Ngày 3/1, tôi cùng một đồng nghiệp đến sân bay Tân Sơn Nhất, chuẩn bị cho hành trình đến Zimbabwe - một đất nước nằm ở phía nam châu Phi. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của tôi sau 2 năm Việt Nam hạn chế các đường bay quốc tế để phòng, chống dịch bệnh.
Chúng tôi có đầy đủ thủ tục xuất cảnh như hộ chiếu, thị thực công tác, giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 cũng như giấy xét nghiệm âm tính nCoV còn hiệu lực. Tuy nhiên, sự cố xảy ra với tôi khi visa bị thiếu tên đệm.
Minh Đức tại Khu Bảo tồn Sa mạc Trắng (Ai Cập). Dù có nắng, thời tiết ở nơi đây vẫn rất lạnh, chỉ vào khoảng 1-2 độ C vào buổi tối. |
Một thiếu sót cũng không được bay
Theo đó, tên của tôi trên thị thực là Duc Nguyen, thay vì Nguyen Minh Duc như trong hộ chiếu. Nhân viên hãng bay Singapore Airlines không chấp nhận mặc dù tôi có thư mời làm việc. Ekip của tôi liên hệ đến Tổng cục du lịch Zimbabwe nhờ giúp đỡ, nhưng điều này cũng không thể thuyết phục nhân viên hàng không.
Đến ngày 5/1, tôi quay lại sân bay Tân Sơn Nhất với vé của một hãng bay khác. Với hãng bay này, tôi phải quá cảnh qua sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), Addis Ababa Bole (Ethiopia) và sau cùng mới có thể đáp xuống sân bay Robert Gabriel Mugabe (thủ đô Harare, Zimbabwe).
Nhưng sự cố lại tiếp tục xuất hiện. Tại Tân Sơn Nhất, tôi gặp vấn đề với bảo hiểm dành cho khách nhập cảnh đến Thái Lan. Thời điểm tôi đi, quốc gia này yêu cầu du khách buộc phải có bảo hiểm với quyền lợi tối thiểu 50.000 USD nhằm chi trả cho các hạng mục y tế phát sinh (nếu có).
Trong khi đó, bảo hiểm của tôi chỉ là 47.000 USD. Sát giờ bay, tôi cùng ekip của mình hối hả tìm mua bảo hiểm, chỉ lo sợ không kịp giờ. May mắn, chúng tôi kịp hoàn tất thủ tục, lên máy bay với tư cách là hành khách cuối cùng.
Minh Đức trong quá trình làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất, Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) và Addis Ababa Bole (Ethiopia). |
Nhưng đến Thái Lan, nhân viên sân bay chẳng hề quan tâm đến bảo hiểm của tôi. Điều họ yêu cầu là chúng tôi phải có vé từ Zimbabwe sang Ai Cập đã thanh toán. Lúc này, tôi và ekip sản xuất chưa chốt được thời gian trở về, do vậy chúng tôi không có vé máy bay.
Nửa đêm, tôi phải ở lại sân bay chờ giải quyết thủ tục. Ekip của tôi phải vội vã mua vé theo yêu cầu thì mới được hãng bay chấp thuận, xuất vé cho chặng tiếp của mình.
Khi sang đến châu Phi, các quy định trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các sân bay chỉ yêu cầu hộ chiếu, thị thực và các giấy tờ chứng minh an toàn với Covid-19.
Riêng ở Zimbabwe (điểm đến cuối cùng), hành khách cần thực hiện qua một vòng kiểm tra sức khỏe khi nhập cảnh. Thủ tục này khá nhanh chóng, nhân viên sân bay tại đây cũng rất dễ mến và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nhập cảnh.
Thêm một điều đáng lưu ý chính là giấy kết quả âm tính nCoV. Các sân bay tôi nhập cảnh đều yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này với thời điểm xét nghiệm PCR không quá 2 ngày. Nhưng tôi phải bay đến 3 chuyến xuyên suốt 2 ngày này, nên việc canh thời điểm đi xét nghiệm rất quan trọng.
