- Tâm trạng của ông như thế nào sau những ngày vừa qua?
- Tôi vẫn khỏe. Tôi bị trầm uất và sinh bệnh là do chuyện nhà có nhiều uẩn khúc khiến tôi phải đấu tranh với ngân hàng chứ không trách công chúng. Bạn thân nói xấu thì mình mới buồn. Còn với công chúng, ai hiểu thì tôi cảm ơn, không hiểu thì tôi vẫn cảm ơn sự chú ý của họ đối với mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ họ cũng không nên tự do ngôn luận quá, vì như vậy sẽ vô tình chà đạp một cách vô ý thức đến người khác.
Thật ra, tôi cũng đâu phải là Tiên, là Phật gì mà không buồn khi đọc những bài viết hiểu sai về mình. Buồn lắm chứ, nhưng làm sao có quyền bịt miệng người không thích mình. Chỉ có người lợi dụng mối quan hệ thân thiết để thâu băng ghi âm, rồi dựa vào đó hãm hại, tung những điều bất lợi mới khiến tôi bất ngờ. Mình sống thật nhưng bị người ta lợi dụng thì đành chịu.
Một công ty đến hồi phá sản dĩ nhiên phải có nợ. Có nợ thì trả, khi nào trả không được thì luật pháp xử lý. Còn hành động ghi âm rồi tung lên mạng với mục đích bêu xấu cá nhân khi chưa có quyết định của tòa án là phạm pháp. Một số báo mạng đăng lại lời ghi âm này cũng là phạm pháp. Tôi nghĩ đất nước mình cần có luật pháp nghiêm minh. Không sớm thì muộn, tôi tin luật pháp sẽ xử lý thích đáng những điều sai trái này mà tôi không cần kiện tụng.
Hình ảnh mới nhất của nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. |
- Khi câu chuyện mất nhà của ông xảy ra, đã có nhiều luồng ý kiến trong showbiz bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ, nhưng cũng có người ghét ra mặt. Ông nghĩ gì về quan niệm showbiz Việt vốn không có tình người?
- Tôi cảm động khi biết nhiều người còn yêu thương tôi. Bởi thế, tôi đã quyết định gửi tặng ca khúc Bến an bình đến với công chúng trong lúc này. Đây là bản nhạc rất hợp tâm trạng của tôi khi có hai luồng dư luận khác nhau. Bài hát do tôi viết lời và trình bày, nhạc sĩ Vũ Quốc Việt phối khí sẽ được chọn làm nhạc chính trong bộ phim Đại ca U70. Trong bài hát có câu: "Đừng oán trách chi cuộc sống ưu phiền. Đừng phân tích chi bài toán nhân gian. Mà hãy sống như đời sống đáng như. Và ta sẽ yêu cuộc sống đáng là".
Nói thật, nếu không nắm vững quan niệm sống này, chắc tôi chết lâu rồi. Miệng đời ghê gớm lắm. Sống trong xã hội này, người thương thì ít, người ghét thì nhiều. Nếu tôi không đi theo thuyết nhà Phật thì đã ngã từ lâu.
Khi chuyện mất nhà xảy ra, báo chí tới phỏng vấn đã bất ngờ khi thấy tôi cứ cười và lạc quan. Họ nghĩ tôi không có gì buồn khổ cả, nhưng tôi nghĩ, nếu mình có buồn sầu thảm thì hoàn cảnh cũng có thay đổi được đâu? Tôi cứ sống thật như vậy. Ở đâu cũng có tình người và sự ghen ghét, đố kỵ, thủ đoạn và sự thật, cá lớn nuốt cá bé, cái xấu thắng cái thiện vốn xảy ra hằng ngày. Tôi nay đã hơn 60 tuổi rồi, nên không quan trọng chuyện đó nữa.
- Sau những sóng gió trong cuộc đời, ông rút ra được bài học kinh nghiệm gì cho mình?
