Chia sẻ với Zing, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng điện ảnh Việt đang đối diện với nhiều khó khăn. Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, theo anh mức đầu tư lớn cho sản phẩm, lên tới hàng triệu USD, cạnh tranh lớn, khiến nhà làm phim đối diện với nhiều rủi ro.
"Em chưa 18 trước đầu tư 13 tỷ, bây giờ phải cần 20 tỷ"
- Năm 2020, ngoài "Ròm" và "Tiệc trăng máu" có doanh thu tốt, nhiều phim Việt thua lỗ nặng khiến nhà sản xuất than mất nhà hoặc rút phim khỏi rạp. Anh nghĩ gì về hiện trạng này?
- Điện ảnh là như vậy. Nếu không làm thì không biết nhưng làm rồi mới hiểu được đó là cuộc phiêu lưu mà không ai nói trước được điều gì. Nhà làm phim dồn hết tâm huyết cho tác phẩm nhưng mỗi bộ phim lại có số phận riêng. Và người làm phim không thể điều chỉnh được. Với mỗi dự án, tôi chỉ có thể cố gắng làm hết sức, để sau này xem lại mình không hối tiếc vì đã không làm hời hợt.
Khi đó, dự án nào không được đón nhận, mình vẫn tự hào về sự cố gắng của cả ê-kíp. Càng làm phim, tôi càng nghĩ mình không nên đặt kỳ vọng nhiều ở doanh thu. Tôi chỉ đặt kỳ vọng mình có vượt qua những khuyết điểm mà bản thân đã gặp phải trong các tác phẩm trước. Đó cũng là cách để tôi đánh giá con đường theo đuổi nghệ thuật của mình.
Doanh thu là phần thưởng về vật chất thôi, không thể quyết định tinh thần của mình được. Nếu cứ mong cầu những con số đẹp, thực tế không đạt được, mình sẽ bị sụp đổ ghê gớm.
Charlie Nguyễn cho biết muốn dành thời gian giúp nhà làm phim trẻ. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Anh thử lý giải vì sao phim Việt đầu tư ngày càng lớn nhưng thất bại ngày càng nhiều?
- Thật sự khó để xác định Covid-19 đã ảnh hưởng đến ngành điện ảnh như thế nào. Ở nước ngoài, tình hình dịch nặng, khiến ngành công nghiệp điện ảnh tê liệt. Tại Việt Nam, mọi người còn làm phim được là may mắn.
Có điều, kinh phí làm phim điện ảnh ngày càng cao. Trước đây, tôi làm Em chưa 18 với kinh phí 13 tỷ đồng. Nhưng bây giờ, để làm một bộ phim như vậy phải cần 20 tỷ đồng. Người cần quên phải nhớ, tôi phải đầu tư hơn 23 tỷ đồng.
Số tiền đầu tư ngày càng lớn nhưng thị trường ngày càng nhỏ. Điều đó làm tăng sự rủi ro cho người làm phim. Ở thời gian dịch, tôi nghĩ chúng ta không cần làm nhiều phim, mà cần có phim tốt, xứng đáng là tác phẩm điện ảnh. Hiện trạng nhà nhà làm phim nhưng phim dở thì sẽ gặp thất bại thôi.
- Vậy bức tranh điện ảnh Việt năm 2021 theo anh hình dung sẽ thế nào?
- Rõ ràng điện ảnh Việt ngày càng tiến bộ thể hiện qua hình ảnh đẹp, kể câu chuyện hay hơn, diễn viên diễn tự nhiên không bị kịch như trước, nhịp phim nhanh và sang hơn. Mỗi phim đều được làm chuyên nghiệp và tiến bộ hàng ngày.
Lớp trẻ đã có những cá nhân thể hiện được tài năng, cá tính. Tôi nghĩ vai trò của mình trong thời gian tới là làm ít phim lại, giúp đỡ các nhà làm phim trẻ và kết hợp, chia sẻ kinh nghiệm với họ. Nếu họ nhìn thấy trước con đường này thế nào, họ có thể vượt qua nhiều thử thách.
- Nhà làm phim trẻ nào anh muốn kết hợp trong tương lai?
- Tôi muốn làm phim với Trịnh Đình Lê Minh. Tôi đã xem 2 dự án của Minh như Thưa mẹ con đi, Bằng chứng vô hình và cảm thấy cậu ấy làm việc rất đàng hoàng, có thể làm chủ được câu chuyện mình muốn kể. Tôi cũng muốn giúp Minh.
Hoàng Yến Chibi trong Người cần quên phải nhớ. |
- Thời gian qua, có hãng phim Mỹ đã bán phim cho các nhà phát hành trực tuyến. Anh nghĩ sao về sự thay đổi cục diện nền điện ảnh khi đưa phim lên nền tảng trực tuyến?
- Tương lai thế nào mình cần chờ thời gian. Nhưng tôi nghĩ điện ảnh phải sống ở rạp. Ở đó khán giả mới thưởng thức được trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh. Nếu phim chỉ sống trong chiếc điện thoại thì thật tội nghiệp.
Hiện tại, các nền tảng trực tuyến mua một bộ phim điện ảnh cũng chưa đủ để đáp ứng sự đầu tư của nhà làm phim đâu. Khi nào mức tiền trả của họ cao, mới có phim đi thẳng lên trực tuyến. Bây giờ thì điều đó chưa thể.
Thực tế, khán giả vẫn muốn đi ra ngoài xem phim. Trải nghiệm ở rạp khác hẳn khi xem điện thoại, máy tính. Khi dịch đi qua, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
- Không thể phủ nhận xem phim trên các nền tảng trực tuyến tiện lợi, linh động về thời gian hơn ra rạp?
- Nền tảng trực tuyến chỉ thích hợp với truyền hình nhiều tập. Còn phim bom tấn phải vào rạp thưởng thức mới cảm thấy sướng được.
"Phim nào làm, tôi cũng mời Thái Hòa"
- Từ "Để Hội tính" đến nay, phim nào do Charlie đạo diễn hoặc sản xuất đều có Thái Hòa. Tại sao vậy?
- Chúng tôi như anh em, làm việc rất hợp nhau. Tôi muốn Hòa đóng phim để có cảm giác gần gũi. Đã là anh em, làm gì cũng muốn có nhau. Có khi, tôi chỉ mời Hòa đóng vai phụ, chứ không cần đóng chính. Dù vậy Hòa vẫn vui vẻ nhận lời.
Charlie cho biết phim nào anh làm cũng muốn mời Thái Hòa đóng. |
- Cách diễn của anh Thái Hòa trong "Tiệc trăng máu" nhận nhiều khen ngợi từ khán giả. Anh thấy đồng nghiệp của mình đã thay đổi những gì so với trước?
- Hòa vốn là người có ý thức cao với nghề. Đến tuổi này Hòa nhìn nghề càng sâu hơn. Với mỗi nhân vật, Hòa luôn có nhiều sự chuẩn bị tư duy ở đằng sau. Nhiều khi tôi khuyên Hòa nhận phim đừng nghiêm túc quá, cứ thoải mái đi, thả lòng mình đi. Có những dự án phải tính toán nhiều nhưng có dự án mình phải làm với tâm thế hồn nhiên. Nhưng Hòa vẫn trăn trở, nghĩ trước nghĩ sau.
- Nghe nói tính cách và cách nhìn cuộc sống của anh Thái Hòa cũng thay đổi nhiều. Chẳng hạn, anh ấy luôn từ chối dự sự kiện ra mắt phim?
- Tôi không thấy Hòa khác lạ. Chúng tôi vẫn gặp và nói chuyện với nhau mỗi ngày.