Phiên chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh sáng 12/6 mở màn với hàng loạt câu hỏi về công tác phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) hỏi, ngành Thanh tra có nhiều nỗ lực nhưng tại sao tình tham nhũng ngày càng tăng. Dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, "muốn chống tham nhũng hiệu quả trước tiên phải chống tham nhũng ngay trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng", ông Thuyền chất vấn việc này có đúng hay không và giải pháp gì để thực hiện.
Ông Thuyền cũng đặt câu hỏi vì sao có tình trạng số vụ tham nhũng bị phát hiện, có dấu hiệu hình sự nhưng thanh tra không chuyển hoặc chậm chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý?
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) dẫn các số liệu về việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng qua các năm, số vụ phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự càng giảm trong khi nhận định, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phát hiện về xử lý tham nhũng là ngày càng tiến bộ.
"Tham nhũng bị đẩy lùi hay việc phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?", đại biểu Nguyễn Văn Hiến chất vấn.
Nhiều đại biểu khác cũng đề nghị Tổng thanh tra Nguyễn Phong Tranh trả lời liệu các số liệu vụ tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện có phản ánh đúng tình hình tham nhũng hiện nay hay không.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, cử tri đánh giá cao về việc liên tục xử lý những vụ án tham nhũng lớn, đánh giá cao nỗ lực của các ngành các cấp trong công cuộc chống tham nhũng - cam go không thua gì chống ngoại xâm. Chất vấn cụ thể về vụ án Nguyễn Đức Kiên vừa được TAND Hà Nội xét xử, ông Sơn hỏi: "Vì sao các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mà hầu hết đều được tuyên ở khung hình phạt thấp? Mức án có đủ sức răn đe? Tại sao Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố, tòa kết tội nhưng các bị cáo vẫn kêu oan, phải chăng luật pháp của chúng ta có cách vận dụng và cách hiểu khác nhau?"
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trả lời đại biểu Hiến, ông Huỳnh Phong Tranh khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng thời gian qua chưa có dấu hiệu giảm, nhiều biện pháp phòng chống hiệu quả thấp.
Dự báo tình hình sắp tới, ông Tranh cho rằng, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi, khó phát hiện gây thiệt hại lớn cho ngân sách. Trong khi đó, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ chiếm 12-15%. Bên cạnh đó, tham nhũng vặt xảy ra ở những cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc công dân.
Ông Tranh nêu các giải pháp về đào tạo, giáo dục cán bộ và khẳng định "phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn".
Về xử lý tham nhũng trong nội bộ ngành thanh tra, Tổng thanh tra thông tin, trên toàn quốc, từ 2011 đến 2013 có 85 cán bộ công chức bị xử lý trong tổng số 2.800 cán bộ toàn ngành. 11 trường hợp có dấu hiệu tham nhũng bị phát hiện. Riêng Thanh tra Chính phủ trong 3 năm xử lý hình sự một cán bộ cách chức một cán bộ khác...
"Việc xử lý chưa nhiều nhưng cho thấy sự kiên quyết của ngành thanh tra", ông Tranh nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu băn khoăn của về nhiều vụ việc do báo chí, người tố cáo lên tiếng thì Thanh tra mới vào cuộc. Đến lúc có kết luận thanh tra thì người dân không đồng tình, người tố cáo bị vùi dập, người bị tố cáo lọt tội. "Sắp tới đền bù thiệt hại cho người tố cáo như thế nào?", ông Phương hỏi.
Thừa nhận thời gian qua quy trình của Luật Tố cáo chưa rõ, ông Tranh xin tiếp thu. "Khen thưởng hiện nay đang dự thảo thông tư liên tịch, mức khen thưởng dự tính tối đa để xin ý kiến cơ quan chức năng là 10 tỷ đồng", ông Tranh cho hay.
Trước câu hỏi về vụ án bầu Kiên, ông Tranh cho rằng, Thanh tra Chính phủ là cơ quan hành pháp nhà nước có nhiệm vụ thanh tra còn việc xét xử thuộc cơ quan truy tố. "Quan điểm của chúng tôi là trên cơ sở mức độ vi phạm ta xử nghiêm minh, còn nặng nhẹ thuộc trách nhiệm cơ quan truy tố, xét xử thực hiện độc lập", ông nêu quan điểm.
Kết hợp với nhiều ý kiến đại biểu nêu về vụ "bầu Kiên" trong phần chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Chánh án TAND tối cao đăng đàn.
Với câu hỏi về kết luận Thanh tra đất đai tại Đà Nẵng, ông Tranh cho biết, việc này được nắm tình hình từ trước 2010. Năm 2011, Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền khi đó đã có chủ trương thực hiện thanh. Cuộc thanh tra này thực hiện theo liên ngành, cùng với Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương. Khi kết thúc, Thanh tra Chính phủ đã làm việc nhiều lần với Đà Nẵng, Bộ Tài chính. Văn phòng Chính phủ cũng đồng ý với nội dung kết luận đó và kết luận thanh tra được công bố tại địa phương và trên Cổng thông tin của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, do Đà Nẵng không đồng ý nên Chính phủ đã lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm cả Bộ Tư pháp, Tài chính và đều thống nhất nhận định kết luận của Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, thanh tra còn kiến nghị chuyển điều tra làm rõ dấu hiệu cố ý làm trái trong chuyển nhượng đất đai và dự án tại đây. Việc kết luận thanh tra cuộc này như vậy, theo ông Tranh là có đầy đủ cơ sở pháp luật. Dấu hiệu vi phạm của Ban cán sự Đảng của thành phố Đà Nẵng sau đó cũng được xem xét.
Đến nay, theo ông Tranh, thành phố Đà Nẵng đang thực hiện kết luận Thanh tra, có báo cáo về nội dung này gồm 7 điểm, trong đó có việc kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố, Bí thư Ban cán sự Đảng thành phố thời kỳ 2003-2011.
Trước yêu cầu làm rõ thông tin về tài sản của Phó tổng Thanh tra Chính phủ, ông Ngô Văn Khánh, như báo chí đưa tin thời gian qua, ông Tranh cho hay: sau khi có thông tin đăng tải, Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu ông Khánh báo cáo trước Ban cán sự về tài sản và nguồn gốc tài sản từ năm 2007 đến nay. Qua đối chiếu nhiều năm thì thấy việc kê khai của ông Khánh đúng pháp luật.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã yêu cầu ông Khánh có báo cáo gửi các cơ quan chức năng về bản kê khai. "Ông Khánh là cán bộ thuộc diện Ban bí thư quản lý nên Ủy ban Kiểm tra TƯ đã vào cuộc để kiểm tra, xác minh mức độ khách quan, trung thực thế nào và sẽ thông báo kết luận sau", ông Tranh nói.