Chiều 12/6, các đại biểu tiếp tục chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về khối tài sản đồ sộ của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền được phát hiện sau khi ông Truyền về hưu.
Đại biểu Võ Thị Dung thẳng thắn: "Với tư cách là người đương nhiệm đứng đầu ngành, Tổng thanh tra nhìn nhận vụ việc này như thế nào? Thông tin có chính xác hay không?"
Đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị Tổng thanh tra cho biết quan điểm về việc này đồng thời đề nghị trả lời rõ về việc bổ nhiệm vội vàng 60 cán bộ của Thanh tra Chính phủ trước khi ông Truyền nghỉ hưu.
Đại biểu Lê Đắc Lâm thì muốn biết về việc kê khai tài sản của ông Truyền trước đó đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ trình bày giải pháp quản lý kê khai tài sản cán bộ về hưu, nhất là biện pháp xác minh nguồn gốc tài sản.Theo Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, sau khi có thông tin, Thanh tra Chính phủ đã xác minh và thấy khi đương chức, ông Truyền có kê khai đầy đủ, không có sai phạm gì. "Còn chuyện kê khai tài sản khi nghỉ hưu thì hiện không có quy định. Thanh tra sẽ nghiên cứu đề xuất để có biện pháp quản lý đồng bộ", ông Tranh nói.
Hiện, ông Trần Văn Truyền sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ tỉnh Bến Tre, thuộc Ban bí thư quản lý và đã có chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương theo dõi vụ tài sản của ông Truyền.
Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. |
Liên quan việc bổ nhiệm ồ ạt 60 cán bộ trước khi nghỉ hưu, ông Tranh thừa nhận có 3 sai sót như: thời gian bổ nhiệm chưa đầy đủ, bổ nhiệm quá nhiều cấp phó so với chỉ tiêu quy định và có cán bộ được bổ nhiệm chưa đủ điều kiện, năng lực chưa đáp ứng.
Về việc này, Tổng thanh tra Chính phủ khẳng định là "đã có khắc phục kịp thời".
Cũng liên quan tới một cán bộ thanh tra, trong buổi sáng, ông Tranh đã trả lời chất vấn về tài sản của cấp phó Ngô Văn Khánh. Việc kê khai tài sản của ông Khánh tuy đúng pháp luật, tuy nhiên, cũng như ông Truyền, cán bộ này đang được Ủy ban Kiểm tra trung ương theo dõi, đối chiếu.
3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thựcTrả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), ông Tranh cho biết, từ năm 2013 đến nay, sau khi Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi có hiệu lực, việc kê khai có tiến bộ hơn. Chính phủ đã ban hành nghị định số 78 về hướng dẫn thi hành luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Đầu năm 2013, có trên 642.000 người kê khai, đạt hơn 98% và công khai trên 59%. Đến nay có hơn 919.000 trong tổng số 935.000 người thuộc diện phải kê khai đã hoàn tất, đạt 98%.
Trong quá trình kê khai tài sản thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ. Có 88 cán bộ đã bị xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.
Chốt lại phần chất vấn Tổng thanh tra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận "so với tình hình tham nhũng thất thoát thì cuộc đấu tranh của chúng ta chưa đạt yêu cầu”. Hiện vẫn còn 36 vụ tồn đọng lâu dài và phức tạp.
Ông Hùng yêu cầu tiếp tục giải quyết các vụ việc này. Bên cạnh đó là vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng trong chính nội bộ ngành thanh tra.
Với thực tế kết luận của ngành thanh tra chưa mang tính độc lập tương đối, xử lý sau thanh tra chưa đủ thẩm quyền, lực lượng thanh tra còn thiếu, năng lực trình độ còn hạn chế... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu sớm hoàn thiện.
"Kết luận của Thanh tra Chính phủ phải đảm bảo tính chính xác công tâm, khách quan, có căn cứ pháp luật. Đối các vụ việc có dấu hiệu phạm tội phải có trách nhiệm chuyển tới cơ quan điều tra để xét xử tiếp", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.