Sau gần 30 giờ di chuyển, Đức và đồng nghiệp người Việt Nam đến thủ đô Harare (Zimbabwe), gặp lại những người bạn chung dự án. |
Trước đây, do tính chất công việc, tôi thường xuyên đi nước ngoài, trong đó có cả châu Phi. Ngày đó mỗi lần bay, tôi chỉ cần chuẩn bị hộ chiếu, thị thực, vé khứ hồi và hành lý.
Giờ đây, mọi thứ trở nên khó khăn, bị siết chặt hơn nhiều so với bình thường. Chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể làm bạn chắc chắn không được lên máy bay.
Để có được phương án bay đến Zimbabwe cho tôi và một đồng nghiệp người Việt, ekip ở nhà phải "vò đầu bứt trán" suốt hơn cả tháng trời. Mọi người giải quyết rất nhiều thủ tục, càng khó hơn khi chính sách phòng dịch tại mỗi quốc gia là khác nhau và thay đổi liên tục.
Có những chuyến bay chúng tôi đã đặt mua vé nhưng mỗi buổi sáng thức dậy đều thấy thông báo hủy chuyến, thật sự rất tuyệt vọng. Chúng tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần, chờ cho đến khi các đường bay quốc tế dần được khôi phục, mới có thể chốt được lịch trình phù hợp.
Những hình ảnh của Đức cùng ekip sản xuất tại Harare. |
6 tuần chật vật, 8 ngày mắc Covid-19 ở châu Phi
Tôi làm việc tại Zimbabwe từ ngày 6 đến 14/1. Từ 17/1 đến 2/2, cả đoàn sang Ai Cập. Từ 3 đến 13/2, chúng tôi dừng chân tại Tanzania và sau đó quay trở về Việt Nam. Những ngày xen kẽ ở giữa là thời gian di chuyển.
Ban đầu, chúng tôi chỉ dự định đi 4 tuần nhưng vì hàng loạt sự cố, thời gian làm việc và đi lại kéo dài đến 6 tuần lễ.
Vốn đã quen với những chuyến quay phim dài ngày, tôi hiểu sự cố là không thể tránh khỏi nên đã lên đường với tâm trạng bình tĩnh nhất, sẵn sàng đối đầu các khó khăn. Thế nhưng lần công tác này có lẽ là gian nan hơn những gì tôi tưởng tượng.
Số hành lý của đoàn từ Thái Lan sang châu Phi. |
Sự cố đầu tiên là khi vừa đáp máy bay ở Thái Lan, chúng tôi nhận tin bị thất lạc toàn bộ hành lý của sếp (từ Mỹ bay sang Thái Lan) bao gồm cả thiết bị quay. Vừa phải lo bổ sung giấy tờ, vừa tìm thiết bị, tôi và anh bạn đạo diễn hình ảnh người Mỹ bắt đầu xuất hiện tâm lý bất an. Sau cùng, chúng tôi không thể tìm được hành lý nữa nhưng vẫn phải tiếp tục bay đến Zimbabwe rồi tìm cách.
Tại Zimbabwe, chúng tôi ngồi bàn với nhau xem còn lại những thiết bị gì. Sau đó, cả nhóm liên hệ đối tác là những nhà sản xuất phim người địa phương nhờ giúp thuê máy móc. Chúng tôi may mắn tìm được đúng loại máy quay đang dùng nên tận dụng được số lens mang theo.
Nhờ sự việc này, tôi nhận ra người Zimbabwe cực kỳ thân thiện và nhiệt tình. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác với thái độ tích cực, lạc quan. Với sự hỗ trợ của họ, lịch quay của đoàn tôi chỉ bị dời một ngày. Thêm điều bất ngờ khác là trước khi rời thủ đô Harare, chúng tôi lại nhận được toàn bộ thiết bị thất lạc, mọi thứ ở trong tầm kiểm soát.
Đức có nhiều kỷ niệm đẹp với người dân tại những vùng đất hoang dã của châu Phi. |
Đến Ai Cập, cơn ác mộng mới thật sự bắt đầu. Sau 48 giờ di chuyển trên 2 chuyến bay đêm, chúng tôi mới đến được thủ đô Cairo. Chưa kịp nghỉ ngơi tại khách sạn, cả đoàn lại bị lực lượng an ninh scan hành lý và tịch thu toàn bộ máy móc do quy định kiểm soát thiết bị ghi hình, thu âm khá đặc thù.