- Đời tôi đâu chỉ có một lần sạt nghiệp như bây giờ, vì trước kia tôi đã từng lận đận trong sự nghiệp. Sau ngày giải phóng, tôi đang nổi tiếng và có trong tay đủ thứ tài sản thì bị mất hết. Tôi trắng tay từ đó. Đã vậy, vì thời đó cấm nghệ sĩ, nên tôi phải đi bán thơm, rau muống, còn vợ ủi đồ, dịch sách… Sau này vô đoàn Bông hồng, tôi nổi tiếng và thành công khi đóng chung với chị Thẩm Thúy Hằng như một số vở: Đôi bông tai, Hoa sim gai trắng, Cho tình yêu mai sau, Đôi mắt, Nila...
Sau này tôi tôi mới được mời casting phim Ván bài lật ngửa. Thật ra, lúc casting cho phim, tôi chẳng hy vọng gì. Tôi cũng không ngờ mình lại thành công xuất sắc với vai Nguyễn Thành Luân và trở thành hình tượng đẹp trong lòng khán giả. Những tập sau đó, tôi đã cố gắng đóng thật hay, để không phụ lòng công chúng. Cuối cùng, sau bao năm phấn đấu, tôi đã nhận được tình cảm yêu mến từ phía khán giả trong những ngày vừa qua. Tôi thật cảm động và cho tôi gửi lời tri ân.
Trở lại với bài học kinh nghiệm, tôi rút ra được một ý có trong ca khúc Bến an bình là: "Thuyền rẽ sóng sang bờ bến an bình, để chân lý chen vào thẳm trong tim. Bờ cát trắng không còn dấu chân in, và ta sẽ yêu cuộc sống an bình". Nói chung, sống trong đời, đừng có trách oán gì cả thì sẽ an bình.
Chánh Tín trong phim Ván bài lật ngửa. |
- Với vai diễn trong phim "Ván bài lật ngửa", có bao giờ ông thấy mình thật dũng cảm vì dám nhận vai nhạy cảm trong thời buổi chính trị rối ren như bấy giờ?
- Đúng là hoàn cảnh lịch sử một phần đưa đẩy tôi đóng vai Nguyễn Thành Luân, vì lúc đó tình hình chính trị rối ren và rất nhạy cảm. Vào thời đó, nếu đóng những dạng vai lịch sử như thế này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, đời người trước sau gì cũng chết một lần. Là một diễn viên, nếu có chết vì vai diễn của mình để phục vụ cho nền nghệ thuật, cho đất nước, thì cái chết đó cũng xứng đáng. Và một sự thật mà tôi cũng muốn tiết lộ, đó là khi đóng vai Nguyễn Thành Luân, tôi đã gặp rất nhiều nguy hiểm. Tôi đã từng bị theo dõi và xém bị giết nhiều lần.
- Thế giờ ông có sợ chết nữa không?
- Bây giờ tôi chỉ sợ mình không còn thời gian để chơi.
Sang Canada định cư là… xa vời
- Ông sẽ khép lại cuộc đời sóng gió sau này bằng quyết định sang nước ngoài định cư?
- Chuyện định cư ở nước ngoài, tôi xin đính chính là một số báo chí đã đăng tin sai lạc. Con tôi chưa phải là công dân Canada, nên chuyện bảo lãnh tôi sang đó đoàn tụ là một việc xa vời. Không biết chừng, đến ngày con tôi bảo lãnh được thì tôi đã gần đất xa trời rồi cũng nên. Bởi thế, tôi sẽ không bàn đến chuyện này nữa. Tuy nhiên, cũng nói thêm rằng tôi là người miền Nam, thích ăn mắm quen rồi, nên sợ qua nước ngoài sẽ không thích hợp, vài ba bữa xin trở về thì lại xa xôi quá!
- Sau những chuyện sóng gió vừa qua, ông cảm nhận gì về tình cảm của vợ dành cho mình?
