"Anh có thấy tội lỗi vì đi ôtô đến đây không?"
"Lúc trước thì có, giờ thì hết rồi".
Cuộc hành trình đến Nam Cực của Barney Swan bắt đầu bằng một chút tội lỗi. Từ tháng 11/2017-1/2018, anh vượt qua quãng đường 1.000 km, vượt qua 56 ngày dài liên tục mặt trời không lặn cùng cái lạnh có lúc lên đến -45 độ C để đi bộ tới từ rìa vào đến mũi Nam Cực. Ngày 15/1, anh đến Nam Cực và lập kỷ lục là người đầu tiên đi bộ đến đây và chỉ hoàn toàn sử dụng năng lượng tái tạo được.
"Ba năm trước, tôi đi rất nhiều. Tôi đến Nam Mỹ, châu Phi, thăm thú khắp nơi. Tôi chụp ra những bức ảnh đẹp, sung sướng trước cảnh đẹp, nhưng tất cả đều được thực hiện trên lượng CO2 thải ra không khí và trên sự hy sinh của hành tinh chúng ta. Đó là lý do tôi thực hiện chuyến đi đến Nam Cực, để có thể làm gì đó thực tế cho môi trường. Mọi thứ bắt đầu bằng một chút tội lỗi", Swan nói.
Nhóm của Swan bắt đầu với 4 người, bao gồm cha của anh, Robert Swan. Họ mang theo một chiếc máy làm tan băng do NASA thiết kế, kéo theo tất cả thực phẩm, lều trại của mình cùng với một tấm pin mặt trời trên một băng trượt tuyết. Họ dùng một loại nhiên liệu đặc biệt làm từ rác ở sông Hằng tại Ấn Độ. Nước ấm được lấy từ loại bình giữ nhiệt sử dụng ánh sáng mặt trời. iPod để nghe nhạc và máy ảnh được sạc từ một loại pin đặc biệt và tái tạo được. Anh không thể sống thiếu chiếc iPod đó.
Ngoài ra, những người thám hiểm tính toán rằng dù năng lượng tái tạo được thải ra ít CO2 hơn, họ vẫn dùng 350 tấn khí thải để thực hiện chuyến đi này và họ phải nhận lấy trách nhiệm đó.
"Chúng tôi phải dọn dẹp tất cả số khí thải đó, chúng tôi phải trồng cây, đầu tư vào những công nghệ có thể làm sạch không khí, lọc đi khí thải khỏi không khí và cho nó xuống đất", anh nói.
Nam Cực mùa đó là một ngày dài như bất tận, màn đêm không bao giờ đổ xuống trong suốt 6 tháng. Họ đi bộ mỗi ngày 8-9 giờ trên lớp băng dài, bốn bề là một màu trắng vô tận, không có gì ngoài tiếng gió rít và nhịp thở của chính mình.
"Âm nhạc giúp đầu óc tôi tập trung ở đó. Não của bạn cần cái gì đó để suy nghĩ vì ở đó quá yên lặng", Swan cho biết. Anh có 9.000 bài hát trong chiếc máy nghe nhạc, từ nhạc cổ điển, techno, house music đến vài bài rap, chương trình radio từ lịch sử, kinh tế học đến chuyện tâm linh. "Tôi nhớ có một ngày mình đã nghe đến 20, 30 loại nhạc khác nhau, có hôm tôi nghe một bài trance, tiếp sau đó là một bài hát làm lễ của người Do Thái, rồi nó lại nhảy đến một bài nhạc cổ điển gì đó, rồi rock".
Có vài ngày nhiệt độ xuống dưới -45 độ C, âm nhạc của Swan bị "đóng băng" và anh mất vài ngày mới tìm ra giải pháp là cho chiếc máy vào trong tất để ủ ấm.
"Đó là những ngày khó khăn, tôi đi giữa sự im lặng chết chóc".
Thời điểm khó khăn nhất trong chuyến đi là lúc anh bị bỏng lạnh ở mặt và chân. Những ngón chân đổi màu, tưởng như sắp rớt ra.
"Tôi nghĩ đến những người tị nạn, người nghèo khổ, người sống trong vùng chiến sự, có những hoàn cảnh mà con người không chọn lấy mà do cuộc sống đưa đẩy. Còn hành trình của tôi là do tôi chọn", Swan kể lại.
