Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 27/5, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình chia sẻ ông rất mừng khi dư luận xã hội quan tâm đến dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, liên quan đến hành vi dâm ô.
Điển hình vừa qua là vụ cựu cán bộ VKS Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy ở TP.HCM. Khi báo chí đặt vấn đề nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị coi đây là án lệ để có căn cứ xử lý những vụ việc tương tự, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng nếu là án lệ lại là một quy trình khác.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh. N. Thắng. |
Cụ thể trong vụ án này, vì vụ án chưa xét xử nên không biết có là án lệ hay không. Khi được hỏi quan điểm về vụ việc, Chánh án tòa tối cao nói phải tôn trọng quá trình tố tụng.
“Chánh án TAND tối cao nói gì về vụ án khi đang điều tra, chưa xét xử là vô tình can thiệp vào quá trình tố tụng, nên tôi không thể nói được. Phải tuân thủ độc lập từ sơ thẩm. Chúng ta bàn với nhau khi chưa có hồ sơ là không nên”, ông Bình nói.
Chưa phải bản cuối
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết dự thảo vừa qua của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều liên quan đến hành vi dâm ô đang được lấy ý kiến và đây chưa phải bản cuối cùng.
Yêu cầu đặt ra được ông Bình nhấn mạnh là phải có tính chính xác rất cao, tạo ra được hành lang pháp lý cho cuộc đấu tranh chống hành vi lạm dụng tình dục với trẻ em, nhưng cũng không tạo ra rào cản cho các quan hệ xã hội bình thường.
Theo ông, hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán thông thường dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự của chúng ta mới đưa vào áp dụng từ 1/1/2018, đến nay mới hơn một năm nên thực tiễn xét xử chưa đủ để tổng kết những vướng mắc, nhằm ban hành được nghị quyết.
Người đứng đầu TAND tối cao đánh giá, quá trình soạn thảo dự thảo này đã tổng kết những vụ án đã xét xử, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhưng có những việc phải phù hợp với truyền thống pháp lý và thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm quốc tế.
Chánh án TAND tối cao nhận định dự thảo được xây dựng trách nhiệm, gợi mở nhiều ý tưởng để dư luận phản biện. Tuy nhiên, vẫn có những khoảng trống, những quy định chưa thuyết phục cần bàn thêm.
Ví dụ như quy định hành vi loạn luân, dự thảo đang đề cập đến khía cạnh quan hệ cùng huyết thống, nhưng đạo đức của chúng ta thì không chỉ có như vậy mà còn cần xem xét đến những mối quan hệ không cùng huyết thống như bố chồng - con dâu, cha dượng - con riêng của vợ.
Hành vi dâm ô được định nghĩa thế nào?
Mới đây, TAND tối cao công bố dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng các điều từ 141 đến 147 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, văn bản quy định rõ hơn về hành vi dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146.
Dâm ô được định nghĩa là một trong những hành vi nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.
Các hành vi được quy định cụ thể là:
- Sờ, bóp, hôn và những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông…) trên cơ thể người dưới 16 tuổi.
- Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn… vào những bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác.
- Cố ý đụng chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi.
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp (ví dụ qua lớp quần áo).
Thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến dâm ô trẻ em, điển hình là vụ cựu cán bộ VKS dâm ô bé gái trong thang máy ở TP.HCM. Vụ việc được đánh giá là phức tạp, khó tìm ra hướng giải quyết do chưa có hướng dẫn cụ thể của TAND tối cao về việc thế nào là hành vi dâm ô.
Sau phản ứng gay gắt của dư luận, đến nay vụ việc đã kết thúc điều tra, cựu cán bộ VKS Nguyễn Hữu Linh đã bị truy tố về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự với án phạt cao nhất là 3 năm tù.