- Đúng là nếu không có vợ chắc tôi sẽ mệt mỏi dữ lắm. Vợ tôi là người tượng trưng cho đa số phụ nữ Việt Nam, có sức chịu đựng bền bỉ và dẻo dai. Họ rất thương chồng và hy sinh vì mái ấm gia đình. Đó là bản chất của người phụ nữ Việt Nam. Theo tôi được biết, đàn ông phương Tây thường thích cưới vợ Việt Nam, vì họ thấy phụ nữ mình rất chân tình và chịu khó. Riêng bà xã tôi còn có lòng yêu thương tôi gần như tuyệt đối. Bà ấy là điểm tựa để tôi cảm thấy yên tâm.
- Còn ông là một người đàn ông Việt Nam điển hình?
- Khó nói lắm, vì tôi hơi phong kiến một chút. Tôi được gia đình giáo dục từ nhỏ, mang tâm thế "tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nên tính tình hơi gia trưởng và cách sống của tôi cũng vậy. Bây giờ lớn tuổi rồi nên tôi cũng không sống thoáng được như các bạn trẻ. Tôi vốn khó và kỹ tính.
- Hẳn thời trai trẻ ông từng là một “quý ông đào hoa”?
- Năm 23 tuổi, tôi đã nổi tiếng với vai trò ca sĩ và đoạt giải thưởng trong nghề. Sau năm 75, tôi trở thành một diễn viên nổi tiếng của cả đất nước với phim Ván bài lật ngửa. Bởi thế, khán giả đến với tôi từ năm 23 tuổi đến nay rất đông. Tôi chẳng phải là Phật để không bị sa ngã. Nhưng điều đó không phải là lăng nhăng, vì tôi còn gia đình. Ai đến với tôi và yêu quý tôi thì phải chấp nhận một cách sòng phẳng trong tình cảm, thế thôi.
Chánh Tín và vợ thời trẻ. |
- Ông có tiếc nuối khi ngắm lại một thời trai trẻ của mình qua những tấm ảnh còn lưu giữ lại?
- Tôi chẳng tiếc gì. Mỗi người có một thời, đừng nên ôm quá khứ làm gì. Như thời gian vừa qua, có nhiều người vì không hiểu tôi nên mới trách tôi là "ăn mày quá khứ", nhưng tôi có xin tiền ai đâu. Tôi làm thì tôi chịu, chấp nhận nhà mất. Tôi cũng chẳng sống ảo tưởng, vì mỗi thời kỳ đều có nét đẹp khác nhau.
Tiếc cho Thẩm Thúy Hằng
- Từng là một nam diễn viên điển trai bậc nhất, ông nghĩ gì về vai trò của nhan sắc đối với sự thành công của một nghệ sĩ?
- Theo tôi, làm nghệ thuật, yếu tố ngoại hình là ưu điểm thứ nhất. Ngoại hình quyết định 50% sự thành công trong nghề, 50% còn lại là do tài năng và may mắn. Riêng ai không có ngoại hình thì phải cố gắng gấp đôi mới được.
- Ngày xưa, chắc ông được săn đón nhiều lắm?
- Không có sự thành công nào trong cuộc đời nghệ sĩ mà không được săn đón hoặc không đi kèm với sự săn đón.
- Đại gia thì sao, ông có được đại gia săn đón?
- Nữ đại gia thì nhiều chứ nam đại gia thì không. Thật ra tôi sống chỉ biết chú trọng vào nghệ thuật, cũng chỉ thích đi làm bằng cái tâm, thích khẳng định bản thân bằng đôi chân thôi. Tôi muốn tự làm kiếm tiền nuôi người phụ nữ mình yêu, chứ tôi không thích xài tiền người phụ nữ khác mà mình thương yêu để mất đi giá trị của người đàn ông.
- Vậy ông nghĩ gì về chuyện chân dài cặp đại gia trong showbiz hiện tại?
- Cho tôi miễn bình luận vấn đề này, vì mỗi thời đại có cách nhìn nhận khác nhau. Ngày xưa nghệ sĩ nổi tiếng sẽ đi kèm với tiền, vì cát-xê của họ rất cao, chuyện có "đại gia" bên cạnh để kiếm thêm thôi. Những gương mặt đàn anh,đàn chị như Thẩm Thúy Hằng, Hùng Cường, Thành Được, Thanh Lan, Bạch Tuyết,... đều rất giàu có ở thời đó. Họ tự sắm nhà, mua xe từ năng lực của mình. Họ cũng không cần bất cứ một người giàu nào, ngoại trừ đó là người yêu.