"Tôi cảm thấy có một trách nhiệm phải đi tiếp, tôi có lựa chọn là bỏ cuộc, một nút 'exit', bấm vào đó, rồi tôi ra khỏi hoàn ảnh đó. Nhưng nhiều người khác trên đời này không có option đó. Tôi cũng nghĩ tới những người thám hiểm đời trước, những người đã vượt các đại dương, đi đến Nam Cực mà không có radio, GPS, không có gì để gọi và kêu lên là 'cứu tôi với, tôi sắp chết'. Họ chịu trách nhiệm bằng cái chết của chính mình".
Thế là Swan đi tiếp. Anh nói rằng bài hát mình nhớ nhất trong chuyến đi là I'm Not Worry At All của Moby.
Mọi thứ xung quanh đều là gánh nặng,
Sắp sụp đổ cả rồi,
Tôi không lo lắng chút nào,
Tôi không lo lắng chút nào...
Đến bây giờ bài hát đó vẫn luôn đưa anh về với những ngày Nam Cực.
Việc trở về cũng kỳ lạ không kém. anh mất 2 tháng để đi bộ đến Nam Cực và chỉ 4 giờ để bay về. "Tôi nhìn xuống phía dưới và tự hỏi, chúng tôi vừa trải qua 2 tháng và giờ lại đi máy bay về".
Chàng trai 23 tuổi đi thẳng từ Nam Mỹ về London, gặp gỡ với báo chí, nói chuyện tại các trường học, doanh nghiệp trong 3 ngày rồi đến Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Ba ngày trước Swan còn ở Nam Cực bốn bề lặng ngắt, giờ thì anh lại đứng trước đại diện các doanh nghiệp lớn, những nhân vật quan trọng.
"Đó là một khung cảnh rất siêu thực đối với tôi, tự nhiên quanh tôi toàn là những người mặc suit trang trọng, nói chuyện làm ăn, còn chân tôi thì vẫn chảy máu, não tôi chưa định hình được lại. Tôi đứng đó, nói về những thứ tôi đã trải qua, tất cả mọi người đều nhìn tôi. Davos là trải nghiệm rất siêu thực. Tất nhiên, đó là trải nghiệm tốt, nhưng 2 tuần đầu sau khi trở về rất siêu thực, tôi thấy mình như ở trong phim", anh nói.
Swan hiện sống ở California, làm việc với các doanh nghiệp, tổ chức để tìm kiếm các giải pháp nâng cao tính bền vững năng lượng trong cuộc sống. Đối với người đã sống thời thơ ấu ở một vùng hẻo lánh tại Australia, nơi mà việc thêm một bóng đèn có thể khiến cả lưới điện sập, cuộc sống ở California đôi khi cũng siêu thực.
"Hai ngày trước, tôi có một hội nghị lớn ở Thung lũng Silicon, tất cả mọi người đều nói về những dự án lớn. Đôi khi tôi nghĩ rằng mọi người ở California, đặc biệt là Thung lũng Silicon, họ không suy nghĩ về những điều phía sau làm nên một doanh nghiệp. Họ không suy nghĩ về quá trình, họ chỉ quan tâm sản phẩm", anh nói.
Swan mang đến nước Mỹ sự trân trọng năng lượng và tài nguyên mà anh được dạy cho tại Australia, rằng năng lượng quan trọng ra sao, không bao giờ xem nhẹ mỗi khi bật một bóng đèn hoặc lò vi sóng, hoặc vừa sạc điện thoại vừa gọi điện. Anh thường đứng ở siêu thị, nhìn hàng hóa bày bán mà tự hỏi về quá trình sản phẩm đó được đưa đến kệ hàng này. Anh lựa dầu olive sản xuất tại California thay vì sản phẩm nhập khẩu từ New Zealand, như thế thì nguồn tài nguyên và năng lượng bỏ ra sẽ thấp hơn. Anh lắp pin mặt trời trên mái nhà, đi bộ đến nơi làm việc. Anh không ăn thịt bò nữa (thịt bò là loại thịt gây hại nhất cho môi trường thông qua hoạt động chăn nuôi nó), cố gắng mỗi tuần bớt đi một bữa thịt.
Swan nói anh phát điên với những người chỉ trích anh về chuyện làm việc với công ty dầu nhưng chính họ lại dùng ống hút nhựa, thoải mái leo lên máy bay đi du lịch hay lấy một chiếc túi nylon.
