Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chàng trai học hết lớp 6 chế tạo đồng ngũ sắc

Mặc dù mới chỉ học hết lớp 6, song chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Sơn đã tự mày mò chế tạo được đồng ngũ sắc.

Đây là sản phẩm đồng đòi hỏi kỹ thuật chế tác khó nhất thế giới hiện nay. Ở Việt Nam, số lượng người làm được đồng ngũ sắc cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cắm sổ đỏ để nghiên cứu

Tôi đến xã Đại Bái trong những ngày đầu năm mới 2015. Đây là dịp nhộn nhịp nhất trong năm, tiếng búa đập, tiếng chạm khắc vang lên tạo thành âm thanh hối hả như chính nhịp sống của con người nơi đây. Tới cái làng làm nghề “cầm cân buôn đồng” này hỏi về Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh thì ai cũng biết, bởi anh là người trẻ tuổi nhất vùng chế tạo được đồng ngũ sắc.

Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1983 trong một gia đình nghèo có 3 anh em. Do gia đình khó khăn nên Sơn chỉ được học hết lớp 6 rồi bỏ dở, phiêu dạt nhiều nơi kiếm sống. Trong những ngày đi khắp các vùng đất để “tầm sư học nghệ”, Sơn nhận ra rằng chẳng đâu được bằng cái nghề mà cha ông mình đã truyền dạy. Thế là, Sơn tìm về quê cũ và bắt đầu sự nghiệp làm đồng. Khi mới làm nghề, Sơn gần như chỉ có hai bàn tay trắng, vốn liếng có được là chút ít kinh nghiệm của gia đình.

Khi mới chập chững bước chân vào nghề, Sơn cũng bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản như xong, nồi, mâm đồng… Thế nhưng, những sản phẩm truyền thống đơn thuần này được sản xuất đại trà nên giá thành rẻ và không tạo được sự nổi bật. Trăn trở với những điều đó cộng với sức sáng tạo của tuổi trẻ, anh đã tìm hiểu về cách làm đồng ngũ sắc - một trong những kỹ thuật mới và khó nhất hiện nay.

Nghệ nhân” Nguyễn Ngọc Sơn thả hồn vào từng sản phẩm.
Nghệ nhân” Nguyễn Ngọc Sơn thả hồn vào từng sản phẩm.

Sơn cho biết, đồng ngũ sắc là sản phẩm được khảm nhiều kim loại quý gồm vàng ròng, bạc trắng, đồng đen, đồng xanh và đồng đỏ. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi các kim loại có mặt trên sản phẩm phải láng mịn như cùng chất liệu mà vẫn đảm bảo độ lấp lánh mầu sắc.

Do là một kỹ thuật mới và khó, nên hầu như người nào sản xuất được cũng giữ bí kíp cho riêng mình. Vì thế, Sơn đã phải tự mày mò để sản xuất đồng ngũ sắc. Ban đầu là kỹ thuật tán vàng, bạc, đồng làm sao thành những miếng mỏng li ti để khảm lên sản phẩm. Khó nhất là việc chế tạo ra hợp chất để dính chúng lại với nhau.

Để làm được hợp chất này, Sơn đã mất hai năm liền quên ăn, quên ngủ nghiên cứu. Sơn tâm sự, khi đó anh đã phải cắm cả sổ đỏ rồi bán nhiều đồ đạc trong nhà để có tiền tìm cách chế tạo hợp chất. Hai năm ấy là thời gian mà bố mẹ và người vợ trẻ của anh vô cùng lo lắng, bởi nhiều đêm anh thức trắng trong xưởng đồng đến suy nhược cơ thể. Cuối cùng thì trời cũng không phụ lòng người, anh đã chế tạo thành công hợp chất làm đồng ngũ sắc.

Ước mơ mang đồng ngũ sắc ra thế giới

Việc chế tạo hợp chất thành công là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời người thợ trẻ. Từ một chàng trai sinh ra trong gia đình nghèo khó, giờ đây Sơn đã trở thành ông chủ của cơ sở sản xuất đồng Sơn Tâm, tạo công ăn việc làm cho gần 30 người với lương tháng trên dưới 4 triệu đồng.

Khi được Sơn đưa đi thăm cơ sở sản xuất, bản thân tôi cũng thực sự cảm thấy choáng ngợp. Trong không gian trưng bày sản phẩm của anh, chỗ nào tôi cũng thấy loang loáng ánh kim loại, những đồ thờ cúng uy nghi sáng bóng, đến những bức chân dung sống động như thật, rồi cả chân đèn, con hạc đội bia… tất cả đều là đồng ngũ sắc. Trong không gian đó, tôi đặc biệt ấn tượng với đôi lộc bình vừa mới được anh hoàn thành vài hôm.

Sơn cho biết, đôi lộc bình này được anh chăm chút gần 3 tháng trời mới xong, để gửi cho một khách hàng ngoài Hà Nội. Đôi lộc bình được khách đặt hàng có giá tới gần 200 triệu đồng. Nhìn vào đôi lộc bình được khảm rất tinh vi bằng những miếng vàng 9999, những miếng bạc sáng bóng cùng các mầu đồng tinh xảo mới thấy được sự tài hoa, khéo léo của những người thợ Đại Bái đến mức nào.

Đồng ngũ sắc đang là điểm nhấn trong dòng sản phẩm đồng thời hiện đại..
Đồng ngũ sắc đang là điểm nhấn trong dòng sản phẩm đồng thời hiện đại..

Trong cuộc trò chuyện với tôi, người thợ trẻ Nguyễn Ngọc Sơn cứ trăn trở mãi về giấc mơ mang sản phẩm đồng ngũ sắc đi khắp thế giới. Anh cho biết, hiện nay ở Việt Nam gần như chỉ có Đại Bái quê anh là sản xuất được đồng ngũ sắc, mà ở đây người làm được cũng chỉ đếm trên 1 bàn tay.

Cách đây một năm, có khách hàng ở Ba Lan cũng sang tận nơi để đặt hàng một chiếc lư đồng ngũ sắc. Mặc dù rất vất vả để làm ra những sản phẩm này xong khâu thương mại của anh Sơn cũng như của những người thợ làng Đại Bái còn khá hạn chế.

Hầu như họ chỉ sản xuất ra sản phẩm rồi bán cho tư thương ở ngoài Hà Nội nên thị trường không ổn định. Sơn tâm sự, trong thời gian tới anh cũng như những người sản xuất đồng ở Đại Bái rất mong muốn được kết hợp với những tổ chức, hiệp hội về nghề nghiệp ở Việt Nam để xúc tiến thương mại đồng ngũ sắc quảng bá ra thế giới.

Chia tay anh, tôi thầm cảm phục con người tài hoa trên mảnh đất Kinh Bắc văn hiến và càng cảm phục hơn những con người trẻ tuổi đã dám làm, dám dấn thân với những điều mới mẻ, để những sản phẩm truyền thống của cha ông tiếp tục được “sống” trong nhịp sống hiện đại.

Rời xa làng Đại Bái với những lũy tre xanh bạt ngàn cổ kính cùng tiếng gõ đồng hối hả mà trong tôi cứ ngân nga mãi câu ca dao: “Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh/Muốn ăn cơm trắng cá ngần/Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng”.

http://laodong.com.vn/xa-hoi/chang-trai-hoc-het-lop-6-che-tao-dong-ngu-sac-288584.bld

Theo Đông Xuyên/Lao động

Bạn có thể quan tâm