Chánh Tín dành nhiều tình cảm cho người đồng nghiệp đàn chị là Thẩm Thúy Hằng. |
- Khi nhắc lại một tên tuổi nổi tiếng như Thẩm Thúy Hằng, ông sẽ ấn tượng điều gì nhất?
- Tôi có dịp làm việc chung với chị Thẩm Thúy Hằng từ năm 1972 - 1982. Cái ấn tượng đẹp nhất là lần đầu tiên tôi về đoàn Bông hồng, dù có nhiều người nổi tiếng hơn tôi, nhưng chị vẫn chọn tôi làm diễn viên chính. Lúc đó tôi mới khoảng 25 tuổi, nhỏ hơn chị 13 tuổi nhưng vẫn được làm "kép". Chị có cặp mắt nhìn xa đánh giá được tài năng của tôi từ thời còn trể, nên đã chọn tôi làm việc cùng.
- Theo ông, đâu mới là lý do để showbiz Việt khó kiếm thêm một minh tinh tài sắc vẹn toàn thứ 2 như Thẩm Thúy Hằng?
- Mỗi một diễn viên khi đã lên cấp độ nào đó thì khó có người thay thế. Chị Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương hay chị Kiều Chinh, Bạch Tuyết, Trà Giang… là những ngôi sao có cả quá trình lao động nghệ thuật chứ không phải nổi tiếng nhờ công nghệ lăng-xê. Ngày xưa cũng có lăng-xê mà người ta còn gọi là "lò", nhưng họ chỉ nổi tiếng ở một mức độ nhất định thôi.
Thẩm Thúy Hằng là một nghệ sĩ tài hoa vẹn toàn cả về tài năng lẫn sắc đẹp. Chị Hằng vốn đẹp từ trong trứng. Sau này vì một lý do nào đó chứ chị ấy không cần sửa sắc đẹp cũng đã là "người đẹp Bình Dương", là hoa hậu rồi! Thật khó để so sánh với những đàn chị kể trên.
- Ông có tiếc nuối điều gì về quyết định lui ở ẩn của Thẩm Thúy Hằng?
- Chuyện lui về ở ẩn thì ai cũng có giai đoạn, buộc họ phải giữ hình tượng. Cũng như tôi, đến một lúc nào đó cũng sẽ lui về hậu trường. Chị Hằng năm nay hơn 70 tuổi thì làm sao đẹp như tuổi thanh xuân? Tôi chỉ tiếc một điều là khi còn ở thời vinh quang, chị quá đẹp mà vẫn đi phẩu thuật thẩm mĩ. Tôi rất tiếc và uổng. Tuy nhan sắc thay đổi nhưng tài năng thì không phai mờ, bằng chứng là những thước phim của chị ấy rất tốt và có giá trị.
- Từng gắn bó với nhau, có lý do gì khiến anh với Thẩm Thúy Hằng không dính nghi án tình cảm?
- (Cười) Chị ấy lớn hơn tôi 13 tuổi thì tôi nào dám. Tôi biết chị Thẩm Thúy Hằng từ trước năm 75. Lúc đó tôi còn là con nít, mỗi lần thấy chị ấy là cứ lon ton theo sau vì hâm mộ. Chị ấy như cây đa, cây đề trong nghề, nên khó mà nảy sinh chuyện tình cảm. Hơn nữa, ngày xưa có tôn ty trật tự chứ không có kiểu "phi công trẻ lái máy bay" như bây giờ.
- Nhiều nghệ sĩ trẻ chẳng ngại bày tỏ quan điểm, những người làm nghệ thuật thường rất dễ lăng nhăng. Thế ông nghĩ sao?
- Đó là quan điểm của họ, còn tôi thì không!