"Tôi không nói các công ty hoàn hảo, nhưng không phải chúng ta đang sử dụng phần lớn năng lượng do họ cung cấp sao", anh chất vấn.
"Là người tiêu dùng, chúng ta cần cất tiếng nói, để ý kiến của chúng ta được nghe, điều chúng ta thật sự muốn, thay vì chỉ nói "công ty đấy ma quỷ", hãy nói là chúng tôi muốn các bạn tốt lên, muốn có nhiên liệu tốt hơn từ công ty các bạn, chúng tôi muốn thấy các bạn đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, trồng nhiều cây hơn".
Anh nói nếu 1 triệu người dùng nói vậy với 1 công ty, công ty đấy sẽ thay đổi, vì với họ khách hàng là tất cả. Swan hiện làm việc với các doanh nghiệp và tổ chức, chủ yếu là các doanh nghiệp, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp gia đình. Anh thảo luận để tìm ra giải pháp bền vững cho các công ty.
Swan tin rằng đưa tính bền vững môi trường vào việc kinh doanh sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận, thay vì vậy, các công ty thật sự có thể tìm được cách kiếm tiền với việc này.
"Chúng tôi không chỉ giúp các công ty tìm kiếm giải pháp bền vững trong kinh doanh mà còn truyền cảm hứng cho các nhân viên, giúp họ vui sướng được tái chế mọi thứ, hoặc ăn ít thịt đi một chút... Chỉ cần mỗi người mang theo một cái cây đến văn phòng, đó cũng là việc tốt rồi", anh nói.
Swan đang tiếp tục làm việc với công ty đã tài trợ năng lượng tái tạo cho anh đến Nam Cực, cũng chính là công ty mà 3 năm trước anh buột miệng gọi là "ma quỷ" trong cuộc họp có cả đại diện của đối tác. Họ tham gia một chiến dịch, với mỗi lít nhiên liệu công ty này bán ra, một khoản lợi nhuận sẽ được trích ra để trồng cây và Swan sẽ đến Kenya để tham gia dự án tái tạo rừng ở đây. Anh cũng đến các doanh nghiệp nhỏ, thuyết phục họ rằng nếu nhân viên đi xe đạp, sử dụng năng lượng mặt trời, họ thật sự có thể làm ra tiền, tái chế, cân nhắc việc sử dụng nước, tiết kiệm tiền.
Swan, 23 tuổi, sống ở California, nói rằng bản thân anh vẫn phải chiến đấu với nhu cầu được sống thoải mái, tiện lợi, "tất nhiên rồi, ai chẳng muốn tiện". Anh nói lâu lâu anh vẫn thèm ăn thịt, hoặc muốn uống một lon nước dừa, thứ thức uống yêu thích của mình. Anh cũng nghĩ rằng người ta không nhất thiết phải tránh hết mọi thứ làm cho họ tiện lợi, vấn đề chỉ là nhận thức được rằng sự tiện lợi đấy đi cùng với cái giá mà Trái Đất phải trả, và chúng ta phải đền bù cho nó.
"Tôi muốn mọi người nghĩ về số nhiên liệu đang bị đốt cháy khi chiếc máy bay cất cánh, khi họ gọi taxi hay khi lấy chiếc túi nylon. Không phải chúng ta không được sống sung sướng, mà là chúng ta phải ý thức là mình có gánh trách nhiệm, trách nhiệm của một cá nhân hay của doanh nghiệp đều quan trọng như nhau, tất cả đều phải bù đắp lại cho hành tinh của mình", anh nói.
Dự án lớn tiếp theo của Swan sau khi trở về từ Nam Cực là làm sạch được 326 triệu tấn khí thải CO2 trước năm 2025. Con số này được lựa chọn dựa trên số dân hiện tại của nước Mỹ, nghĩa là nếu mỗi người dọn một tấn, thì kế hoạch sẽ hoàn tất ngay.
Nên anh không cảm thấy tội lỗi lắm nếu lâu lâu uống một lon nước dừa, hoặc đi taxi tại Sài Gòn.
Swan sẽ đạp xe xuyên Mỹ vào năm tới. Trên các chặng dừng, anh nói về việc mình đang làm, tham gia vào các hoạt động của trường học, doanh nghiệp, Anh sẽ sử dụng công nghệ thực tế ảo để tương tác với người nghe.