Theo tôi tìm hiểu, Ai Cập luôn có một bộ phận cảnh sát du lịch túc trực ở mọi khách sạn lớn trong thành phố. Ngay cả người quản lý của khách sạn cũng có thẩm quyền tra hỏi hành khách về những điều họ nghi ngờ.
4h sáng, cả đoàn tôi ngồi ngay bên ngoài khách sạn, chứng minh mình thuộc một ekip công tác bằng cách xuất trình dấu nhập cảnh vào cùng một ngày.
Đến 10h, thấy chúng tôi quá đuối, họ mới cho lên phòng tạm nghỉ ngơi. Nhưng đến 13-14h, tất cả lại phải xuống làm việc cùng cảnh sát địa phương. Chúng tôi được thông báo rằng công an tịch thu toàn bộ máy quay của đoàn và giữ ở sân bay cho đến khi tất cả xuất cảnh.
Không còn thiết bị quay, chúng tôi phải mua một chiếc iPhone 13 để thay thế, dù chất lượng hình ảnh không tốt bằng máy quay chuyên nghiệp nhưng còn hơn là ra về tay trắng.
Minh Đức và ekip không may mắc Covid-19 tại Ai Cập. |
Điều đáng ngại nhất là trong lúc công tác tại Ai Cập, cả đoàn chúng tôi lại mắc Covid-19, phải cách ly, điều trị trong khoảng 8 ngày mới có thể tiếp tục lịch trình. Đây lại đúng là thời điểm Tết Nguyên đán tại Việt Nam, tôi rất chạnh lòng, nhớ gia đình khi không được về nhà.
Sau chuỗi ngày ở Ai Cập, chúng tôi như vỡ òa khi được lấy lại thiết bị và bay đến Tanzania. Không giống Ai Cập với những sa mạc rộng lớn, thời tiết nóng khô, Tanzania lại rất dễ chịu, cảnh quan đẹp. Tại đây, chúng tôi không gặp trở ngại gì về pháp lý, có thể quay phim thoải mái.
Chàng trai tham quan khu chợ bản địa đã tồn tại hơn 50 năm của người Maasai (Tanzania) và làm quen với người dân địa phương. |
Những điều đầu tiên
Đối với tôi, chuyến công tác châu Phi vừa qua thật nhiều khó khăn nhưng cũng có vô số kỷ niệm tốt đẹp, đáng nhớ. Tôi nhớ nhất anh bạn tên Tau ở Zimbabwe, một người bản xứ rất thân thiện, nhiệt tình giúp tôi giải quyết các vấn đề trên đường đi.
Hành trình này giúp tôi lần đầu tiên thấy cách người ta làm thịt một con lạc đà, ngồi xe offroad trên sa mạc trắng, ngắm thác Victoria (biên giới Zambia và Zimbabwe), một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Tôi cũng được gặp nhiều người dân thuộc bộ lạc sống theo cách nguyên thủy. Họ sống rất coi trọng tập thể, gắn kết và trung thực. Tôi được họ hướng dẫn cách bắt rắn treo lên người, cảm giác thật sự sợ hãi nhưng phấn khích.
Đức trải nghiệm treo rắn lên người và tham quan thác Victoria. |
Ngày 14/2, tôi đáp xuống Campuchia, sau đó đi thêm chuyến bay để nhập cảnh về Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đã mở cửa với tất cả chuyến bay quốc tế thường lệ nên tôi nghĩ việc xuất ngoại không còn khó khăn như thời điểm tôi đi. Nhưng với những ai có dự định bay nước ngoài trong giai đoạn dịch bệnh thế này, các bạn phải cực kỳ cẩn thận với các thủ tục giấy tờ, giấy xét nghiệm PCR có hiệu lực trong 2 ngày và các loại bảo hiểm dành cho du khách kể cả chỉ quá cảnh.
Ngoài ra, các bạn cũng cần chuẩn bị một tinh thần thật bình tĩnh, sức khỏe tốt và sẵn sàng cho hàng chục lần chọc mũi xét nghiệm nhanh tại các sân bay.