt được vào lỗ”. Phải nhận đó là một nét tính cách có thực.

Nhưng nên nói thêm rằng đằng sau sự nhút nhát đó lại là khả năng chăm chú theo dõi cuộc đời chung quanh, vui sướng giận hờn vì nó như trên tôi vừa nói, và nhất là cái quyết liệt trong việc đi đến cùng trong suy nghĩ.

Trong sự lắng nghe mọi người, ông vẫn giữ riêng cho mình những ý kiến riêng, thậm chí trong một lần nói chuyện riêng với tôi ông còn tự hào một cách chính đáng rằng vẫn luôn luôn giữ được một khả năng hoài nghi. Dường như sau những phút giao cảm với đời sống ông lại để hết tâm sức vào cái việc quay về với thế giới riêng của mình trước khi cho nó hiện hình trên mặt giấy.

Một khía cạnh nữa làm nên khí chất nhà văn của con người này: Ông có một cảm quan ngôn ngữ tinh tế. Trong những lúc xuất thần, ông nói đầy thuyết phục, giá kể có cách nào đó ghi ngay được những điều ông nói thì nó cũng đã duyên dáng tự nhiên như một thứ văn viết điêu luyện. Bản thảo ông gửi cho cánh biên tập chúng tôi thường chỉ được ông viết một lần, tuy có gạch xoá song nói chung vẫn sáng sủa mạch lạc.

Đi dần tới một tư duy văn học hiện đại

Một lần nào đó trong câu chuyện tạt ngang với tôi, nhà thơ Lê Đạt ngẫu nhiên nhận xét: “Quái, mình để ý thì thấy Nguyễn Khải không chịu thay đổi gì trong cách viết, chứ đọc Nguyễn Minh Châu mà xem, tay ấy có thay đổi”.

Tôi không cãi lại Lê Đạt, trong bụng nghĩ nhận xét trên là oan cho Nguyễn Khải, song với Nguyễn Minh Châu thì lại quá đúng. Trong mấy chục năm liên tục cầm bút, tác giả Dấu chân người lính đã thay đổi khá nhiều, tuy rằng cũng chỉ thay đổi trong điều kiện mà con người ông có chuẩn bị.

Ở trên, tôi đã kể là Nguyễn Minh Châu đến với các buổi “giao ban” của anh em đồng nghiệp với đủ bộ mặt khác nhau. Có lúc ông im lặng ngồi nghe. Lại cũng có lúc thao thao bất tuyệt mọi chuyện. Với năng khiếu văn học bẩm sinh, nói cái gì Nguyễn Minh Châu cũng hay ví von, để tạo nên hình ảnh. Kể ra, lúc rỗi ngồi nghe cũng thú vị. Nhưng cũng có lúc không hợp.

Trong cơ quan tôi hồi đó, có nhà phê bình Nhị Ca vốn rất từng trải, lại có cách sống thiết thực nên rất nhạy với chuyện này. Thấy Nguyễn Minh Châu bắt đầu mơ màng như người say thuốc lào loạng choạng trong lối nói lối nhận xét rất chủ quan của mình, Nhị Ca tủm tỉm không nói gì, chỉ quay ra làm nốt ít việc riêng đang làm dở, như biên tập nốt mấy trang bài, hoặc dọn dẹp ngăn tủ, chờ cho Nguyễn Minh Châu nói hết mới buông một câu nửa nạc nửa mỡ:

- Cái ông Châu này mải sống trong cái thế giới văn chương ông ấy đang viết nên quên hết cả lối nói thông thường hay sao ấy, anh em ạ.

Có lần, chưa để Nguyễn Minh Châu kịp bắt sang một câu chuyện mới, Nhị Ca đã hoa tay ngăn lại, và “phang” một đòn vỗ mặt:

- Thôi đi ông. Lại sắp làm văn tả cảnh. Sốt cả ruột!

Trong lúc Nguyễn Minh Châu vẫn thản nhiên, chỉ há hốc miệng cười trừ thì Nguyễn Khải ngồi cạnh mới thật sung sướng vì lối trừng trị thẳng tay của Nhị Ca, cứ gọi là rũ ra mà cười. Nguyễn Khải dạo này đang chủ trương phải viết cho thật trực tiếp. Anh ấy đi ra cửa. Gió thổi mạnh... Thế là đủ, chứ không phải uốn éo gài thêm những hình dung từ cho thêm văn hoa.

Và Nguyễn Khải dẫn chứng: Đọc bản thảo của các nhà văn lớn người ta thường nhận thấy những đoạn văn chương véo von lại là những đoạn bị gạch đầu tiên. Còn Nguyễn Minh Châu, điểm xuất phát của ông là một cảm quan văn học nhiều phần cổ điển.

Cái lý của Nguyễn Khải không ai bác bỏ được.

