Nguyên nhân của lượng lớn "chất nhầy" lạ xuất hiện ở Marmara, thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), có thể do ô nhiễm môi trường và thời tiết ấm lên khiến tảo phát triển mạnh và gây ra bùn nhầy, theo Guardian.
“Điều này ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi”, ngư dân Mahsum Daga cho biết, "Khi các loài sinh vật biển mở vỏ, chất này tràn vào và ngăn chúng khép lại. Ốc biển ở đây chết hết rồi”.
Tàu thuyền của người dân chìm trong "chất nhầy" lạ. Ảnh: AFP. |
Ông Muharrem Balci, giáo sư sinh vật học Đại học Istanbul, nói rằng khi tảo phát triển mất kiểm soát như mùa xuân năm nay, chúng sẽ chặn ánh nắng mặt trời và gây ra tình trạng suy giảm oxy cho cá và các sinh vật biển.
Hiện tượng "chất nhầy" xảy ra khi chất dinh dưỡng cho tảo bị dư thừa, bắt nguồn từ thực tế thời tiết ấm lên và tình trạng ô nhiễm nguồn nước gia tăng, ông Balci cho biết.
Ngoài khu vực Marmara, từ sông Danube, dòng chất thải chảy vào Biển Đen nằm kề bên cũng là một nguyên nhân khiến tình hình thêm trầm trọng.
“Lớp màng nhầy này bao phủ mặt biển như một tấm bạt. Sau một thời gian, chúng chìm xuống, bao phủ hệ sinh thái (đáy biển) và gây hại cho nhiều loài sinh vật", ông Balci nói, "khi quá trình này kết thúc, chúng sẽ xuất hiện thứ mùi như từ một quả trứng hỏng".
Ông Cevahir Efe Akcelik, một kỹ sư về môi trường, nói rằng nếu không thực hiện các biện pháp khẩn cấp, hiện tượng trên có thể bao phủ mặt biển suốt cả mùa hè.
"Không chỉ ở trên bề mặt, lớp nhầy còn sâu xuống từ 25 đến 30 m", ông Akcelik nói.
Biển Marmara, kéo dài từ eo biển Bosphorus đến biển Aegean, có mật độ dân cư đông đúc và nhiều khu công nghiệp. Trước đây, "chất nhầy" này từng xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, ở cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Dù vậy, lần này là nghiêm trọng nhất.
Đời sống người dân và các loài sinh vật biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Gazete Duvar. |
Trong khi các công nhân tỏ ra vô vọng khi dùng lưới để vớt lớp nhầy , ông Balci kêu gọi một kế hoạch hành động chung đối với các thành phố ven biển Marmara.
Theo đó, một giải pháp lâu dài cần có sự giám sát thích hợp, bên cạnh hệ thống xử lý chất thải từ các thành phố và khu công nghiệp nằm ven biển, ông khẳng định.
Trong khi đó, ông Ali Oztunc, thành viên đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã kêu gọi chính phủ áp dụng hình phạt cứng rắn đối với các cơ sở xử lý chất thải sai quy định. Đồng thời, ông hối thúc chính quyền Tổng thống Recept Tayyip Erdogan tham gia thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Dù vậy, hôm 1/6, liên minh cầm quyền của Tổng thống Recept Tayyip Erdogan đã từ chối đề xuất của CHP về việc thành lập một ủy ban để điều tra hiện tượng này.