"Tôi đã bắt đầu quay hình ảnh cho chuyến đi này từ một năm nay. Người xem sẽ đeo kính vào và nhìn thấy các đoạn phim tôi quay từ Nam Cực, trên đỉnh núi, trong các khu rừng. Họ sẽ thấy mọi thứ như thể chúng ta đang ở rừng, nhìn từ trên vách đá xuống, hoặc ở nơi tận cùng của phía Nam địa cầu. Rồi chúng tôi sẽ nói chuyện về trách nhiệm và việc xả thải CO2", anh hào hứng.
Swan nói thời điểm hiện nay, anh thích làm việc với các doanh nghiệp hơn. Một quyết định đưa ra từ phía doanh nghiệp thì nhanh chóng thành hiện thực hơn là chính sách mang tầm quốc gia. Nhưng khi năm 2041 đến gần hơn, có thể Swan phải thay đổi hướng tiếp cận. Mục tiêu dài hạn của anh là gia hạn Hiệp ước Nam Cực, tiếp tục sự bảo vệ Nam Cực với tư cách đặc biệt là châu lục duy nhất không có người ở.
Swan thích làm việc ở Mỹ, người Mỹ luôn "phản ứng". Bất chấp luật lệ về súng và những cú "sốc" văn hóa ban đầu, Swan phát hiện bản thân thích thú với việc sống ở Mỹ, làm việc cùng Thung lũng Silicon và các doanh nghiệp Mỹ. Họ mới là những người làm nên nước Mỹ, không phải Donald Trump.
Anh thích cả 2 bờ Thái Bình Dương. Hoặc anh ý thức rằng các hoạt động chống biến đổi khí hậu không thể bỏ qua châu Á.
"Những gì chúng tôi làm ở Anh, ở Mỹ không có nhiều tác động, vì chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã 3 tỷ người rồi", Swan nói.
Nếu các nước đó cũng phát triển và trở nên tiện nghi ngang với nhiều nước phương Tây, nếu họ cũng lặp lại sai lầm của nhiều nước khi cố gắng tạo dựng một cuộc sống tiện nghi, cả thế giới sẽ gặp rắc rối. Swan nói thách thức lớn nhất mà Việt Nam, Trung Quốc, hay Ấn Độ gặp phải là họ không thể nào lấy phương Tây làm hình mẫu, họ nên nhận ra rằng mình có đủ sức mạnh để dẫn dắt thế giới.
Tất cả những việc Swan đang làm là để mở rộng di sản của cha anh, Robert Swan. Swan "bố" sinh ra sau Thế chiến thứ 2 ở Anh và dành cả đời mình để sống vì Nam Cực. Ông đưa người đến đây, cho họ thấy biến đổi khí hậu đã diễn ra như thế nào, tận tay chỉ cho họ hiện trạng ngày nay của Nam Cực cũng như sức mạnh mà nó có đối với toàn bộ hành tinh này. Người con muốn một mục tiêu hữu hình hơn, muốn tập trung vào việc làm sạch xả thải CO2, tìm kiếm những giải pháp mang tính tương tác hơn như thông qua điện thoại, Internet, mang tham vọng này đến càng nhiều người càng tốt.
Nhưng đến cuối cùng, ngay cả Barney Swan cũng cho rằng mọi thứ sẽ trở về với Nam Cực. Nơi đó có 90% băng của thế giới, 70% nước sạch. Nam Cực là trái tim đập cho cả Trái Đất, tất cả lượng nước đang đóng trong băng ở đó có khả thay đổi tương lai của chúng ta.
Với cá nhân, một người tự nhận mình có quê hương ở mọi nơi, nước Anh cũng là quê hương, nước Mỹ cũng là quê hương, Australia vẫn là "cội rễ" quan trọng nhất của chàng trai này, nơi có mẹ, có bạn bè. Một ngày nào đó, Swan sẽ lại về Australia.
Trong ngày xa xôi đó ở Australia, Swan sẽ nghe Lay In A Shimmer hay I'm Not Worry At All?
Barney Swan sẽ là khách mời trong buổi đối thoại Forbes Under 30 tại TP.HCM vào ngày 24/4 này. Chủ đề của Forbes Under 30 tại Việt Nam năm nay là "The Future Is Now".