Song lại phải nói ngay rằng ở tác giả Dấu chân người lính còn có một phương diện khác như ở trên chúng ta vừa thấy, và hoàn toàn có thể bảo đó là một biểu hiện khác của tinh thần hiện đại. Luôn luôn nghiền ngẫm về nghề và tự tin ở con đường độc đáo của mình, có lúc ông đã đi tới những quan niệm mà những người khác phải nhiều năm lăn lộn với sách vở mới đi tới.

Quá trình hiện đại hoá tư duy văn học của Nguyễn Minh Châu đánh dấu một quá trình làm việc tự nhiên song phải nói là vất vả của một người tự học. Ông không có may mắn là qua tiếng Pháp đọc rộng ra nhiều tác phẩm nước ngoài như Nguyễn Khải. Nhưng các bản dịch có giá trị thì không cần ai mách, ông nghiền ngẫm rất kỹ.

Một trong những cuốn sách ông thích từ hồi ấy là Những người chân đất của Zaharia Stancu và do Trần Dần dịch ra tiếng Việt. Còn bản dịch tiểu thuyết Tấc đất của G.Baklanov thì là cuốn sách ông đút trong ngăn kéo hồi đang viết Dấu chân người lính. Có thể nói do sống kỹ sống hết lòng với trang viết của mình, ông lại tìm thấy sự hỗ trợ ở cả những trang sách tưởng rất xa lạ ấy.

Cái mạnh của ngòi bút Nguyễn Khải là cái gì cũng phải rạch ròi sáng rõ. Nguyễn Khải không biết tới những hoàn cảnh mù mờ, những nhân vật lửng lơ mà người ta chỉ biết mô tả chứ không cắt nghĩa ngay được. Nhưng đó cũng là chỗ yếu của tác giả Xung đột.

Nguyễn Minh Châu thì khác. Loại nhân vật như lão Khúng lôi cuốn sự say mê của ông. Trong đời sống hàng ngày ông đã thích những con người có hình có khối kỳ lạ, những khung cảnh mù sương mà bản thân ông chỉ biết đi theo và thích thú quan sát bằng tất cả bản năng sẵn có.

Trong hoàn cảnh của những năm từ 1985 về trước, ông không tiện nói nhiều về những hình ảnh đa nghĩa cũng như quan niệm về sự kỳ dị của đời sống. Nhưng đó là một lối tư duy có thực ở ông và nó là một cái gì bẩm sinh chứ không phải học đòi đâu hết.

Nhân nói đến khả năng bùng nổ tự nhiên tự phát trong quan niệm nghệ thuật ở Nguyễn Minh Châu, tôi nhớ tới câu chuyện của một tiến sĩ văn học tốt nghiệp bên Pháp. Theo bà trong số các văn phẩm của Nguyễn Minh Châu, thì Cỏ lau có ý nghĩa quan trọng hơn cả. Khi tôi hỏi ngay rằng có phải ý ở đây muốn nói truyện vừa này nêu ra một cách nhìn khác đi về chiến tranh thì bà bảo không phải. Hãy đọc lại những trang sách đầu tiên.

Điều thú vị là ở đó tác giả tả một hiệu ảnh mọc lên ở một vùng hôm qua bom đạn dày đặc và con người ta phải mất công lắm mới tìm thấy khuôn mặt của mình. Vậy là thấy đặt ra cái nhu cầu là phải có văn học, một chủ đề chỉ có ở văn học hiện đại và có lẽ phải trong chặng cuối của quá trình sáng tác Nguyễn Minh Châu mới đi tới.

Có thể mạnh dạn nói về mặt quan niệm sáng tác, tác giả Cỏ lau đã đi xa nhất trong số các nhà văn đương thời? Đúng vậy. Thế nhưng tôi biết một sự thực khác: Sự kiện B.52 Mỹ đánh vào Hà Nội (tháng chạp 1972) từng để lại trong Nguyễn Minh Châu một ấn tượng sâu sắc. Có đến mấy tháng sau, mỗi khi hồi tưởng lại sự kiện ghê gớm này, Nguyễn Minh Châu vẫn thường nói với tôi:

- Những ngày ấy, vô tình thế nào, mình lại đi chụp một cái ảnh. Lúc ra lấy, lão thợ ảnh bảo làm chưa xong, chỉ thấy thằng con lão bưng ra một chậu nước, trong đó những mặt người cái nổi cái chìm, cái lật lên, cái úp xuống, còn ảnh của mình thì lẫn vào đâu, không tìm thấy.

Tức là, nếu coi đây như một thứ mô típ thì Nguyễn Minh Châu đã trở đi trở lại với nó nhiều lần trước khi đưa nó vào Cỏ lau. Trong khi mải mê hướng ngòi bút viết ngay về đời sống trước mắt, tư duy nghệ thuật ở nhà văn vẫn có những sự vận động tự thân như nó phải có.

Vương Trí Nhàn / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY