Gặp họa sĩ Lưu Xuân Thành tại triển lãm đầu tay cùng 3 đồng nghiệp, người xem ấn tượng với anh bởi đôi mắt sáng, sự nồng nhiệt và nụ cười thường trực. Triển lãm nhỏ ở Hà Nội trưng bày gần 20 tác phẩm của nhóm họa sĩ khuyết tật với 3 thể loại tranh vẽ chì, màu nước và acrylic. Những bức tranh với nhiều chủ đề được bán hết sau ít ngày.
Ít ai biết, để có những bức vẻ ưng ý mang triển lãm, Lưu Xuân Thành đã phải trải qua nhiều năm trong đau đớn do chứng co cứng vận động toàn thân.
Vượt lên số phận, Lưu Xuân Thành luôn lạc quan theo đuổi niềm đam mê hội họa của mình. Ảnh: Quỳnh Như. |
Ở quê nhà của họa sĩ Lưu Xuân Thành (xã Đại Đức, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương), khi hỏi, người dân xung quanh ai cũng hăm hở chỉ đường. Trong phòng khách căn nhà cấp 4 không có nhiều đồ đạc giá trị mà treo đầy tranh của Thành từ khi bắt đầu tập vẽ. Căn phòng 20 m2 ở bên hông nhà chính, vừa là nơi ở, vừa là chỗ sáng tác của chàng họa sĩ 30 tuổi. Hàng chục bức tranh chì, màu nước được treo ngay ngắn trên tường.
Chiếc giá vẽ đơn sơ, bộ màu nước xếp gọn gàng cùng giàn máy vi tính là gia tài lớn đối với chàng họa sĩ trẻ. Chúng giúp anh đeo đuổi đam mê và giao lưu với thế giới bên ngoài.
Năm 12 tuổi, họa sĩ Lưu Xuân Thành gặp phải chấn thương cột sống hy hữu, dẫn đến co cứng cơ vận động toàn thân, liệt nửa người. Hơn 10 năm trời, bố mẹ đưa anh đi khắp các bệnh viện từ địa phương đến Trung ương nhưng tình hình không cải thiện.
Tác phẩm của Thành treo đầy trên các bức tường trong nhà. Ảnh: Quỳnh Như. |
“Cuộc sống của mình ngày cũng như đêm, chỉ gió quạt cũng khiến cơ thể đau đớn vô cùng. Có lúc mình không còn muốn tồn tại trên cõi đời nữa", Thành nhớ lại những năm đầu sau tai nạn.
Tuy nhiên, nghĩ tới công lao bố mẹ bao năm chạy vạy khắp nơi chữa trị và đặt hy vọng ở mình, Thành gắng gượng sống tiếp. Cùng với niềm đam mê hội họa, chàng trai trẻ đã trở thành động lực và cũng là bài học cho nhiều gia đình ở xã Đại Đức răn dạy con cháu.
Mẹ Thành, bà Lương Thị Thuyên, khoe, nhiều vị khách từ Hà Nội và các tỉnh về đây đặt và mua tranh để giúp Thành có thể tự lo cho sinh hoạt của mình. “Tôi chỉ mong con bán được nhiều tranh, có một gia đình nhỏ. Có như vậy vợ chồng tôi mới yên tâm được”, bà Thuyên chia sẻ về cậu con trai út.
Họa sĩ Lưu Xuân Thành và bố tại triển lãm Khát vọng ngày mới diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng. |
Tự tay làm khung tranh, căng voan cho con vẽ, rồi tỉ mẩn đóng từng tác phẩm lên tường, ông Lưu Xuân Tiến cho biết, Thành vẽ rất nhiều.
"Một ngày vẽ liên tục hơn 6 giờ đồng hồ, cơ thể có đau nhức thế nào, Thành vẫn kiên trì. Nhiều lúc thương con, sợ con mệt và đau nhưng thấy nó đam mê như vậy, tôi chỉ biết động viên và làm những gì tốt nhất có thể", ông nói.
Chia sẻ về tương lai, Thành háo hức với dự định mở lớp dạy vẽ cho trẻ con. Anh mong đó là nơi để mình tìm niềm vui và cũng là nơi để mình lập nghiệp lâu dài.
Triển lãm tranh Khát vọng ngày mới được tổ chức lần thứ 3 vào đầu năm 2015, nằm trong dự án hỗ trợ các họa sĩ khuyết tật bị chấn thương cột sống.
Bốn tác giả khuyết tật Lưu Xuân Thành (Hải Dương), Lê Thị Mỹ Bình (Yên Bái), Đỗ Trọng Minh (Quảng Ninh), Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng) đã mang tới cho người xem gần 20 bức tranh với 3 chất liệu chính là vẽ chì, màu nước và acrylic.
Đây cũng là buổi ra mắt nhóm họa sĩ đến với công chúng. Nhiều bức tranh được mua trong thời gian triển lãm, tạo tiền đề cho các họa sĩ có thêm thu nhập từ tài năng của mình.
Biết thông tin về nhóm tác giả, nhiều người xem rất bất ngờ. "Tôi cảm phục khi thấy người họa sĩ với đôi tay co quắp, cử động khó khăn lại vẽ được những bức tranh đẹp và ý nghĩa như vậy", chị Nguyễn Thị Huệ, người tới dự triển lãm chia sẻ.
Họa sĩ Hà Minh Tuấn cùng nhiều tên tuổi trong giới hội họa tới đây đều ghi nhận nỗ lực của Lưu Xuân Thành cũng như các đồng nghiệp trẻ. Không những vậy, ông còn đánh giá cao cơ hội có thêm thu nhập cho nhóm tác giả.